Dạy con thông minh sẽ không còn là điều quá hóc búa và khó khăn nếu cha mẹ thử áp dụng 30 cách vô cùng đơn giản được chia sẻ từ các mẹ Nhật.
- 8 bí mật về cách nuôi dạy con thông minh mà bạn nên biết
- Muốn trẻ thông minh, trí nhớ tốt cha mẹ đừng quên xây dựng nền tảng thể chất cho bé ngay từ khi chào đời
- TĂNG CHỈ SỐ THÔNG MINH CHO TRẺ: Tiết lộ 8 cách thức cực đơn giản mà cha mẹ nào cũng có thể thực hiện được
GS.TS. Kiso Kubota, tác giả một trong những cuốn sách bán chạy nhất về dạy con thông minh từ thuở sơ sinh “Baby brain training” có tổng kết rằng:
– Việc kích thích phát triển trí não của trẻ vào thời điểm nào và như thế nào sẽ quyết định chủ chốt tới khả năng làm việc và xử lý dữ liệu khi giải quyết vấn đề của não bộ trẻ.
– Bộ não trẻ sơ sinh phát triển nhanh nhất vào năm đầu đời. Tốc độ này còn nhanh hơn bất kỳ một phát triển nào của cơ thể vào những năm sau đó.
– Dạy con thông minh từ tuổi chập chững giúp đưa tới những kết quả xuất sắc trong học tập tại các cấp học cao hơn sau này.
– Luyện tập cho trí não của trẻ là điểm khởi đầu để hình thành một con người với tư duy sáng tạo, luôn tỉnh táo và có chính kiến riêng.
Chính vì những lý do này mà các hoạt động thể chất cũng như cách chơi với trẻ trong những năm đầu đời đóng một vai trò quan trọng để có thể giúp trẻ có được những tiềm năng nổi trội.
30 hoạt động được các mẹ Nhật áp dụng để dạy con thông minh từ khi chào đời
1. Nhìn vào mắt trẻ
Ngay khi bé chào đời, mỗi lúc con thức giấc, cha mẹ đừng quên nhìn vào mắt bé và bế bé lên ở tư thế trò chuyện. Cách này sẽ giúp con ghi nhớ khuôn mặt của cha mẹ cũng như hình thành phản xạ bắt chước từ rất sớm.
2. Nói tiếp đi con
Khi bước vào tuổi chập chững cũng là lúc con tập nói. Mẹ hãy thử dạy bé đọc sách, đọc thơ, lặp lại các câu nói đơn giản hàng ngày. Sau đó, những lúc nói chuyện với trẻ mẹ có thể để trống từ cuối cùng cho bé tiếp lời. Mức độ khó tăng dần từ “1 từ” thành “1 cụm từ” và sau đó là cả câu. Đây là cách hiệu quả để rèn luyện trí nhớ cho con ngay từ khi còn nhỏ.
3. Nếu có thể hãy cho con bú sữa mẹ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ được bú sữa mẹ vào những năm đầu đời thường có xu hướng đạt chỉ số IQ cao. Vì vậy, nếu có điều kiện về sức khỏe, mẹ nên cho bé bú nhiều nhất có thể.
4. Làm mặt hề với con
Chẳng hạn như thè lưỡi, chu miệng hay những cử chỉ buồn cười. Trẻ sơ sinh có khả năng bắt chiếc rất giỏi. Con sẽ mau chóng học được những cảm xúc ngộ nghĩnh và hài hước từ cha mẹ.
5. Soi gương kỳ diệu
Chỉ một chiếc gương nhỏ cũng có thể dạy trẻ được bao điều. Hầu hết trẻ sơ sinh đều thích trò chơi này. Các con sẽ hiểu được sự khác biệt giữa khuôn mặt của cha mẹ, của bé và bóng mình trong gương. Đây là cơ sở để con hình thành cái tôi của mình.
6. Không chỉ là đi tắm
Thời gian tắm rửa mẹ có thể xen kẽ thêm các hoạt động khác như dạy bé về các bộ phận của cơ thể, hát về giờ đi tắm, cùng bé chơi đong nước, đập chân trong nước để rèn luyện sự dẻo dai của đôi chân, v.v.
