Bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22 và điều kỳ diệu khi thai nhi sinh đôi vượt qua ranh giới “sống-chết”

       Bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22, chị Opal, xúc động nghẹn ngào khi nhắc lại những khoảnh khắc cận kề giữa ranh giới sống chết của mẹ và 2 bé sinh đôi.

Câu chuyện của bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22

     Mang thai sinh đôi, những háo hức và lo lắng luôn xen lẫn trong tôi. Cho đến trước tháng thứ 6, tôi vẫn cảm thấy hoàn toàn khỏe khoắn và không có bất kỳ một dấu hiệu nào của mối nguy hiểm đang đến gần.

      Buổi  sáng hôm đó, đúng ngày tròn 22 tuần thai, tôi vui vẻ chuẩn bị cho buổi tập Yoga. Chồng tôi đến hôn tạm biệt vợ và xoa chiếc bụng bầu tròn xoe của tôi để trò chuyện với các con. Bỗng dưng giọng anh ấy lo lắng nói “Sao bụng em cứng vậy?” Tôi thì vẫn một mực bảo anh quá lo và nằng nặc đòi đi tập tiếp kẻo giáo viên chờ lâu. Nhưng chồng tôi vốn cũng là một bác sĩ đã đề nghị tôi hủy buổi tập để đưa vợ đi khám. Anh chỉ nhỏ nhẹ bảo rằng chúng mình cứ đi khám lại cho chắc ăn. Chỉ là để anh yên tâm hơn thôi.

Những dấu hiệu nguy hiểm làm tôi khuỵu ngã

       Bước lên bàn siêu âm, tôi vẫn cười đùa bảo bác sĩ là có một ông chồng hay lo nên cứ phải chiều vậy. Ngay khi bật màn hình siêu âm và khám vùng kín, bác sĩ hốt hoảng thông báo “Tử cung đã mở 3cm, mẹ bầu có dấu hiệu sắp chuyển dạ rồi”.

       Tôi thực sự choáng váng và sau đó ngất đi hoàn toàn. Khi tỉnh dậy tôi lại phải đối mặt với một sự thật khủng khiếp hơn. Bác sĩ yêu cầu hai vợ chồng tôi phải lựa chọn: “Hoặc là mổ lấy 2 bé ra để giữ an toàn cho mẹ nhưng cơ hội sống sót của các con hầu như không có bởi con chưa có phổi và nặng chưa đầy 800g”. Còn “nếu giữ thai thì mẹ sẽ phải nằm bất động hoàn toàn trên giường bệnh cho đến khi thai nhi có khả năng sống sót ở bên ngoài. Tuy vậy bác sĩ cũng không đảm bảo được các biến chứng có thể xảy ra”.

      Nằm trên giường ở bệnh viện, tôi trò chuyện rất lâu với chồng. Chúng tôi bình tĩnh nhìn nhận sự việc và đi đến thống nhất, tôi sẽ tiếp tục mang thai đến chừng nào các con đủ khỏe để chào đời.

Ảnh: Bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22

Hơn 60 ngày bất động trên giường bệnh và những cơn nguy hiểm đe dọa không ngừng mẹ con tôi

      Để thai nhi sinh đôi của vợ chồng tôi có thể tiếp tục phát triển, bác sĩ đưa ra 2 yêu cầu. Tôi phải nằm bất động hoàn toàn và sử dụng thuốc để làm dừng các cơn co thắt của tử cung.

      Sau 1 tuần nằm trên giường, tôi cảm thấy vô cùng khổ sở và chán nản bởi tình trạng này không hề hoàn toàn thích hợp với 1 người năng động như tôi. Nghĩ thầm trong bụng, mình ngồi dậy một chút chắc cũng không sao. Tôi quyết định ngồi lên với lấy chiếc điện thoại. Và cũng chính lúc đó, máu bắt đầu ra xối xả. Tôi không còn biết làm gì ngoài việc bấm điên cuồng vào nút gọi y tá.

       Tử cung tôi lại bắt đầu mở. Các cơn co thắt bắt đầu đổ đến dồn dập. Bác sĩ ngay lập tức chuyển 3 mẹ con sang một phòng đặc biệt, ngay cạnh phòng đỡ đẻ của các thai phụ. Lần này, bác sĩ nghiêm khắc yêu cầu tôi không được có bất kì cử động nào. Phải nằm yên và thực hiện nghiêm ngặt theo chế độ của bác sĩ.

       Tôi biết, giờ đây dù có buồn chán đến đâu cũng phải nghĩ đến con. Một là mất con, hai là con sẽ phải chào đời khỏe mạnh. Vợ chồng tôi động viên nhau như vậy.

