Vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh đúng cách theo các tư thế như: bế nằm sấp trên đòn cánh tay của bố hoặc mẹ, bé vác bé nằm song song dọc theo thân người mẹ, đầu dựa vào vai mẹ.
- Vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh có lợi ích như thế nào?
- Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh hiệu quả nhất
- Những điều mẹ cần lưu ý
Vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh có lợi ích như thế nào?
Nhiều mẹ khi thấy con nôn trớ hay quấy khóc sau khi ăn thì lại cho con đi khám vì tưởng rằng hệ tiêu hóa của trẻ có vấn đề. Tuy nhiên, không thuốc nào có thể giải quyết được điều này nếu mẹ không biết căn nguyên là do con bị đầy hơi.
Chính vì thế, vỗ ợ hơi là một việc làm không thể thiếu trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Nó giúp trẻ giải tỏa được đống khí đang tồn đọng trong dạ dày ra ngoài, hạn chế tình trạng đầy hơi, nôn trớ ở trẻ, giúp trẻ ăn ngon và ngủ ngoan hơn.
- Vỗ ợ hơi cho bé là kỹ thuật mẹ nên biết (Ảnh: istockphoto)
Nguyên nhân của việc tồn khí trong dạ dày trẻ vì lúc mới chào đời, dạ dày của trẻ còn nằm ngang,cơ thắt giữa dạ dày và thực quản của trẻ vẫn còn rất yếu, khi trẻ khóc miệng mở to khiến khí vào trong nhiều dẫn đến tình trạng đầy hơi, sữa dễ bị trào ngược ra ngoài. Bước vỗ ợ hơi sẽ giúp trẻ:
- Tống được các khí bị kẹt lại trong cơ thể con ra ngoài.
- Trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Nếu là bú bình, con sẽ tiếp tục ăn và bú được nhiều hơn.
- Phòng tránh cho con bị ọc sữa và nôn trớ sau bữa ăn cũng như trong giấc ngủ.
Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh hiệu quả nhất
PGS. TS. BS Huỳnh Thoại Loan – Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết: Sau khi trẻ đã bú no thì mẹ nên tiến hành dựng bé ngồi dậy và vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé. Hành động này sẽ giúp bé ợ hơi sau khi bú và cảm thấy thoải mái hơn. Kỹ thuật này tuy nghe đơn giản nhưng mang lại lợi ích vô cùng lớn. Khi ợ hết hơi trong bao tử, trẻ sẽ hạn chế tình trạng ọc sữa, đầy hơi và nôn trớ. Bên cạnh đó, thao tác vỗ lưng còn giúp bé đẩy các bọt khí bị kẹt trong dạ dày ra bên ngoài từ đó bé sẽ dễ chịu hơn, thể tích dạ dày lớn hơn và bú được nhiều sữa hơn.
Để giúp bé giải phóng được lượng khí bị dồn lại trong dạ dày, mẹ có thể thực hiện vỗ ợ hơi cho con bằng 2 tư thế sau:
1. Tư thế vỗ ợ hơi cho bé sơ sinh đúng cách là bế nằm sấp trên đòn cánh tay của bố hoặc mẹ (thích hợp với những bố mẹ có cánh tay chắc khỏe).
- Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh cho bố mẹ tham khảo
2. Bế vác là một trong những cách bế vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh. Để bé nằm song song dọc theo thân người mẹ, đầu dựa vào vai mẹ. Một tay đỡ đầu và cổ bé. Tay kia thực hiện vỗ ợ hơi.
Khi vỗ ợ hơi cho bé, mẹ cần khum tay vào và vỗ sao cho tạo ra tiếng nghe như “bồm bộp”. Khi khí được đẩy ra ngoài, mẹ có thể nghe thấy tiếng bé ợ hoặc thậm chí còn một chút cặn sữa trào ra. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Với các bé thường xuyên bị nôn trớ, mẹ có thể thay động tác vỗ bằng cách vuốt dọc theo sống lưng. Sau khi đã vỗ ơ hơi và thấy con dễ chịu, thoải mái rồi, mẹ có thể tiếp tục cho bé ăn.
Lưu ý: Với các bé bú bình, mẹ nên vỗ ợ hơi giữa bữa ăn và sau bữa ăn. Thời gian vỗ ợ hơi với trẻ sẽ lâu hơn so với bé bú sữa mẹ.
Mời các mẹ tham khảo thêm video hướng dẫn vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh
Nguồn: Truyền Hình Phúc Gia
Những điều mẹ cần lưu ý
Để chuẩn bị cho bước vỗ ợ hơi, mẹ nên chuẩn bị một khăn xô nhỏ ở ngay gần mình phòng trường hợp bé có thể ợ ra cả cặn sữa. Ngoài ra, mẹ cần đảm bảo tư thế bế bé để vỗ ợ hơi sao cho thuận tiện. Đầu và cổ con luôn được nâng đỡ để bé luôn được an toàn.
Dù cho con ăn vào ban ngày hay ban đêm thì mẹ cũng vẫn phải vỗ ợ hơi cho con. Đừng vì thấy đêm khuya, mệt mỏi hay nghĩ rằng con chỉ đầy bụng vào ban ngày mà để con bị đầy hơi sẽ khiến con quấy khóc.
Vỗ ợ hơi rất cần thiết cho trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu vì hệ tiêu hóa của bé hoạt động chưa hoàn thiện. Một số trẻ có thể phải vỗ ợ hơi cho đến khi 6-7 tháng tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ có thể lẫy được thì cũng là lúc hầu như con không cần vỗ ợ hơi nữa.
Theo theAsianparent Thái Lan
Nguồn tham khảo: Hướng dẫn vỗ lưng ợ hơi cho bé sau khi bú – Vinmec