7. Luyện trí nhớ bằng xem tranh
Thường xuyên cho bé xem 2 bức tranh với một vài điểm khác nhau (nâng dần từ dễ đến khó). Với các bé sơ sinh thì có thể chỉ cần 1 điểm khác. Tranh nên to rõ ràng và để cách mắt bé 30-40cm.
8. Ngắm cảnh bên ngoài
Bế bé đi dạo và miêu tả cho trẻ xem những gì con nhìn thấy. Chẳng hạn chú chim đang đậu trên cây. Bông hoa màu đỏ đang rung rinh trước gió. Việc đơn giản này giúp con tăng vốn từ vựng cũng như học cách ghi nhớ thông tin rất hiệu quả.
9. Mô phỏng âm thanh
Thường xuyên mô phỏng các tiếng động, âm thanh với tông điệu trầm bổng khác nhau. Bé từ 5, 6 tháng trở đi sẽ rất thích bắt chước khi thấy cha mẹ làm như vậy. Điều này cũng giúp ích cho thính giác của con trở nên nhanh nhạy hơn.
10. Chế ra các bài hát vui nhộn
Giai điệu âm nhạc và khả năng toán học của trẻ có liên quan mật thiết đến nhau. Đây là kết quả mà nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh được. Do đó, các hoạt động âm nhạc, đặc biệt là những bài hát vui nhộn gắn với nếp sinh hoạt của trẻ sẽ rất có ích để dạy con thông minh từ sớm. Chẳng hạn, bài hát dành cho giờ thay tã bỉm. Bài khác cho giờ đi tắm, đi ăn, v.v.
11. Thổi gió phù phù
Cách chơi rất đơn giản và vui nhộn. Cha mẹ hãy thử thổi gió nhè nhẹ trên khuôn mặt hay dọc theo người bé theo nhịp điệu nhanh chậm và kết hơp với các âm thanh vui tai. Trò chơi này sẽ giúp bé có được những phản ứng nhanh nhạy cũng như giây phút thư giãn, vui vẻ.
12. Cha mẹ là đồ chơi tốt nhất của bé
Chỉ cần cha mẹ nằm xuống và để bé tự do leo trèo, vuốt ve khuôn mặt. Vậy là con vừa được luyện tập kĩ năng thể chất lại vừa gắn kết thêm tình cảm giữa cha mẹ và bé.
13. Cho con cùng đi mua sắm
Nếu có điều kiện, thỉnh thoảng nếu có đi chợ hay mua sắm trong siêu thị, cha mẹ đừng quên đưa bé đi cùng. Việc trẻ được tiếp xúc với một không gian, các gương mặt mới sẽ mở ra cho con một thế giới với rất nhiều điều thú vị để học hỏi và quan sát.
14. Luôn để con được tham gia
Dù là hoạt động đơn giản thì cha mẹ cũng đừng quên để bé cùng làm. Chẳng hạn như tắt đèn, lấy đồ, v.v. Con sẽ học được nguyên nhân-hệ quả từ những việc đơn giản như vậy.
15. Trò chơi cua bò
Dùng tay của cha mẹ và mô phỏng như một chú cua đang bò lên người bé. Trò chơi này giúp bé hình thành phản xạ dự đoán sự việc sắp xảy ra đồng thời giúp bé có những giây phút sảng khoái, vui vẻ.
16. Đọc sách cùng bé
Đọc sách là hoạt động tuyệt vời để dạy con thông minh trong nhiều kĩ năng như ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ, trí tưởng tượng, … Bé càng được đọc sách sớm thì những kĩ năng này sẽ càng sớm vượt trội. Vậy nên cha mẹ đừng quên lựa chọn những cuốn sách phù hợp theo lứa tuổi của bé và cùng con đọc sách hàng ngày như một thói quen.
17. Cuộn giấy kỳ diệu
Chỉ với một cuộn giấy nhưng hãy để bé thỏa thích khám phá, lăn tròn, vò giấy hay gấp thành thứ bé thích. Trò chơi đơn giản này sẽ giúp phát triển xúc giác cũng như khả năng sáng tạo của con.
18. Chơi ú òa với bé
Một trong những hoạt động giúp bé sơ sinh hình thành khả năng phán đoán, biết dần làm quen với việc xa cách mẹ đồng thời lại giúp con vui vẻ và thư giãn.
