Bà bầu bị chảy máu cam 3 tháng cuối do nguyên nhân gì và tình trạng này có nguy hiểm đến thai nhi hay không? Các mẹ bầu cần nên biết rõ về tình trạng này và cách xử lý.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Tại sao bà bầu bị chảy máu cam khi mang thai 3 tháng cuối
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trong thời gian mang thai, một số mẹ bầu bị chảy máu cam khiến tâm trạng lo lắng. Đây là hiện tượng phổ biến, khá thường gặp, không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Có khoảng 20% số bà bầu bị chảy máu cam. Vậy nguyên nhân do đâu?
– Các mạch máu trong mũi của mẹ bầu được mở rộng, việc cung cấp máu tăng lên gây áp lực lên thành mạch khiến chúng dễ bị vỡ hơn.
– Mẹ bầu bị ảnh hưởng vì môi trường xung quanh, cảm lạnh, nhiễm trùng xoang, dị ứng, niêm mạc mũi bị khô do thời tiết và chảy máu.
– Sự thay đổi của nội tiết tố trong thời kỳ mang thai khiến cho màng nhầy ở mũi của mẹ bầu bị sưng lên, dễ chảy máu.
– Một số bệnh lí như tăng huyết áp, rối loạn đông máu, chấn thương.
– Một số loại thuốc như aspirin, warfarin…hoặc thuốc chống viêm không chứa steroid.
Thay đổi nội tiết tố
Giai đoạn mang thai, các hormone là estrogen và progesterone gia tăng, từ đó lượng máu trong cơ thể cũng gia tăng. Lượng máu này nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát triển cơ thể của mẹ và thai nhi. Các mạch máu từ đó giãn ra, tăng áp lực máu trên thành mạch, dễ tăng nguy cơ vỡ mạch máu.
Những thay đổi trong nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, khiến màng nhầy ở mũi của mẹ bầu sưng lên, dẫn tới nghẹt mũi, khó thở, dễ chảy máu cam.
Chảy máu cam khi mang thai 3 tháng cuối vì sức đề kháng giảm
Trong giai đoạn mang bầu, sức đề kháng của người phụ nữ giảm đáng kể, dễ mắc các chứng cảm cúm, viêm mũi, nhiễm trùng xoang, dị ứng hoặc thời tiết thay đổi khiến khô mũi. Ở nhiều trong phòng máy lạnh cũng khiến khô mũi và gây chảy máu mũi.
Do bệnh lý
Một số chấn thương và bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn đông máu ở bà bầu cũng có thể gây chảy máu cam.
Tác dụng của thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh, chống viêm như aspirin, warfarin, enoxaparin hoặc thuốc không chứa steroid có thể khiến bà bầu chảy máu cam. Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng, thuốc thông mũi, xịt mũi vô tình khiến bà bầu chảy máu cam.
Điều kiện thời tiết khô khiến bà bầu bị chảy máu cam
Màng nhầy trong mũi khô rất nhanh trong điều kiện thời tiết lạnh và khô, không gian có máy lạnh, hoặc thời tiết hanh khô làm tăng nguy cơ chảy máu cam cao hơn.
Bà bầu bị chảy máu cam 3 tháng cuối có ảnh hưởng gì đến thai kỳ không?
Chảy máu cam khi mang thai hiếm khi nguy hiểm. Tuy nhiên nó có thể làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh. Nghiên cứu cho thấy 10% phụ nữ bị chảy máu mũi khi mang thai sẽ bị băng huyết sau sinh. Trong khi ở nhóm các phụ nữ không bị chảy máu cam thì tỉ lệ đó là 6%. Tuy vậy, vẫn chưa chắc chắn chuyện chảy máu cam khi mang thai sẽ dẫn đến biến chứng này.
Chảy máu mũi rất hiếm khi làm ảnh hưởng đến cách sinh con. Tuy nhiên, nếu bạn chảy máu cam nặng và kéo dài đến tận 3 tháng cuối của thai kỳ thì có thể bạn sẽ phải sinh mổ.
Làm gì để ngừng máu khi bị chảy máu cam?
Bác sĩ Nam lưu ý, khi bị chảy máu cam, mẹ bầu cần ngồi xuống và nghiêng về, nếu cảm thấy chóng mặt, bạn có thể nằm nghiêng qua một bên. Sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp chặt phía trên cánh mũi rồi thở bằng miệng, duy trì trong 10-15 phút, nếu máu vẫn không ngừng chảy, mẹ vẫn tiếp tục thực hiện trong khoảng từ 10-15 phút nữa. Nếu máu chảy không ngừng sau 30 phút, chảy máu nhiều, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, mất phương hướng, sắc mặt tái nhợt, đau ngực thì nên đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Ăn gì khi bị chảy máu cam khi mang thai 3 tháng cuối
Theo các chuyên gia sức khỏe, 4 vitamin và khoáng chất quan trọng sau giúp cầm máu tốt cũng như ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam hiệu quả:
- Vitamin K: Đảm bảo tình trạng đông máu ổn định, thiếu vitamin K dễ khiến bạn bị chảy máu cam. Thực phẩm giàu vitamin K: rau lá xanh đậm, hành lá, cải bruxen, bắp cải, tỏi, dưa leo…
- Vitamin C: Giúp ngăn bệnh scorbut gây ra chảy máu trong đó có chảy máu cam. Thực phẩm giàu vitamin C: rau lá xanh, ớt chuông, bông cải xanh, quả mọng, trái cây họ cam quýt…
- Sắt: Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, dễ gây bầm tím và tăng nguy cơ chảy máu cam. Thịt đỏ, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt… là những thực phẩm tốt người bị chảy máu cam nên ăn.
- Kali: Điều hòa chất lỏng cơ thể, ngăn ngừa mất nước, tránh các mô trong mũi bị khô gây chảy máu cam. Thực phẩm giàu kali nên bổ sung là chuối, bơ, cà chua…
Ngoài 4 nhóm thực phẩm trên, một chế độ ăn uống cân bằng carbonhydrat với các thực phẩm chứa protein lành mạnh… cũng rất cần thiết đối với người hay bị chảy máu cam.
Như vậy, nếu bà bầu bị chảy máu cam 3 tháng cuối thì cũng đừng lo lắng nhé. Tình trạng này phần lớn chỉ là nhất thời và sẽ tự khỏi sau khi sinh con nên các mẹ bầu có thể yên tâm.
Xem thêm
- Chảy máu cam khi mang thai – Mẹ bầu nên xử lý an toàn như thế nào?
- Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
- Bí quyết phân biệt đau bụng kinh và đau bụng khi có thai
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!