        Hàng ngày, mọi hoạt động từ tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống, tôi đều phải thực hiện ở tư thế nằm ngửa. Điều khiếp đảm nhất là tôi phải ăn thật nhiều, đặc biệt là trứng luộc, sáng chiều để con tôi được tăng cân nhiều nhất có thể. Mỗi ngày trôi qua thật chậm chạp, nhưng tin vui dần đến với vợ chồng tôi. Từ không chút hi vọng nào, mỗi tuần bác sĩ lại thông báo, giờ đây cơ hội sống sót của con đã lên được 10% rồi 25%.

        Chỉ có điều, bác sĩ nói rằng, kể cả khi con chào đời, cũng không có gì đảm bảo rằng con sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Bé sinh đôi của chúng tôi có thể sẽ bị khuyết tật trí não, mù bẩm sinh, các bệnh liên quan đến tim, phổi. Hi vọng của mỗi ngày tăng lên vẫn luôn bị bao phủ bởi màn đen của các dị tật mà con sẽ phải đối mặt. Nhưng giờ đây, vợ chồng tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất “Làm thế nào để các con được chào đời khỏe mạnh nhất có thể”.

Ảnh: Chồng của bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22 và 2 con 

Trụy tim và con phải mổ ra đời vào ngày thứ 63 trên giường bệnh

       Sau hơn 60 ngày nằm bất động, chiều hôm đó tôi có cảm giác như mình đang dần chìm xuống sông. Ngực tôi bị đè nặng và khó thở. Tôi cảm giác như cái chết đang cận kề. Chồng tôi ngay lập tức thông báo tình trạng của vợ với bác sĩ. Chúng tôi hiểu rằng đây là tác dụng phụ của thuốc ngưng các cơn co thắt tử cung mà tôi uống hàng ngày. Nó khiến cho tôi đang mắc các triệu chứng của suy tim. Bác sĩ quyết định, tôi sẽ phải mổ sinh ngay lúc này. Nếu không tôi và cả 2 con trong bụng sẽ không còn cơ hội sống sót.

Các con chào đời và chúng tôi đã thoát khỏi bàn tay tử thần

     Dưới sự theo dõi và kinh nghiệm sinh mổ của 4 bác sĩ chuyên gia, các con tôi đã được chào đời an toàn. Bé gái nặng 1200g còn bé trai nặng 1600g. Người con bé xíu không khác gì hai con mèo nhỏ. Chúng tôi rơi nước mắt vì biết con hoàn toàn khỏe mạnh không một dị tật. Cảm ơn Trời phật và phép màu kỳ diệu đã cho 3 mẹ con được cập bến “sự sống” một cách bình an.

Ảnh: Chồng bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22 đang hạnh phúc ngắm một trong hai bé sinh đôi 

Bà mẹ sinh non ở tuần thai thứ 22 chia sẻ về nguy cơ đẻ non và cách chăm sóc trẻ thiếu tháng

      Chị Opal cho biết, các bé sinh non, đặc biệt là trẻ sinh vào tuần thứ 27 đổ lại nếu có chào đời sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Thân nhiệt thấp
  • Khó khăn về hô hấp.
  • Hạ đường huyết.
  • Vàng da
  • Dễ bị vi rút xâm nhập
  • Gặp khó khăn về phản xạ mút và nuốt
  • Não tụ huyết
  • Tỉ lệ tắc ruột cao

      Trẻ sinh thiếu tháng ngay sau khi chào đời cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Bé phải ở lại bệnh viện cho đến khi đạt được mức cân nặng 1,8-2kg. Chỉ khi nào các biến chứng không còn đe dọa, con có thể bú mút sữa như trẻ bình thường và hô hấp được thì trẻ mới được phép xuất viện.

      Sau khi trở về nhà, chế độ chăm sóc trẻ sinh non cũng cần lưu ý đặc biệt những điều sau:

  • Môi trường ở của trẻ sinh non cần thông thoáng, rộng rãi để thân nhiệt con không quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Giữ gìn vệ sinh một cách nghiêm ngặt. Mọi vật dụng của trẻ cần được khử trùng tuyệt đối. Người chăm sóc con cũng cần khử trùng chân tay sạch sẽ trước khi bế ẵm và chăm sóc con.
  • Trẻ sinh non cần được bú sữa mẹ để cơ thể con từ từ hình thành sức đề kháng. Trẻ có thể phải bổ sung thêm sữa ngoài với công thức Enrich Post-discharge Formula để cân nặng con tăng trưởng ở mức an toàn.

Theo The Asianparent Thái Lan 
     

 

 

 

 

 

Bài viết của

Minh Hương