Trẻ sơ sinh tiểu ít: Nguyên nhân và cách xử lý cho mẹ

Trẻ sơ sinh tiểu ít là hiện tượng khiến không ít ba mẹ lo lắng. Bên cạnh nguyên nhân mất nước thì phụ huynh phải chú ý đến các dấu hiệu bất thường khác về sức khỏe của trẻ để có phương án xử lý kịp thời.

Hiện tượng trẻ đi tiểu ít xảy ra khi bé đi tiểu ít hơn 6 lần trong 1 ngày. Mắt bé có quầng thâm, thở gấp, ngủ mê mệt, chân tay lạnh là dấu hiệu nguy hiểm.

Nội dung bài viết:

  • Nguyên nhân trẻ sơ sinh tiểu ít
  • Dấu hiệu con bị mất nước
  • Khi nào tiểu ít là nguy hiểm?
  • Làm gì khi trẻ sơ sinh tiểu ít?
  • Vì sao con đi tiểu hay rặn?

Nguyên nhân trẻ sơ sinh tiểu ít

Trẻ đi tiểu bao nhiêu lần 1 ngày? Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ đi tiểu từ  6 – 8 lần mỗi ngày tùy theo lượng sữa bé bú được. Bạn hãy để ý sẽ thấy trung bình cứ 1 – 3 giờ là bé sẽ tiểu 1 lần. Do đó, nếu trong 1 ngày mà con đi dưới 6 lần thì có thể coi là trẻ đi tiểu ít.

Trẻ sơ sinh đi tiểu ít cũng có khả năng là do bé bị mất nước. Trong đó, thủ phạm gây mất nước thường gặp nhất ở trẻ là:

  • Con uống không đủ nước. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi là do bú sữa mẹ không đủ.
  • Biếng ăn, khả năng ăn uống giảm.
  • Thời tiết nóng bức, khô hanh làm các thiên thần nhỏ đi tiểu ít do điều tiết quá nhiều qua tuyến mồ hôi.

Bên cạnh nguyên nhân mất nước là nguyên nhân phổ biến nhất, 1 số nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh đi tiểu ít còn có:

  • Trẻ bị viêm nhiễm đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm niệu đạo, niệu quản hoặc viêm thận cấp. Triệu chứng thường gặp trong trường hợp này là trẻ đi tiểu són, mệt mỏi, nước tiểu có thể đục, có máu. Trường hợp viêm cầu thận cấp có thể bị phù nhẹ
  • Viêm nhiễm bộ phận sinh dục, hẹp bao quy đầu ở bé trai
  • Bé tiểu ít sau khi bị sốt, tiêu chảy, mất nhiều mồ hôi…
Trẻ đi tiểu bao nhiêu lần 1 ngày? Trẻ đi tiểu dưới 6 lần mỗi ngày có thể coi là đi tiểu ít.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị mất nước 

  • Hiện tượng trẻ đi tiểu ít ở mức độ nhẹ: Môi và da bị khô, nứt nẻ, phản xạ bú mút kém, ít ăn uống hơn, nước tiểu có mùi khai nồng.
  • Mức độ nặng: Ít đi tiểu trong 3 – 6 giờ, mắt xuất hiện quầng thâm, thở gấp, ngủ mê mệt, chân tay bị lạnh.

Khi nào đi tiểu ít là nguy hiểm?

Dựa vào nước tiểu của trẻ mà ba mẹ có thể nhận biết con yêu đang khỏe mạnh hoặc mắc bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu trẻ bị nhiễm bệnh thông qua việc đi tiểu của bé, chủ yếu là qua màu của nước tiểu.

Con yêu đi tiểu ít do bệnh lý là dấu hiệu nguy hiểm.

Nước tiểu có màu trắng trong

Thông thường, đây là màu nước tiểu cho thấy con đã được cung cấp nước đầy đủ. Tuy nhiên, đôi khi, màu nước tiểu này cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị cung cấp dư nước, sẽ gây áp lực lên thận của bé.

