Ngay khi bé còn rất nhỏ, bạn có thể cùng với bé chơi trò chơi việc nhà. Việc này không những giúp kéo bé ra khỏi màn hình Tivi, Ipad mà còn tạo cho bé thói quen ngăn nắp, gọn gàng, biết phụ giúp ba mẹ việc nhà ngay từ lúc nhỏ.
Bé có thể bắt đầu chơi trò chơi việc nhà cùng bạn khi lên 2 tuổi. Bạn đừng nghĩ bé còn quá nhỏ để làm quen với việc nhà. Không đâu, trong giai đoạn hình thành và phát triển tính cách này trò chơi việc nhà sẽ giúp bé hình thành tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và thói quen giúp đỡ người khác.
Một số trò chơi việc nhà quen thuộc
Dưới đây là những gợi ý trò chơi việc nhà, hãy tìm hiểu và chơi cùng bé nhé!
Nghe tên đoán vật
Khi bé bắt đầu tập nói, các mẹ hãy dạy bé cách gọi tên và phân biệt các đồ vật trong nhà. Ví dụ: Đây là cây chổi, kia là chiếc bàn, đó là chiếc khăn…Sau khi gọi tên được các đồ vật bạn hãy dạy bé công dụng của đồ vật ấy: Chổi để quét sân, khăn để lau bàn…
Khi bé đã ghi nhớ hết mọi thứ và tương đối thành thạo, bạn có thể chơi cùng bé rồi. Bạn có thể nói với bé: “Con có thể lấy giúp mẹ chiếc khăn không?”, bé sẽ nhanh nhẹn chạy đến nơi để khăn và mang đến cho bạn.
Dọn vệ sinh tập thể
Nếu muốn bé hứng thú với việc nhà thì bố mẹ phải là người chơi trò chơi việc nhà cùng bé và mang lại cảm hứng cho bé. Chẳng một đứa bé nào muốn dọn dẹp nhà khi bố của mình ngồi xem Tivi hay bấm điện thoại. Vì vậy, bố và mẹ hãy cùng bé dọn vệ sinh và tạo ra bầu không khí thật vui vẻ khi làm việc.
Từ đó, đối với bé, dọn vệ sinh không còn là một công việc mà là một trò chơi ở đó bố mẹ cùng bé chia sẻ công việc, gia đình vui vẻ bên nhau. Bố mẹ có thể cùng bé tổng dọn vệ sinh nhà vào dịp cuối tuần.
Cùng bé tìm hiểu thiên nhiên cũng là dạng trò chơi việc nhà
Bạn hãy giải thích cho bé cây cối có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống, tại sao lại phải chăm sóc cây cối. Dạy bé về sâu bọ và cách bắt sâu giúp cây phát triển. Cách này vừa giúp bé yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn giúp bé không sợ sâu bọ.
Bạn có thể cùng bé trồng một cây xanh rồi cùng bé chăm sóc. Bé sẽ thấy rất vui khi cây ra hoa hoặc kết quả. Chờ mong từng ngày để nếm quả ngọt do chính tay mình vung trồng, điều này góp phần dạy bé sau khi làm một việc sẽ thu được kết quả và quả ngọt hay không là tùy vào cố gắng của mình.
Tổ chức công việc mang tính cạnh tranh
Khi bạn có 2 bé trở lên, bạn có thể cùng các bé chơi trò “ai nhanh hơn?”. Tạo ra một tí cạnh tranh trong trò chơi việc nhà sẽ kích thích tính thi đua trong bé, bé sẽ cố gắng làm việc nhanh nhất có thể. Ví dụ: Bạn có thể cùng các bé chơi trò “ ai nhặt lá cây trong sân nhanh hơn?”, bảo đảm các bé sẽ tập trung sức mình mà hoàn thành công việc một cách nhanh nhất.
Sau khi hoàn thành công việc, bạn hãy dành cho các bé lời khen và hãy thưởng cho các bé. Phần thưởng không cần lớn nhưng làm một món quà khích lệ mà các bé đáng được nhận.
Bố mẹ cần xem bé như một người lớn khi làm việc
Trẻ em rất thích cả giác trở thành người lớn. Thế nên, khi làm việc, bạn hãy xem bé là một người lớn mà giao công việc. Cho bé làm những công việc giống mẹ như: quét nhà, lau nhà, rửa chén đĩa…để hạn chế vỡ chén đĩa bạn nên mua cho bé một bộ chén dĩa bằng nhựa và hướng dẫn bé lau rửa từng bước. Bé sẽ rất hào hứng cho mà xem.
Trò chơi việc nhà này cũng chính là một trong những bài tập để bé rèn luyện chân tay cũng như thói quen làm việc nhà.
Dạy cho bé yêu thiên nhiên ngay từ lúc nhỏ là một biết rất cần thiết
Những sai lầm cần tránh khi cùng bé chơi trò chơi việc nhà
Không thảo luận với con trước khi giao việc
Bố mẹ nên tránh tư tưởng con lớn lên là để sai vặt, liên tục gọi bé làm không ngừng những việc linh tinh như lấy cho mẹ cái chén, lấy cho mẹ cái khăn… mà không quan tâm đến cảm nhận của bé.
Việc giao cho con danh sách công việc cần hoàn thành với sự đồng ý của bé là cách hợp lý để giúp con làm quen với công việc nhà, đồng thời tập dần tính kế hoạch trong công việc và kỹ năng quản lý thời gian.
Bao bọc con quá mức, không cho làm việc gì cả
Trò chơi việc nhà là một nhân tố góp phần vào hành trình tự lập của bé trong tương lai. Bạn nên tránh tư tưởng bảo bọc quá mức, luôn lấy lý do rằng con còn nhỏ không cần phải làm gì cả. Hãy lựa chọn việc nhà phù hợp với khả năng của bé, đặc biệt với các bé nhỏ, nên chọn việc mang tính chất vừa làm vừa chơi bé sẽ thấy thú vị hơn.
Quan sát con làm việc
Hãy bên cạnh bé khi bé làm việc nhà. Sự quan sát của bố mẹ là lời khích lệ lớn nhất của các bé đồng thời bố mẹ cũng có thể khắc phục sớm mỗi khi bé làm sai.
Để việc nhà trở nên thú vị, bố mẹ nên luôn bên con khi chơi trò chơi việc nhà. Tương lai của bé đều phụ thuộc vào ngày hôm nay bạn đã cùng bé làm những gì. Hãy bên bé trong hành trình khám phá thế giới xung quanh để bé có một tuổi thơ thật sự ý nghĩa.
Xem thêm:
- Cách dạy trẻ 4 tuổi bướng bỉnh mà phụ huynh nên biết
- Dạy con nhận biết số – khó mà không khó với 5 bước sau
- Những dấu hiệu trẻ chậm nói ba mẹ không nên bỏ qua
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!