Trẻ mút tay là hiện tượng rất phổ biến đối với cả các em bé sơ sinh và em bé từ 3-5 tuổi. Tuy nhiên hành động này mang lại rất nhiều tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe bé. Cùng theAsianparent tìm hiểu về những ảnh hưởng của việc mút tay cũng như cách giúp bé “cai” mút tay càng sớm càng tốt ngay sau đây mẹ nhé!
Tìm hiểu về hiện tượng trẻ mút tay
Hành động mút tay xảy ra bắt đầu từ khi trẻ còn trong bụng mẹ cho đến lúc chào đời. Thông thường, hiện tượng này sẽ giảm dần sau 6 tháng và trẻ sẽ tự bỏ tật này hoàn toàn khi được 1-2 tuổi. Tuy nhiên cũng có khoảng 15% trẻ tiếp tục mút tay cho đến khi được 4-5 tuổi.
Theo nghiên cứu, mút tay là hành động kích thích não trẻ sản xuất ra chất Endophin, một chất làm giảm đau nội sinh, giúp cơ thể trẻ cảm thấy thư giãn, an toàn, ngủ ngon hơn hoặc cảm thấy thích thú như đang được ăn những món ăn yêu thích.
Vì sao trẻ thích mút tay?
Đối với trẻ sơ sinh
Khi con đói mà mẹ chưa cho bé bú kịp thời, trẻ hay mút tay như một phản xạ để thay thế cho việc bú mẹ. Nếu mẹ để tình trạng này diễn ra thường xuyên, bé sẽ dần hình thành thói quen mút tay cho đến lớn.
Đối với trẻ lớn
Nếu ba mẹ không dành nhiều thời gian để trò chuyện, chơi cùng con, bé sẽ rất cô đơn và hình thành thói quen mút tay. Ngoài ra, trẻ lớn cũng thường mút tay khi đang ở trong trạng thái căng thẳng hay áp lực. Hành động này được cho là có thể mang lại cho bé cảm giác thoải mái, yên lòng.
Chính vì thế, nếu bé sống trong gia đình có cha mẹ thường xuyên cãi vã hoặc cha mẹ thường hay quát mắng con, trẻ sẽ có xu hướng mút tay nhiều hơn. Lúc này, trẻ sẽ ngậm mút các ngón tay như là một phản xạ tự nhiên để chúng tự làm bản thân dễ chịu hơn.
Trẻ hay mút tay có gây hại gì cho bé không?
Dễ bị bệnh nhiễm trùng
Mút tay khi bàn tay chưa được vệ sinh sạch sẽ sẽ khiến vi khuẩn từ bàn tay đi vào miệng trẻ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như tay chân miệng, thủy đậu, cúm,…
Gây hại cho ngón tay
Ngón tay bị ngâm trong nước bọt thường xuyên khiến vùng da dễ bị lột ra, sưng lên, lở loét và mưng mủ. Ngoài ra, mút tay trong thời gian dài còn gây biến dạng xương ngón tay, khiến ngón tay trẻ có hình dạng bất thường.
Ảnh hưởng đến răng miệng
Trẻ mút tay kéo dài có thể khiến sự phát triển của vòm miệng và sự sắp xếp của răng bị ảnh hưởng. Bé có thể bị lệch khớp cắn, rối loạn phát âm, bị hô hoặc móm,… nhất là khi bé thường xuyên mút tay trong giai đoạn thay răng vĩnh viễn.
Ảnh hưởng đến tâm lý
Trẻ lớn lên không bỏ được tật mút tay dễ bị bạn bè trêu ghẹo khiến bé xấu hổ, mặc cảm, thiếu tự tin khi đến trường. Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hiện tượng trẻ mút tay kéo dài sẽ hình thành cảm xúc tiêu cực, trẻ có xu hướng bướng bỉnh hơn các trẻ khác.
Gây hại cho dạ dày
Vi khuẩn và các mầm bệnh từ ngón tay có thể đi vào tới tận dạ dày, ảnh hưởng tới sức khỏe và gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa của bé. Ngoài ra, trẻ mút ngón tay quá sâu cũng dễ bị nôn trớ, nhất là sau khi bú hoặc sau khi ăn.
Cách giúp bé “cai” tật mút tay cực hiệu quả
Cho con bú thường xuyên
Nếu bé còn bú mẹ, để làm giảm cảm giác thèm mút của trẻ, mẹ nên tránh để con đói mà hãy thường xuyên cho con bú để hạn chế tình trạng mút tay khi đói của con nhé.
Đánh lạc hướng trẻ
Khi thấy bé ngậm mút tay, ba mẹ có thể đánh lạc hướng con, lôi cuốn sự tập trung của con bằng hành động hoặc trò chơi nào đó mà con phải sử dụng cả 2 tay. Từ đó bé sẽ quên và không mút tay nữa.
Đeo găng tay cho bé
Thời gian đầu đeo găng tay cho bé, có thể bé sẽ la hét khó chịu, nhưng chỉ một thời gian sau thôi, bé sẽ quên ngay thói quen mút tay. Đối với bé lớn, ba mẹ có thể dán băng cá nhân quanh ngón tay cho con nhớ mà không mút vào nữa.
Sử dụng ti giả
Bé đang mọc răng, ngứa lợi thường sẽ mút tay nhiều hơn bình thường nên mẹ có thể sử dụng ti giả để giúp con “cai” tật mút tay.
Dành thời gian cho con
Gia đình nên dành thời gian trò chuyện với con để con bớt đi cảm giác cô đơn, lo sợ. Đối với bé sơ sinh, mẹ có thể nằm mở nhạc nhẹ rồi massage để con chìm vào giấc ngủ từ từ. Đây là cách giúp con thư giãn và cảm thấy an toàn, từ đó ngăn ngừa được tình trạng mút tay khi ngủ của bé.
Chia sẻ với những lo lắng của con
Để tránh khiến con bị thói quen mút tay khi bất an, ba mẹ hãy luôn gần gũi, chia sẻ cùng con những điều khiến con lo lắng. Những khi con bị ốm, bị sốt,… ba mẹ nên dành nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc con, giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Động viên con
Hãy nói cho bé biết về những tác hại của việc mút tay, từ đó nhắc con chú ý không được mút tay nữa. Ba mẹ cũng có thể dán giấy ghi nhớ ở các khu vực dễ nhớ trong nhà là “không mút tay” để con được nhắc nhở thường xuyên. Nếu tình hình có cải thiện, ba mẹ hãy động viên, khen thưởng con để bé có động lực bỏ mút tay dần dần.
Tham khảo ý kiến của bác sĩ
Nếu đã quá 4 tuổi mà bé vẫn không “cai” được tật ngậm mút ngón tay này thì mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để tư vấn và khám sức khỏe tâm lý.
Vừa rồi là gợi ý cho ba mẹ về các cách giúp bé sớm bỏ được tật ngậm ngón tay. Trong giai đoạn này, ba mẹ đừng quên thường xuyên vệ sinh bàn tay sạch sẽ cho con bằng xà phòng, cắt móng tay,… để tránh lây bệnh nhé.
Xem thêm:
- Ba mẹ đau đầu về việc làm cách nào để chấm dứt tật mút tay ở trẻ
- Mút ngón tay, cắn ngón tay ở trẻ có khả năng chống dị ứng cao hơn
- Trẻ sơ sinh mút tay thường xuyên – Nguyên nhân là gì?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!