Lưu ý cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ sinh non 7 tháng

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Trẻ sinh non 7 tháng – hẳn là khi nghĩ đến điều này các bậc cha mẹ không tránh khỏi một cảm xúc vừa mừng vừa lo. Mừng vì con đã mạnh mẽ chiến đấu và đến bên bố mẹ nhưng thiệt thòi của con so với các bạn là khi con chào đời ở tháng thứ 7 của thai kì đồng nghĩa với hành trình lớn lên của con sẽ nhiều gian nan, vất vả hơn. Để cùng con đi tiếp chặng đường này, cha mẹ cũng cần nằm lòng một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non 7 tháng nhé.

Thế nào là trẻ sinh non?

Theo số liệu thống kê, trung bình một năm có từ 100.000 đến 160.000 trẻ sinh non ở Việt Nam. Một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài khoảng 40 tuần, nhưng nếu em bé của bạn ra đời trước ngày dự sinh khi chưa đủ 37 tuần tuổi thì được tính là sinh non. Theo Tổ chức Y Tế Thế giới - WHO, trẻ sinh non được chia làm 4 nhóm:

  • Sinh cực non: Trẻ phải sinh ra trước 28 tuần tuổi.
  • Trẻ sinh rất non: Trẻ chào đời trong khoảng thời gian từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 32 của thai kỳ
  • Trẻ sinh non trung bình: trẻ sinh ra từ tuần thứ 32 đến tuần thai thứ 34
  • Sinh non muộn: trẻ sinh ra từ 34 tuần thai đến 36 tuần 6 ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ phải sinh non nhưng phần lớn trẻ sinh thiếu tháng đều có thể trạng rất yếu. Trẻ sinh ra càng ít tuần tuổi càng gặp phải nhiều vấn đề hơn về sức khỏe, thậm chí không hoặc ít có khả năng sinh tồn vì chưa có đủ thời gian để phát triển hoàn chỉnh trong bụng mẹ. Tỷ lệ trẻ đã tử vong khi sinh ra sớm hơn so với dự kiến chiếm con số không nhỏ. Kể cả nếu sống sót thì cũng phải chịu nhiều thiệt thòi về sức khỏe bao gồm cả thể chất và tinh thần.

Những nguy cơ về sức khỏe mà trẻ sinh non 7 tháng phải đối mặt

Trẻ sinh non 7 tháng tức là khi thai kỳ bước sang tuần thứ 28. Trẻ ra đời trong khoảng thời gian này thuộc nhóm trẻ sinh rất non. Thai 7 tháng là lúc mẹ bầu mới bước sang tam cá nguyệt thứ 3. Lúc này thai nhi đã đạt được trọng lượng từ 1 đến 1,2kg và phổi cũng đang dần hoàn thiện, đây cũng là thời điểm các mẹ dễ có nguy cơ sinh non nhiều nhất.

Vì phải chào đời sớm nên trẻ sinh non 7 tháng phải đối mặt với nguy cơ mắc những bệnh lý nguy hiểm do sức đề kháng kém và các cơ quan trong cơ thế chưa hoàn thiện. Phổ biến là: Suy hô hấp, hạ thân nhiệt, bất ổn định đường máu, mất cân bằng dịch/điện giải cơ thể, vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, xuất huyết não – màng não, suy giảm thính lực, bệnh võng mạc mắt …

Từ những biến chứng ngắn hạn kể trên, nếu thể trạng trẻ sinh non không được cải thiện con còn phải chịu đựng những bệnh lý nặng nề khác như bại não, khuyết tật trí tuệ, bong võng mạc, giảm tầm nhìn thậm chí là mù mắt, có nguy cơ cao bị mất thính lực, rối loạn tăng động giảm chú ý cũng như một số căn bệnh mãn tính khác về tim, thận, phổi, hô hấp...

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sinh non 7 tháng

Trường hợp xấu nhất đối với trẻ sinh non 7 tháng là nguy cơ tử vong cao sau khi sinh. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ lúc này thực sự không hề dễ dàng. Cha mẹ cũng thường cảm thấy bối rối khi hoàn toàn không có kinh nghiệm nuôi con sinh non theo một chế độ đặc biệt và nghiêm ngặt, nhất là đối với những trường hợp là con đầu lòng. Tuy nhiên, với sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại, nhiều trẻ sinh thiếu tháng đã được nuôi dưỡng tốt và phát triển bình thường, khỏe mạnh mà không gặp phải bất kì biến chứng lâu dài nào. Chính vì vậy, các gia đình hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt và chăm sóc con một cách bình tĩnh, khoa học theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Chăm sóc hỗ trợ tại bệnh viện

Tất cả trẻ sinh non 7 tháng cần phải được chăm sóc trong bệnh viện nơi có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ cùng đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp. Điều này giúp trẻ có thể sống sót an toàn và tăng cơ hội phát triển khỏe mạnh, bình thường.

Một lưu ý rất quan trọng và cần thiết trong chăm sóc trẻ sinh non đó là sau khi ra khỏi bụng mẹ, trẻ sẽ được chuyển ngay đến nằm lồng ấp để được chăm sóc với chế độ đặc biệt và theo dõi gắt gao nhằm hoàn thiện các cơ quan chức năng còn khiếm khuyết trên cơ thể.

Khi sức khỏe tốt hơn, con sẽ được về với mẹ để thực hiện liệu pháp Kangaroo – da chạm da.

Vì trẻ sinh non 7 tháng chưa thể tự thở, tự ăn được nên con cần đến máy hỗ trợ thở và được theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở 24/24 để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có.

