Trẻ 1 tuổi đã tẩy giun được chưa là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn.
Trẻ nhỏ và những nguy cơ nhiễm giun
Ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi để trẻ có thể nhiễm cả giun móc, do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Trẻ em rất dễ bị nhiễm giun. Ước tính, hơn 40% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun mà chủ yếu là giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất.
Tất cả những điều này đã tạo một cơ hội vô cùng thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Về yếu tố nguy cơ, đó có thể là do việc bé đi nhà trẻ. Trẻ ở tuổi mầm non thường rất dễ mắc giun kim.
Một trẻ bị mắc giun kim khi bò hoặc ngồi chơi dưới đất, trứng giun kim sẽ rơi ra đất rồi theo tay hoặc đồ chơi vào miệng. Như vậy, trẻ dễ làm lây sang nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm trứng giun của chính mình.
Dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun
Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn có thể căn cứ vào các dấu hiệu tình nghi của trẻ để chắc chắn việc có nên giun giun cho trẻ hay không:
- Trẻ ăn uống kém, hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân, hay đau bụng vặt.
- Trẻ có nhiều giun đũa thì thường đau khi đói.
- Trẻ có thể nôn trớ, biểu hiện lợm giọng buồn nôn lúc buổi sáng ngủ dậy.
- Một số trẻ có thể bị đi tướt.
- Khi có quá nhiều giun, có thể thấy nôn hoặc đi ngoài ra giun.
Tác hại của giun đối với sức khỏe bé
Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ.
Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Mặt khác, lại còn phải chia bớt phần thức ăn cho những vị khách không mời này nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác.
Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.
Những trường hợp nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài. Vì thế trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển, thiếu máu…
Trẻ 1 tuổi đã tẩy giun được chưa?
Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun. Tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp.
Sau đây là một số loại thuốc giun thường dùng để tẩy giun cho trẻ:
Albendazol:
Thuốc có tác dụng ức chế sự thu nhận glucose ở ấu trùng và giun trường thành, làm giảm dự trữ glycogen, giảm năng lưỡng nên giun bất động rồi chết. Thuốc có tác dụng trên nhiều loại giun: đũa, móc, tóc, lươn, kim.
Liều dùng một lần duy nhất cho trẻ từ 2 tuổi dùng 400mg.( 1V)Còn với giun móc thì uống albendazol viên 400mg mỗi ngày 1 viên và uống trong 3 ngày liên tiếp.
Mebendazol:
Nó cũng làm cho giun bị cạn kiệt glycogen dự trữ, ngoài ra còn ức chế sự sinh sản của giun. Chỉ dùng thuốc này cho trẻ trên 2 tuổi. Để tẩy giun kim, cho trẻ uống 100mg, sau 2 đến 4 tuần nhắc lại một lần nữa; còn để tẩy một hay nhiều loại giun: móc, tóc, kim: dùng liều duy nhất 400mg.
Pyratel:
Có biệt dược là hemilltox hàm lượng 125mg và 250mg: tác dụng bằng cách phong bế thần kinh – cơ của giun, khiến chúng bị tê liệt và nhu động ruột sẽ đẩy giun ra ngoài. Pyrantel tác động lên cả dạng chưa trưởng thành nhưng không có tác dụnng trên dạng ấu trùng.
Thuốc này có thể dùng để tẩy giun kim, giun đũa, giun móc cho trẻ từ 1 tuổi trở lên với liều 10mg/kg cân nặng. Nếu trẻ nhiễm giun kim nhiều có thể nhắc lại sau 1 tuần cũng với liều lượng như trên
Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của bé để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói.
Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất . Hiện nay, ở trường mầm non, các bé cũng được cho uống thuốc một lần trong năm, thường vào đầu năm học, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại sau 6 tháng.
Những lưu ý đề phòng nhiễm giun cho trẻ
Bên cạnh vấn đề trẻ 1 tuổi đã tẩy giun được chưa, để tránh tình trạng nhiễm giun cho bé các bà mẹ nên phòng ngừa nhiễm giun là tốt nhất:
- Tập cho bé thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn.
- Vệ sinh ăn uống: nên cho bé uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.
- Vệ sinh thân thể: thường xuyên cắt móng tay cho bé, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi, không để bé ở truồng hay mặc quần thủng đít.
- Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước. Không để bé bò lê la, nghịch đất cát.
- Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần . Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.
Để tránh trẻ bị nhiễm giun, phụ huynh chú ý môi trường sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với đất cát, không để trẻ mút hay ngậm tay. Lưu ý rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đồ chơi dành cho trẻ nếu rửa được cũng nên vệ sinh thường xuyên.
Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên cho con ăn quá nhiều, không ăn các thực phẩm lưu trữ từ bữa trước.
Xem thêm:
- Cách dạy bé chịu đeo khẩu trang phòng dịch corona
- Mẹ mới mang thai cần chú ý gì trong màu dịch corona?
- Mùa dịch corona, mẹ cần chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào để phòng tránh lây nhiễm
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!