Thậm chí, nếu bị cấp nước dư, trẻ phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm hơn. Ví dụ như loãng và thiếu hụt natri, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến não bộ của bé.

Nước tiểu có màu vàng sẫm

Nước tiểu của các thiên thần nhỏ có màu vàng sẫm tức là cơ thể của con đã không được cấp đủ nước. Do đó, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ hãy cho bé bú nhiều hơn nữa.

Đối với các bé lớn hơn, bạn cấp nước cho con bằng cách tăng cường nước lọc và nước trái cây cho trẻ. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý là đừng để tình trạng màu nước tiểu của con có màu vàng sẫm kéo dài quá lâu.

Bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm túi mật, viêm gan hay sỏi thận. Bên cạnh đó, nếu bạn thấy đã cho con uống đủ nước mà nước tiểu của bé vẫn có màu như thế thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt nhé.

Làm gì khi trẻ sơ sinh đi tiểu ít?

Nếu con yêu đi tiểu ít hẳn so với ngày bình thường thì mẹ không nên kéo dài tình trạng này. Vì chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như quá trình phát triển của các thiên thần nhỏ.

  • Cho con bú nhiều hơn: Đây là cách đơn giản nhất để cấp nước cho con yêu.
  • Khi thời tiết quá nóng, không khí khô hanh, bạn hãy để cho bé nằm nghỉ và vui chơi ở những nơi thoáng mát, đồng thời mặc quần áo rộng rãi cho con.
  • Thay vì dùng máy lạnh (gây khô da), ba mẹ nên cho trẻ sơ sinh nằm quạt hoặc đón gió trời vào buổi sáng.
  • Nếu con bị sốt, bạn hãy nhanh chóng tìm cách hạ sốt cho trẻ. Đồng thời vẫn cho bé bú càng nhiều càng tốt.

Trẻ sơ sinh đi tiểu hay rặn là vì sao?

Một mẹ đặt câu hỏi trên trang web bệnh viện Từ Dũ như sau:

“Chào bác sĩ, con gái tôi được 5 tháng, bé nặng 7kg, cân nặng lúc sinh là 3.2kg. Bé đi tiểu hay rặn, nước tiểu trong, bé có bị gì không ạ?

BS CK2 Chung Thị Mộng Thúy (Khoa Sơ Sinh – Bệnh viện Từ Dũ) trả lời thắc mắc của mẹ:

“Con bạn 5 tháng cân nặng 7 kg, trẻ phát triển dinh dưỡng bình thường. Trẻ gái, nhất là những trẻ thường xuyên hay mặc tã giấy sẽ dễ bị hăm do sự ẩm ướt vùng âm hộ, mông. Gây ra chứng tiểu khó, gắt, ngứa ngáy. Ngoài ra 1 số trẻ bụ bẫm hoặc do mẹ vệ sinh không đúng cách có thể gây dính môi nhỏ cũng gây trẻ viêm nhiễm âm hộ, nhiễm trùng tiểu gây tiểu gắt, rặn… Để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh đi tiểu hay rặn, bạn cần vệ sinh tại chỗ cho trẻ đúng cách, giữ cho trẻ được khô thoáng. Nếu bạn đã thực hiện mà trẻ vẫn tiểu gắt thì nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khám để tìm chính xác nguyên nhân.”

Nói chung hiện tượng trẻ đi tiểu ít là tình trạng tương đối phổ biến. Ba mẹ nên thường xuyên chú ý theo dõi những biểu hiện của con yêu để tìm ra đúng nguyên nhân. Để từ đó, hai bạn sẽ sớm có biện pháp can thiệp phù hợp, tránh để tình trạng này kéo dài. Vì chúng có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các thiên thần nhỏ nhé.

Nguồn thông tin: Từ Dũ

Bài viết của

Anh Nguyen