Bé sẽ được ăn sữa mẹ ngay trong vài giờ đầu sau sinh nếu thể trạng toàn thân cho phép. Sữa được cung cấp qua đường ống dẫn vào dạ dày hoặc tiêm qua đường tĩnh mạch. Lượng sữa được chỉ định tùy theo cân nặng của từng bé. Khi bé đủ lực để tự bú thì mẹ sẽ cho bé bú trực tiếp với cữ ăn dầy hơn.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Các bé sinh non thường bị vàng da nặng hơn so với trẻ sơ sinh bình thường nên cũng cần điều trị vàng da bằng phương pháp chiếu sáng từ đèn bilirubin trong một khoảng thời gian nhất định vì lúc này gan của bé chưa thể xử lý được hoàn toàn.

Lưu ý dành cho mẹ và gia đình

Khác với trẻ sơ sinh bình thường được ở bên cạnh mẹ sau khi ra đời, việc chăm sóc trẻ sinh non 7 tháng trong giai đoạn đầu thường được tiến hành bởi các y tá, bác sĩ trong phòng nuôi dưỡng đặc biệt. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, mẹ hãy vắt sữa đều đặn theo cữ 3 giờ/ lần để gửi vào cho con. Dù có những bé không ăn được hết nhưng mẹ vẫn nên duy trì để đảm bảo nguồn sữa cho đến khi bé có thể bú mẹ trực tiếp được, tránh tình trạng mất sữa hoặc viêm tắc sữa, khiến bé thiệt thòi về sau.

Trong quá trình chăm sóc trẻ sinh non 7 tháng luôn luôn phải tuân thủ quy tắc vô trùng đối với tất cả các vật dụng dành cho trẻ. Ở giai đoạn này ngoài thời gian cho trẻ ăn, bác sĩ cũng khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với người thân. Các gia đình cũng cần nhớ rằng, biến chứng khi sinh non có thể phát sinh bất cứ lúc nào nên hãy luôn chuẩn bị tâm lý vì trẻ có thể cần được phẫu thuật trong các trường hợp khẩn cấp hoặc chủ động can thiệp để phòng ngừa các rủi ro.

Khi nào trẻ sinh non 7 tháng được chăm sóc tại nhà?

Thông thường trẻ sinh non 7 tháng sẽ cần nằm viện trong khoảng từ 2 tuần tới 2 tháng. Sau khoảng thời gian này, trẻ sẽ được ra viện và chăm sóc tại nhà khi:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Trẻ tự thở mà không cần máy.
  • Thân nhiệt ổn định.
  • Không bị nhiễm trùng.
  • Trẻ có thể tự ăn.
  • Lên cân đều.

Khi đón trẻ về với gia đình, lúc này vai trò của bố mẹ là rất quan trọng. Mặc dù bé đã qua thời gian nguy hiểm nhưng vẫn rất cần một chế độ chăm sóc đặc biệt.

Chăm sóc tại nhà

  • Khi bé không còn ở lồng ấp thì vẫn cần giữ nhiệt độ phòng ổn định. Từ 23 đến 30 độ C là nhiệt độ lý tưởng nhất. Cũng cần tuyệt đối giữ ấm cho trẻ nhất là các bộ phận chân, tay, lưng, bụng và thường xuyên áp dụng phương pháp da tiếp da với bố mẹ.
  • Hàng ngày, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho con bằng nước ấm nhưng chỉ tắm khi trẻ đã sẵn sàng hoặc chỉ lau người bằng khăn mềm. Vì da trẻ sinh non rất dễ bị khô nên nếu cho trẻ tắm nắng thì chỉ thực hiện từ 1 đến 2 lần.
  • Chế độ dinh dưỡng cũng cần được đặc biệt lưu ý. Ở mỗi cữ ăn, trẻ sinh non sẽ ăn số lượng sữa ít hơn nhưng cần đảm bảo đủ lượng sữa nên số cữ bú trong ngày cũng cần được tăng lên.
  • Trẻ sinh non cũng thường ngủ nhiều hơn so với trẻ sơ sinh bình thường nhưng mỗi giấc ngủ lại ngắn hơn và khi thức dậy con thường không tỉnh táo hẳn. Gia đình nên đảm bảo sự yên tĩnh để bé ngủ sâu hơn nhưng không quá lâu để bé có thể thức dậy và bú sữa đều đặn theo cữ.
  • Sau khi ra viện, trẻ sinh thiếu tháng vẫn cần được khám định kì 1 lần/tuần để được các bác sĩ đánh giá về cân nặng và một số phản xạ nghe nhìn, khả năng hô hấp, răng miệng cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Trẻ cũng cần được tiêm chủng khi đảm bảo về cân nặng và độ tuổi.

Lời kết

Cách chăm sóc trẻ sinh non 7 tháng cũng có sự khác nhau ở từng đứa trẻ vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý tháng tuổi đúng nhất của bé, không phải từ lúc con chào đời mà là ở thời điểm bé được sinh ra theo dự kiến. Điều này giúp cho việc theo dõi và đánh giá đúng hơn quá trình phát triển của trẻ. Ngoài chăm sóc về thể chất, cha mẹ cũng nên quan tâm đến sự phát triển về tâm lý, tinh thần bằng cách tích cực giao tiếp với trẻ, có sự tiếp xúc thân mật, gần gũi để bé được nuôi dưỡng bằng điều kiện tốt nhất và tình yêu thương của gia đình và người thân.

Xem thêm

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác

 

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

ZinVi