Mùa hè là thời điểm thích hợp cho bé hoạt động, vận động ngoài trời, giúp trẻ nhỏ phát triển thể chất, tuy nhiên, các mẹ cũng cần để ý nhiều đến việc bảo vệ bé trong thời tiết nắng nóng. Cơ thể của trẻ em còn rất mỏng manh, nhạy cảm trước nhiệt độ cao nên rất dễ bị bỏng da hoặc say nắng hoặc nghiêm trọng hơn trẻ sẽ có nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ em (SIDS) – một chứng rối loạn giấc ngủ gây tử vong. Vì vậy để đảm bảo cho con nhỏ luôn được bảo vệ giữa những ngày hè nóng nực, bạn đọc có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây.
1. Nên duy trì nhiệt độ từ 27-28 độ C đối với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có cơ chế bài tiết qua da chưa ổn định nên thường dễ bị say nắng và bị mất nước nhanh hơn nhiều so với ở trẻ lớn hơn và người lớn. Vì vậy, bác sĩ khuyên chúng ta không nên cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời trên 28 độ C.
2. Chọn quần áo phù hợp để bảo vệ bé trong thời tiết nắng nóng
Quần áo thích hợp nhất với trẻ nhỏ là quần áo có chất liệu vải nhẹ, rộng và được làm bằng sợi cotton (sợi cotton có khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt so với các loại sợi tổng hợp khác). Ở trong nhà, mẹ có thể cho bé mặc các trang phục làm bé thoải mái nhất như quần áo cộc hay body cộc. Tuy nhiên, khi ra đường bạn nên mặc quần áo dài cùng với mũ để tránh tia cực tím từ mặt trời (các tia này có thể xuyên qua các đám mây kể cả trời không có nắng).
3. Không để trẻ ở những nơi quá nóng, ngột ngạt, thiếu dưỡng khí
Vì hệ thống bài tiết mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện nên nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao nếu ở trong phòng nóng hoặc trong ô tô đóng kín. Điều này thậm chí rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nên phụ huynh cần cảnh giác. Nếu phải di chuyển bằng ô tô, hãy đảm bảo cửa kính được che chắn không cho ánh nắng chiếu vào người trẻ và chỉ nên chọn trang phục mỏng, nhẹ để trẻ cảm thấy đỡ nóng bức.
4. Sử dụng địu em bé chất liệu mỏng và nhẹ
Để tránh nóng cho trẻ khi đi ngoài trời, chị em nên sử dụng địu em bé làm từ chất liệu nhẹ, mỏng và thoáng như sợi tổng hợp thay vì chọn chất liệu vải dày. Nếu trẻ khó chịu, không nên địu trẻ nữa và có thể xịt một ít nước hoặc sử dụng giấy ướt lau tay chân cho trẻ.
5. Luôn cung cấp đủ nước cho trẻ
Trẻ em có thể mất nước khi thời tiết nóng bức với các dấu hiệu đặc trưng là mặt đỏ ửng, da nóng, thở gấp, mặc dù có thể chúng ta không thấy trẻ ra mồ hôi nhiều. Đối với trẻ sơ sinh, tốt nhất các mẹ nên cho con bú hoặc pha sữa cho con uống thường xuyên hơn để thay thế cho lượng nước và khoáng chất bị mất đi, không nên cho trẻ trực tiếp uống nước (với trẻ trên 6 tháng tuổi có thể cho uống một lượng nước nhất định). Lượng nước được khuyến cáo bổ sung thêm cho cơ thể ít nhất 50% so với ngày thường. Bên cạnh đó, các mẹ cũng đừng quên chuẩn bị thêm nhiều tã lót cho trẻ.
6. Tránh khoảng thời gian 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều
Thời gian mặt trời gây hại nhất cho sức khỏe là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, vì vậy ta nên có những kế hoạch vui chơi giải trí ngoài trời tránh khoảng thời gian đó để đảm bảo sức khỏe cho em bé.
7. Theo dõi thường xuyên để bảo vệ bé trong thời tiết nắng nóng
Khi bị cảm nắng, trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh, thờ ơ, không chịu thức dậy để ăn uống hay nghiêm trọng hơn, trẻ trở nên buồn ngủ, có thể nôn mửa và da dẻ khô hơn. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao thì các mẹ nên cho trẻ đi khám ngay lập tức tại các cơ sở y tế gần nhất.
8. Chọn chỗ râm mát để vui chơi
Các mẹ nên chọn những nơi râm mát như dưới gốc cây, dưới ô, bạt hoặc lều vải để tránh nắng nóng nếu như có dự định đi dã ngoại, công viên hay bãi biển. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm kính râm cho trẻ nhỏ để phòng tránh tia UV gây hại cho mắt.
9. Dùng kem chống nắng để bảo vệ bé trong thời tiết nắng nóng
Bạn có thể thoa một chút kem chống nắng cho trẻ sơ sinh để phòng ánh nắng gây hại cho da. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể sử dụng kem chống nắng thường xuyên hơn, nên chọn sản phẩm có chỉ số chống nắng (SPF) tối thiểu 15 và chọn loại kem chống nước.
10. Cách xử lý khi trẻ bị phát ban hoặc da cháy nắng
Nếu trẻ bị phát ban do nhiệt, hãy cởi quần áo và tã lót trẻ đang mặc, thoa phấn rôm, để trẻ ở nơi thoáng mát để làm giảm triệu chứng. Nếu da trẻ bị cháy nắng với dấu hiệu da nóng đỏ, sưng tấy và trẻ bị đau khi chạm vào thì tốt nhất bạn nên cho con đến khám bác sĩ.
Chăm sóc trẻ khi mùa nắng nóng sắp bắt đầu ở miền Nam
Miền Nam sắp vào mùa nắng nóng đỉnh điểm nhất trong năm. Mặc dù khí hậu nóng quanh năm nhưng khoảng thời gian thời tiết nắng gắt khó chịu nhất rơi vào từ tháng 3 trở đi. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các mẹ hãy lưu ý chuẩn bị thật kỹ trước khi cho con ra ngoài. Đừng quên bôi kem chống nắng, mặc áo/quần chống nắng chất liệu mỏng nhẹ, đeo kính/khẩu trang và chú ý bù nước cho bé. Mẹ cũng cần nhớ trước khi cho trẻ ra khỏi phòng điều hòa/ra ngoài trời/xuống ô tô… nên có một khoảng đệm để tránh trẻ bị sốc nhiệt.
Ngoài ra với đặc thù khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, các mẹ cũng cần lưu tâm đến vấn đề vệ sinh và bệnh da liễu, các bệnh truyền nhiễm nếu cho trẻ đi chơi bên ngoài.
Hãy nhớ dù có tổ chức hoạt động gì thì sức khỏe của con là ưu tiên hàng đầu. Việc chuẩn bị chu đáo trước khi đưa trẻ đi bất cứ đâu giúp mẹ luôn sẵn sàng và giúp em bé có thể trạng tốt nhất để vui chơi cùng cả nhà.
Xem thêm:
- Dạy bé đọc chữ sớm chỉ trong 9 bước đơn giản và hiệu quả
- Bé khó ngủ thiếu chất gì? Làm sao để trẻ ngủ ngon?
- Cẩm nang phát triển bé 8 tháng tuổi
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!