Em bé ít đạp vào tháng cuối trong đa số trường hợp nguyên nhân là do thai đã lớn nên khó chuyển động trong bụng mẹ, 1 số khác lại tiềm ẩn những bất thường cần can thiệp.
- Thai nhi đạp ít vào tháng cuối có phải là hiện tượng bất bình thường?
- Cách đếm chuyển động thai để biết con có đạp ít không
- Vì sao thai nhi ít đạp ở tháng cuối?
- Khi nào thì mẹ nên lo lắng?
Em bé ít đạp vào tháng cuối có phải là hiện tượng bất bình thường?
Thông thường mẹ bầu có thể cảm nhận những cú đạp đầu tiên của thai nhi từ tuần thứ 18-29. Sau đó mẹ sẽ nhận thấy con chuyển động nhiều hơn từ tuần thứ 28-34.
Các tuần về cuối của thai kỳ, tử cung mẹ dường như đã chật chội hơn rất nhiều so với kích thước của bé. Vì thế, sẽ không có gì lạ nếu mẹ thấy em bé ít đạp vào tháng cuối, đặc biệt là thời điểm sắp sinh.
Làm thế nào để biết con đạp ít đi?
Để biết con đạp bao nhiêu lần được coi là bình thường, mẹ cần chú ý:
- Từ tuần thai thứ 20 trở đi, thai nhi thường đạp 200 lần trong vòng 12 tiếng
- Con sẽ đạp nhiều hơn cho đến tuần thứ 32. Trung bình thai nhi đạp khoảng 575 lần trong 12 tiếng
- Từ tuần thứ 32, thai nhi sẽ đạp ít đi. Đến tuần thứ 40, bé sẽ chỉ còn đạp 282 lần/12 tiếng đồng hồ.
Cách tính số lần đạp của con mẹ có thể thực hiện như sau:
- Ghi lại thời gian bắt đầu tính số lần con đạp. Ví dụ mẹ bắt đầu đếm lần con đạp mạnh là lúc 8 giờ 20 phút.
- Mỗi lần chuyển động của con (đạp, uốn người, trườn, …) mẹ hãy gạch vào sổ 1 gạch. Khi nào đủ 10 lần thì mẹ ghi lại thời gian của lúc đó.
- Có những lúc bé đạp đủ 10 lần chỉ trong vòng 10-15 phút. Cũng có lúc mẹ sẽ phải đợi lâu hơn.
Trường hợp mẹ đếm trong 1 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa đủ 10 lần, mẹ nên:
- Nghỉ ngơi và uống một cốc sữa lạnh hoặc ăn đồ ngọt.
- Mẹ không nên quá lo lắng. Nằm nghỉ một lúc và lại việc đếm số lần đạp của con.
- Nếu đếm lại mà vẫn phải rất lâu mới đủ 10 lần thì tốt nhất là mẹ nên đi khám.
- Ảnh: Thai nhi đạp ít vào tháng cuối
Vì sao em bé ít đạp hơn trong tháng cuối?
Nếu thấy con ít đạp tháng cuối thì rất có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:
1. Mẹ quá lo lắng và căng thẳng
Khi căng thẳng, lượng oxy trong cơ thể mẹ sẽ bị giảm xuống để bảo toàn nguồn năng lượng cho tim và não hoạt động. Thai nhi thiếu oxy sẽ chuyển động ít đi hoặc ngừng chuyển động.
2. Tử cung đã quá chật hẹp
Vào tháng cuối, tử cung hầu như đã trở nên chật chội đối với thai nhi. Các cử động của con trở nên khó khăn hơn trong không gian này.
Tuy vậy, cũng có một số trường hợp con đạp ít đi là do không còn sức lực vì một điều bất thường nào đó. Chính vì thế, vào tháng cuối, mẹ phải thực hiện đếm số lần con đạp thường xuyên để phòng tránh các nguy hiểm có thể xảy ra.
3. Quá trình trao đổi chất bị suy giảm do tuổi thai lớn dần
Điều này khiến cho oxy và chất dinh dưỡng để cung cấp cho con bị giảm đi. Thai nhi bị thiếu oxy ở thời gian đầu thì sẽ đáp ứng bù trừ bằng việc tăng phân bổ máu cung cấp oxy đầy đủ cho não, tim, gan và giảm oxy tới ruột, da. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài hoặc thiếu oxy nhiều, thai sẽ không còn khả năng đáp ứng bù trừ, hậu quả là thai sẽ bị thiếu oxy. Chuyển hóa năng lượng lúc này bị giảm trong điều kiện yếm khí, dẫn đến pH sẽ giảm, thai bị nhiễm toan và có thể sẽ chết trong tử cung, hoặc chết sau khi sinh ra.
Đây là tín hiệu nguy hiểm mà mẹ cần đi khám ngay.
4. Không gian bụng mẹ so với kích thước thai nhi quá nhỏ
Với một số mẹ nhỏ người, kích thước bụng nhỏ cũng sẽ khiến con chuyển động không được thoải mái hết mức. Do đó, nếu tháng cuối thai nhi ít đạp nhưng vẫn đủ số lần quy định trong vòng 1 tiếng đồng hồ thì điều này nghĩa là bình thường.
- Thai nhi đạp ít vào tháng cuối có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Trong 2 tháng cuối cùng, nếu thấy ít hơn mức tối thiểu 3-4 cử động thai mỗi giờ thì mẹ có thể theo dõi tiếp trong 1 giờ nữa hoặc đến bệnh viện kiểm tra.
Con đạp ít chừng nào thì bị coi là dấu hiệu nguy hiểm?
Vào tháng cuối, dù hiện tượng con đạp ít đi là bình thường thì mẹ vẫn cần kiểm tra số lần con đạp theo như hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu tính từ khi mẹ thức dậy cho đến 2-3 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn thế mà thai nhi vẫn đạp không đủ 10 lần thì điều này rất nguy hiểm.
Do đó, càng đến gần ngày dự sinh mẹ càng cần phải cẩn trọng với chuyện con đạp ít hay nhiều. Ghi chép lại tất cả số lần con đạp sau mỗi bữa ăn sẽ giúp mẹ xử lý nhanh chóng khi có tình huống nguy hiểm.
Sau cùng, điều mẹ cần làm là tiếp tục đếm cử động thai và theo dõi các dấu hiệu cơ thể. Như vậy mẹ có thể biết cách xử lý nếu có tình huống xảy ra.
Nguồn tham khảo: Thế nào là thai máy yếu? – vinmec.com