19. Xúc giác của bé
Mỗi ngày cho bé được tiếp xúc vối một vật thể được làm từ chất liệu khác nhau. Chẳng hạn bóng vải, miếng gỗ, từ giấy, v.v. Con sẽ học được về cảm giác cứng, mềm, rắn, nhẹ, dẻo, v.v. Nhờ đó mà xúc giác và hệ thần kinh của con trở nên nhanh nhạy hơn.
20. Cho con giây phút tự do, được là chính mình
Cho bé 5-10 phút hàng ngày mà không phải học hay chơi theo như ý cha mẹ. Đơn giản là để bé được làm điều mình thích, khám phá thứ con muốn tìm hiểu. Đợi bé đã chán chê với giây phút 1 mình bé sẽ bò ra chơi với cha mẹ ngay thôi. Đây cũng là nền tảng đầu tiên để giúp bé hình thành tính tự lập.
21. Bữa ăn hạnh phúc cũng là cách dạy con thông minh
Giờ ăn vui vẻ, con được tự tập cầm nắm, xúc, được tự mình trải nghiệm với kích cỡ, mùi vị và màu sắc món ăn. Đây sẽ là một trong những cách để hệ thần kinh của con được phát triển tốt nhất.
22. Ngắm ảnh gia đình
Cho bé xem nhữn bức ảnh của chính con, của người thân, họ hàng, … Dạy con gọi tên mọi người, để con ghi nhớ các khuôn mặt. Dần dần, khả năng ghi nhớ não bộ của trẻ sẽ phát triển một cách vượt bậc.
23. Trò chơi lực hút của trái đất
Nếu thấy bé thích ném đồ, ngoài việc dạy con cách nhặt lại, mẹ có thể để con thử trong giây lát về nguyên nhân “ném đồ” và hệ quả “đồ sẽ rơi xuống”. Cũng là một cách để bé thử nghiệm về hiện tượng xảy ra xung quanh con.
24. Chiếc hộp ảo thuật
Chuẩn bị cho bé một chiếc hộp kỳ diệu bằng cách để vào đó các món đồ chơi yêu thích. Cha mẹ hãy cùng bé chơi trò tìm đồ vật.
25. Tạo ra những thử thách nho nhỏ cho bé
Dùng gối, hộp vải, v.v. để con tập xử lý nếu bò hoặc đi đến chỗ đó. Một cách để bé tập tư duy giải quyết vấn đề cũng như kích thích các giác quan của trẻ.
26. Đôi khi hãy thử bắt chước bé
Trẻ thường thích cha mẹ làm theo mình như ngáp theo bé, giả vờ tu bình sữa hay những âm thanh của bé. Nhờ hành động bắt chước mà con sẽ tăng khả năng quan sát cũng như háo hức trước phản ứng của mọi người. Từ đó tư duy sáng tạo của trẻ sẽ được hình thành.
27. Để bé chơi đùa với khuôn mặt của cha mẹ
Hãy để con được chạm vào mặt cha mẹ, sờ vào đôi mắt, mũi, miệng của cha mẹ. Lúc này đây, cha mẹ đừng quên làm điệu bộ hài hước và những âm thanh mô phỏng để bé càng thêm thích thú.
28. Nào chúng mình cùng bò
Nếu không ngại, đây sẽ là trò chơi mà các bé sơ sinh rất thích. Cha mẹ có thể bò cùng bé với tốc độ nhanh chậm, dẫn bé đến các góc nhà để con tập quan sát.
29. Trời mưa là lúc con học được nhiều điều hay
Nếu trời mưa, đây là cơ hội để cha mẹ dạy bé được nhiều điều. Cùng con lắng nghe tiếng mưa rồi, chạm đôi bàn tay bé xíu vào cửa sổ ẩm lạnh. Rủ con xem những hạt mưa đang đọng lại trên cành lá. Đây sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời cho hệ thần kinh xúc giác của bé.
30. Để bé hóa thân thành nhân vật trong truyện cổ tích
Không chỉ là đọc truyện bình thường, cha mẹ hãy thử thay tên những hoàng tử, công chúa vào trong câu chuyện yêu thích của con. Điều này sẽ mở ra cho trẻ một thế giới kỳ diệu của tưởng tượng và kỳ thú.