Thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm, cách nào giúp tăng tỉ lệ thụ thai thành công? Những ưu nhược điểm dưới đây sẽ giúp các cặp vợ chồng có được lựa chọn phù hợp với mình.
Thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm
Rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đều có chung băn khoăn này. Nên làm thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm. Hai phương pháp này có phải là một, thưa bác sĩ? Chi phí bao nhiêu, làm một lần có thành công không?
Bác sĩ Phạm Văn Hưởng, trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết:
“Hiện nay, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Trong đó, thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF) là hai phương pháp phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn giữa IVF và IUI. Thực tế, hai kỹ thuật này hoàn toàn khác nhau và chi phí cũng có sự chênh lệch“.
Thụ tinh nhân tạo là gì?
Thụ tinh nhân tạo viết tắt của intrauterine insemination (IUI) là thụ tinh bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung – được tiến hành bằng cách chọn lọc tinh trùng khỏe nhất của người chồng, sau đó bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng.
Kết quả là cho tinh trùng bơi vào ống dẫn trứng và thụ tinh với trứng của người vợ, từ đó dẫn đến thụ thai như bình thường. Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến vô sinh, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo có thể được phối hợp với chu kỳ kinh nguyệt của người vợ hoặc sử dụng kết hợp với các loại thuốc hỗ trợ sinh sản.
Những trường hợp chỉ định IUI
– Nam giới hiếm muộn: thiếu tinh binh, xuất tinh ngược dòng, tinh trùng giảm di chuyển…
– Vô sinh liên quan đến lạc mạc nội tử cung
– Phụ nữ bị vô sinh do các vấn đề về rụng trứng, bao gồm cả việc không rụng trứng hoặc giảm số lượng trứng
– Phụ nữ dị ứng với tinh dịch (rất hiếm gặp)…
– Vô sinh chưa rõ nguyên nhân.
Thụ tinh ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm là biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể.
Phôi thai được tạo thành sau khi trứng và tinh trùng kết hợp thành công sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi sau đó làm tổ, phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên.
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF thường được chỉ định với những người:
- Tắc hai vòi trứng
- Lạc nội mạc tử cung
- Xin trứng
- Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.
- Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.
- Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).
Thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm thì tốt hơn?
Với câu hỏi này, bác sĩ Hưởng cho biết thêm:
“Tuỳ trường hợp mà bệnh nhân được chỉ định hướng điều trị thích hợp. Phương pháp IUI đơn giản hơn, thời gian thực hiện nhanh hơn, đồng thời mức chi phí cũng thấp hơn so với phương pháp IVF.
Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, các bác sĩ thường tư vấn và chỉ định cho bệnh nhân những phương pháp điều trị từ đơn giản đến phức tạp, từ chi phí thấp tới chi phí cao phù hợp với nguyên nhân vô sinh, tình trạng sức khỏe cụ thể của các cặp vợ chồng.
Theo đó, phương pháp IUI thường được ưu tiên áp dụng đầu tiên, nếu sau 2-3 lần không thành công thì có thể làm IVF”.
Chi phí của hai phương pháp này khác nhau như thế nào?
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chi phí cho một lần thực hiện IUI là 7-8 triệu đồng, một lần thực hiện IVF 70-100 triệu đồng. Tỷ lệ có thai trong IUI là khoảng 30%. Riêng với IVF, tỷ lệ thành công đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi.
Do đó các cặp vợ chồng hiếm muộn nên đi khám sớm để được tư vấn về cách lựa chọn phương pháp sinh con sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe và chi phí của vợ chồng.
Theo Vnexpress.net
Xem thêm:
- Chi phí thụ tinh ống nghiệm 2020 dành cho cha mẹ có ý định đặt phôi trong năm nay
- Thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công có cao không?
- Tỷ lệ thụ thai thành công của các phương pháp thụ tinh nhân tạo
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!