Thói quen xấu trước khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn đến cả sức khỏe em bé sau này. Ngoài uống đồ uống có cồn, sử dụng chất kích thích và thuốc lá, nhiều thói quen khác như ăn đồ ăn nhanh hay tập luyện thể thao quá sức cũng có thể tác động đến khả năng thụ thai và gây hại cho em bé.
Dưới đây là những thói quen xấu được chuyên gia khuyến cáo từ bỏ trước khi mang thai
Hút thuốc rất nguy hiểm cho thai kỳ
Thuốc lá có thể là nguyên nhân khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. Khi có thai, việc tiếp xúc với nicotine, carbon monoxide và nhựa thuốc lá có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển và phổi của em bé. Hút thuốc cũng làm gia tăng khả năng sinh non và các biến chứng sơ sinh.
Lời khuyên dành cho người muốn cai thuốc lá là tìm đến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để có thêm thông tin về các chương trình cai thuốc lá tại địa phương và công cụ hỗ trợ cai thuốc (đừng quên kiểm tra với bác sĩ để xác nhận công cụ đó đảm bảo an toàn trong giai đoạn cố gắng thụ thai).
Người đang cai thuốc hãy tránh xa bất kỳ tác nhân nào có thể cám dỗ, giữ cho bản thân bận rộn và tìm người trò chuyện mỗi khi cảm thấy thèm thuốc.
Sử dụng đồ uống có cồn cũng cần tránh
Việc uống dù chỉ một chút đồ uống có cồn cũng có thể có tác động tiêu cực đến thai nhi. Mặc dù một số nghiên cứu cho rằng việc uống bia hoặc rượu vang không thường xuyên trong thai kỳ có thể an toàn, các bác sĩ vẫn kêu gọi phụ nữ mang thai nên kiêng rượu hoàn toàn.
Nếu đang cố gắng có con, phụ nữ cần cẩn thận khi uống rượu vì dấu hiệu có em bé sẽ không rõ ràng cho đến khi thai nhi đã được vài tuần tuổi. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy phụ nữ uống từ một đến năm loại đồ uống có cồn khi cố gắng thụ thai lần đầu tiên có khả năng thụ thai trong vòng sáu tháng thấp hơn 39% so với những phụ nữ không uống.
Sử dụng đồ uống có cồn khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và thậm chí có thể làm thai nhi chết từ trong bụng mẹ. Rượu có thể gây hại cho não và hệ thần kinh của thai nhi.
Đôi khi dẫn đến hội chứng rối loạn thai nhi, làm cho em bé có đầu nhỏ bất thường, chậm phát triển tâm thần và dị tật tim bẩm sinh.
Chuyên gia dinh dưỡng Maria Pari-Keener – người sáng lập tổ chức Các vấn đề sức khỏe bà mẹ, khuyên phụ nữ muốn có con hãy chuyển qua thưởng thức đồ uống không có cồn trong giai đoạn nhạy cảm.
Trong trường hợp người mẹ tương lai là người nghiện rượu nặng và cần trợ giúp để cai rượu, hãy liên hệ cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Thích uống cafe là thói quen xấu trước khi mang thai cần tránh
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng caffeine góp phần gây ra các vấn đề về sinh sản và tăng nguy cơ sảy thai. Theo chuyên gia về sản khoa Daniel Roshan, việc uống nhiều hơn hai tách cà phê mỗi ngày có thể dẫn đến thai nhi kém phát triển và chuyển dạ sớm.
Cũng cần lưu ý rằng cà phê không phải là thủ phạm duy nhất mà còn có các nguồn caffeine khác như trà, sô cô la, nước ngọt và một số loại thuốc.
Các chuyên gia cho biết một người có thể tiêu thụ 200mg caffeine mỗi ngày khi mang thai mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số loại đồ uống thay thế không chứa caffein như trà thảo mộc cũng được khuyên dùng để không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Tiêu thụ đồ ăn nghèo dinh dưỡng
Chế độ ăn uống cân bằng với đa dạng chất dinh dưỡng là tiền đề cho một em bé khỏe mạnh. Một nghiên cứu tại Đại học Thú y Hoàng gia London cho thấy những con chuột được cho ăn chế độ ăn nghèo dinh dưỡng dễ sinh con thừa cân.
Một nghiên cứu khác của Đại học Adelaide cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo và đường có thể ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của thai nhi. Những em bé có mẹ ăn nhiều thực phẩm nhiều chất béo và đường có xu hướng thích ăn đồ ăn tương tự khi lớn lên.
Tiêu thụ nhiều đường trong thai kỳ góp phần làm cho em bé bị sâu răng và nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng con của những bà mẹ có lượng glucose cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường về sau.
Chỉ cần nỗ lực một chút chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi lối sống của mình và dành nhiều thời gian hơn để nấu ăn và thưởng thức các món ăn tự làm. Lời khuyên ở đây là chuyển qua ăn trái cây thay vì đồ ngọt trong chế độ ăn hàng ngày.
