Bạo hành trẻ em trong gia đình trong những năm gần đây vẫn thường xuyên được đưa tin trên báo đài rất nhiều. Bởi đây luôn là chủ đề nóng giành được nhiều sự quan tâm của dư luận, gây lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Ngay trong chính tổ ấm của mình, các thiên thần nhỏ đều có khả năng bị xâm hại và tổn thương bởi chính những người thân không ngờ đến. Vậy phải bạo hành ở trẻ là gì và ba mẹ cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này xảy ra?
Bạo hành trẻ em trong gia đình là gì?
Bạo hành trẻ em trong gia đình là dùng lời nói và hành động để ngược đãi về thể chất cũng như tinh thần của trẻ em. Xâm hại tình dục ở trẻ nhỏ cũng là một dạng bạo hành.
Tình trạng đáng tiếc này có khả năng diễn ra ở bất cứ nơi nào từ nhà ở đến trường học hay cả ngoài xã hội, không kể xuất thân hay tôn giáo.
Trong đó, các thiên thần nhỏ có thể bị bạo hành bởi ba mẹ ruột, ba mẹ kế, các thành viên khác trong nhà, người chăm trẻ. Thông thường, bạo hành trẻ em được chia thành 4 dạng dưới đây.
Bạo hành thể chất
Đây là tình trạng gây tổn thương về tinh thần và thể chất của các thiên thần nhỏ bằng các hành vi như đấm đá, lắc mạnh, xô đẩy hay dùng đồ vật như thắt lưng, roi, chổi phủi bụi…để lại những vết thương trên người trẻ.
Lạm dụng tình dục
Các hành vi trực tiếp hay gián tiếp đụng chạm vào các bộ phận bất kỳ trên cơ thể trẻ khi không có sự cho phép của con. Đặc biệt là các khu vực như ngực, mông, vùng kín của trẻ. Bên cạnh đó, việc ép buộc bé tham gia các hoạt động tình dục đều được xem là lạm dụng tình dục.
Bạo hành thông qua lời nói hay cảm xúc
Bạo hành thông qua lời nói hay cảm xúc là dạng “tra tấn” trẻ nhỏ có thể xảy ra mà không cần đụng chạm. Đó có khả năng là bạo hành bằng lời nói như la hét mọi lúc, gọi con bằng các cái tên không tốt, dọa dẫm bỏ trẻ hay để con cho người khác nhận nuôi… khiến các thiên thần nhỏ rơi vào tâm trạng hoảng sợ và lo lắng.
Việc các bậc phụ huynh tức giận với bé trong một thời điểm nhất định là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu kèm theo các hành vi như la hét, sử dụng hình phạt hoặc đe dọa thái quá, ba mẹ sẽ khiến con cảm thấy tệ về bản thân.
Bỏ rơi trẻ em
Khi để trẻ em “tự sinh tự diệt” trong một ngôi nhà, trong đó người lớn không cung cấp cho bé những điều cơ bản như thực phẩm, quần áo sạch sẽ, chỗ ngủ, vui chơi…
Khi ba mẹ hoặc người chăm sóc bỏ rơi trẻ, con sẽ không được tắm, ngủ hoặc không được thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Tình trạng này có khả năng dẫn đến trẻ có hành vi tự hại bản thân hay mắc các bệnh về tâm lý khó chữa trị.
Ba mẹ cần làm gì để bảo vệ con?
Thông thường, các đứa trẻ khi bị bạo hành sẽ có xu hướng thu mình lại, đồng thời không dám nói chuyện hay tiếp xúc với những người xung quanh.
Lý giải cho tình trạng này là do tâm lý của bé đang phải chịu nhiều tổn thương do bị người gây hại dọa dẫm không cho con nói ra.
Thường xuyên trò chuyện với con
Ba mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với con về những điều diễn ra xung quanh cuộc sống của bé. Thói quen này sẽ tạo sự thoải mái, cởi mở và niềm tin cho trẻ với người. Để từ đó, các thiên thần nhỏ luôn cảm giác an toàn do đã có sự chở che từ ba mẹ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích con kể với mình khi bị ai đó bắt nạt. Bạn hãy hướng dẫn các thiên thần nhỏ của mình mạnh dạn nói với người lớn để được xử lý.
Khuyến khích con mách với người lớn
Ba mẹ nên sớm làm “công tác tư tưởng” với trẻ như khuyến khích con can đảm nói với người lớn về rắc rối mà bé gặp phải hoặc mỗi khi cảm thấy bất an.
Điều này sẽ giúp ba mẹ và những người thương yêu bé có thể bảo vệ con an toàn, đồng thời phòng tránh tình trạng bạo hành xảy ra.
Giải thích về khái niệm “đụng chạm”
Các bậc phụ huynh nên nói cho bé yêu hiểu rõ về khái niệm “đụng chạm đơn thuần” và “đụng chạm với mục đích xấu”. Những cái ôm và hun từ ba và mẹ, nằm vào lòng bà ngoại để nghe kể chuyện hay âu yếm chú cún cưng là những “đụng chạm đơn thuần” nhằm thể hiện sự yêu thương.
Tuy nhiên, đụng chạm vào các bộ phận trên cơ thể như ngực, mông, vùng kín…được coi là “đụng chạm với mục đích xấu”. Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn các thiên thần nhỏ của mình kể ngay với người lớn khi rơi vào tình huống này để nhận sự trợ giúp nhé.
Bạo hành trẻ em trong gia đình nếu không được các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức thì nạn nhân có thể là chính đứa con thân yêu của bạn. Vì thế, thay vì ngó lơ, bạn hãy tự mình trang bị những kỹ năng hữu ích để hướng dẫn cho trẻ tự bảo vệ bản thân nhé.
Xem thêm:
- Dạy con gái cách bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục
- Bạo lực học đường – Cha mẹ hãy dạy con về an toàn ngay cả ở trường học!
- Ý kiến chuyên gia: 14 lời khuyên cho các nạn nhân bạo lực gia đình