Nếu trong thai kỳ mẹ bầu vẫn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng sao cân nặng của thai nhi vẫn không đạt mức chuẩn? Điều này có nguy hiểm không và lý do gì khiến thai chậm tăng cân?
Nguyên nhân tình trạng thai chậm tăng trưởng
Theo các bác sĩ, có ba nhóm nguyên nhân khiến mẹ ăn uống tốt nhưng thai chậm tăng cân.
1. Nguyên nhân thai chậm tăng cân do người mẹ
Có những bệnh lý nội khoa trước đó, ví dụ thiếu máu, cao huyết áp, cường giáp, rối loạn tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai. Do vậy trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để khám xem mình có bị các bệnh lý nội khoa này không
2. Do bào thai
Chẳng hạn bào thai bị rối loạn bất thường nhiễm sắc thể, bất thường về gen…
3. Nguyên nhân từ phần phụ thai nhi
Như bánh nhau có kích thước nhỏ hơn so với bình thường nên không thực hiện tốt chức năng lấy dinh dưỡng từ mẹ sang cho thai. Hoặc có thể do dây rốn.
Nếu dây rốn chỉ có một động mạch (thay vì hai động mạch như bình thường) sẽ vận chuyển dinh dưỡng đến bào thai không đủ.
Làm thế nào để phát hiện thai nhi phát triển chậm?
Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng – giảng viên bộ môn phụ sản (Đại học Y Dược TPHCM) cho biết hiện nay, y học phát triển cho phép phát hiện sớm những bất thường của thai ngày nay đã khá tốt. Việc xác định thai chậm tăng trưởng: dựa vào số đo, trọng lượng của em bé trong một số thời điểm. (dựa vào biểu đồ tăng trưởng thai nhi).
Do đó các thai phụ cần đi khám thai thường xuyên để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời.
Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện những kiểm tra như siêu âm Doppler. Hoặc mẹ bầu sẽ cần kiểm tra sự lưu thông máu từ nhau thai đến bào thai để biết sự phát triển của thai nhi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào đến sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ đề nghị đo tim thai và yêu cầu bạn theo dõi cử động của thai nhi. Nếu tình trạng thai nhi trong tử cung có vẻ nghiêm trọng, bạn sẽ cần sinh mổ chủ động vì sinh tự nhiên qua ngả âm đạo có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Những rủi ro sức khỏe do thai chậm phát triển
Thai chậm phát triển dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sinh non, tỉ lệ tử vong sau sinh cao, thiếu ối gây chết lưu… Ngoài ra, trẻ mắc IUGR phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng khác sau sinh như thiếu máu, vàng da, sức đề kháng kém, nhiệt độ cơ thể không ổn định, thừa hồng cầu, trí tuệ kém phát triển, cao huyết áp, biến chứng tim mạch…
Mức độ rủi ro tùy thuộc vào tuổi thai, thời gian mắc chứng IUGR và mức độ chậm phát triển của thai nhi.
Mẹ cần làm gì để khắc phục tình trạng thai chậm tăng cân?
Nếu tình trạng thai chậm tăng trưởng được phát hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ (thai chậm tăng trưởng khởi phát sớm), thông thường tiên lượng tình trạng nặng hơn việc phát hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ. Lý do là có nhiều nguyên nhân cùng tác động khiến bào thai chậm tăng trưởng từ rất sớm. Trường hợp này cần có những can thiệp như chọc nước ối tìm xem có bất thường về nhiễm sắc thể không, xem xét oxy đang được cung cấp cho em bé?
Nếu phát hiện thai chậm phát triển vào 3 tháng cuối thai kỳ (thai chậm tăng trưởng khởi phát muộn) thì tiên lượng có thể tốt hơn. Các trường hợp này không phải nguyên nhân từ bào thai và từ mẹ, mà do vài bệnh lý liên quan đến bánh nhau. Ví dụ bánh nhau không còn đủ chất nuôi thai. Giải pháp là tìm cách tăng dinh dưỡng, thuốc tăng trưởng thành để giúp thai khỏe mạnh hơn.
Theo theAsianparent
Xem thêm
- 8 lỗi ăn uống nguy hiểm của mẹ bầu khiến thai nhi chậm phát triển còi cọc!
- 6 lỗi sai nguy hiểm của mẹ bầu khiến thai nhi chậm tăng cân, suy dinh dưỡng
- Trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng – Đừng chủ quan nhé các mẹ!
- Đừng xoắn lên khi bầu 5 tháng không tăng cân! Quan trọng là số cân tăng chuẩn và đúng!