Trong trường hợp bất khả kháng phải ăn đồ ăn sẵn, hãy lựa chọn các nhãn hiệu ít sử dụng màu thực phẩm, hương liệu và chất điều vị.
Căng thẳng cũng gây nguy hiểm
Trạng thái căng thẳng cường độ cao xảy ra do những sự kiện như mất mát người thân hoặc bạn bè có thể cản trở việc mang thai. Căng thẳng cũng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị vô sinh.
Mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu nào kết luận được căng thẳng làm giảm cơ hội có con thành công nhưng có một thực tế đã được kiểm chứng là tình trạng này làm tăng tỉ lệ từ bỏ điều trị.
Hầu hết bệnh nhân tham gia điều trị đều gặp phải vấn đề này, và những người không có cải thiện có xu hướng bỏ cuộc sớm hơn những người còn lại.
Để giảm bớt căng thẳng, chuyên gia khuyến cáo mọi người tìm đến những liệu pháp thư giãn thích hợp như tập thể dục, yoga, trò chuyện với người thân hoặc chuyên gia tâm lý.
Thiếu ngủ là điều cần quan tâm
Nghiên cứu từ Đại học Washington cho thấy phụ nữ mang thai ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày trong giai đoạn đầu của thai kỳ có nguy cơ gia tăng cao huyết áp, thai phụ ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có tỉ lệ mắc tiền sản giật cao hơn.
Thói quen xấu trước khi mang thai này hoàn toàn có thể được cải thiện. Hãy đặt mục tiêu ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm bắt đầu bằng việc xem xét lại thói quen ngủ của bản thân. Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định mỗi ngày kể cả cuối tuần.
Loại bỏ những tác nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ như đồ uống có cồn và caffein (đây cũng là chất cấm kỵ trong khi mang thai), nên tắm nước ấm nhẹ nhàng trước khi ngủ. Phòng ngủ cũng rất quan trọng: hãy kiểm tra độ tối, nhiệt độ phòng, tắt các thiết bị điện tử như TV, điện thoại thông minh trước khi ngủ; không để trẻ em, động vật trong phòng hoặc đầu tư một bộ đệm mới.
Lối sống lười biếng hoặc tập thể dục quá mức
Tập thể dục trong khi mang thai là việc các mẹ bầu nên làm để tránh lên cân quá độ và giữ cơ thể khỏe khoắn; thể dục cũng giúp ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ và tăng sức chịu đựng khi chuyển dạ và sinh con.
Điều cần lưu ý ở đây là thể trạng của người mẹ trong những tháng đầu mang thai có ý nghĩa quyết định đến tình trạng sức khỏe trong cả thai kỳ. Vì vậy những người có ý định sinh con nên lập kế hoạch tập thể dục trước khi cố gắng có em bé.
Người có ý định sinh con cũng không nên tập luyện quá mức vì khả năng thụ thai khi đó có thể bị ảnh hưởng.
Cách đơn giản nhất để loại bỏ thói quen xấu trước khi mang thai này là hãy ra khỏi giường và bắt đầu đi bộ. Tìm cho mình một người đồng hành cùng tập luyện, như bạn bè hay một chú chó chẳng hạn.
Ngoài ra một lựa chọn hữu ích là thuê huấn luyện viên cá nhân để lập cho bản thân một kế hoạch tập luyện trước và trong khi mang bầu. Hình thức tập luyện thích hợp là bơi lội, đi bộ, chạy bộ, yoga (tránh trượt tuyết hoặc đấm bốc) và hãy luôn chuẩn bị để điều chỉnh lịch tập luyện một khi đã mang bầu.
Các loại chất cấm
Chất cấm như cần sa, cocain và thuốc lắc có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi do chúng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của em bé và nhau thai khi truyền qua đường nhau thai của người mẹ.
Nếu có mẹ thường xuyên sử dụng cocain, heroin hay ma túy đá, em bé khi sinh ra có thể có triệu chứng nghiện. Việc dùng chất cấm trong thai kỳ cũng làm gia tăng nguy cơ sảy thai và sinh non.
Theo bác sỹ Ritvo, việc cần làm đầu tiên là phải thừa nhận vấn đề của bản thân, sau đó tìm hiểu chính xác vấn đề và cách thay đổi tình hình; tìm ra nguyên nhân hay động cơ dùng thuốc; lên kế hoạch cai nghiện và tìm kiếm giúp đỡ.
Các hoạt động nên làm là ghi chép nhật ký cai nghiện, tập thể dục hàng ngày và tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề. Nếu cần giúp đỡ để cai thuốc, hãy gặp bác sỹ cá nhân và liên hệ với cơ quan liên quan tại nơi sinh sống.
Bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Hãy cố gắng loại trừ những thói quen không tốt khi mang thai để sinh ra những em bé khỏe mạnh nhé.
Xem thêm:
- Tía tô – “Thần dược” giảm cân, đẹp da, chữa gout hiệu quả và tốt cho bà bầu
- 10 Bí quyết giúp bạn và chồng thụ thai là “dính” ngay
- Nên dạy trẻ những kỹ năng gì để con biết tự bảo vệ bản thân?