Khi thai 35 tuần tuổi, tốc độ phát triển trí não của thai nhi tiếp tục tăng lên nhanh chóng và sẽ tiếp tục như vậy trong suốt thời thơ ấu. Trong tam cá nguyệt cuối cùng này, trọng lượng não của bé tăng gần 10 lần và đến 12 tuổi, bộ não đó sẽ lớn hơn gấp 3 lần kích thước lúc sinh. Cơ thể người mẹ lúc này cũng sẽ có nhiều thay đổi. Hãy theo dõi nhé!
Nội dung bài viết:
- Chỉ số thai nhi tuần 35 và sự phát triển của bé ở tuần thai này
- Những thay đổi của cơ thể mẹ
- Lưu ý gì khi mang thai tuần 35?
Sự phát triển của thai nhi 35 tuần tuổi
Vào tuần nay bé nặng gần 2.4kg, tương đương một quả dưa hấu. Chiều dài của bé vào khoảng 46.2cm từ đỉnh đầu tới gót chân. Bé sẽ tăng khoảng 28g mỗi ngày trong vài tuần tới. Ngoài ra các chỉ số mẹ cần quan tâm là:
- Lưỡng đỉnh: 81-93 mm. Trung bình 87 mm
- Xương đùi: 62-74 mm. Trung bình 67 mm
- Chu vi bụng: 279-350 mm. Trung bình 315 mm
- Chu vi đầu: 304-341 mm. Trung bình 322 mm
Lúc này đôi khi người ta có thể nhìn thấy những cử động của thai nhi qua bụng mẹ. Tùy thuộc vào vị trí thai mà mẹ sẽ thấy bụng mình lúc lồi lúc lõm khi bé di chuyển trong tử cung hay khi bé nấc cụt. Bé đã khá lớn, và có thể sẽ khó chịu khi di chuyển vì không gian ngày càng trở nên chật hẹp.
Khi thai nhi chiếm nhiều không gian hơn trong bụng mẹ, lượng nước ối xung quanh bé sẽ tự nhiên giảm đi. Mặc dù ngày sinh đã tới gần, bé vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện các kỹ năng trước khi chào đời.
Đặc điểm của mẹ bầu trong giai đoạn này
Mẹ bầu sẽ cảm thấy mình “phát tướng” ở thời điểm này. Tử cung đã lớn gấp nhiều lần so với kích thước ban đầu, và giờ đây nó ở ngay dưới xương sườn của người mẹ. Điều này sẽ khiến mẹ bầu khó thở hơn bình thường, dễ bị đau đầu chóng mặt vì thai lớn chèn ép các mạch máu.
Cân nặng thai nhi tuần 35 đã như 1 quả dưa hấu nên bé đã chiếm quá nhiều không gian trong tử cung, vì vậy mẹ có thể cảm thấy không thoải mái. Nếu cử động của bé gây đau, mẹ hãy thử thay đổi tư thế của mình. Nằm nghiêng sẽ giúp giảm bớt khó chịu ở thời kỳ này.
Mặc dù sự thay đổi trong cử động của thai nhi là bình thường vào tuần thai thứ 35, tuy nhiên bé vẫn nên di chuyển nhiều như trước đây. Nếu bạn cảm thấy rằng bé không di chuyển nhiều, hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về chuyển động của bé, hãy liên lạc ngay với bác sĩ để được giải đáp.
Những triệu chứng mẹ thường gặp ở tuần thai này
- Những con nhức đầu có thể do quá nóng hoặc không gian ngột ngạt xung quanh, lúc này mẹ nên nghỉ ngơi và đi ra không gian thoáng hơn
- Giãn tĩnh mạch bắt đầu xuất hiện. Mẹ sẽ cảm thấy các cơn đau hoặc ngứa ở chân. Việc sử dụng các đôi tất chống giãn tĩnh mạch (support hose) có thể giúp chống lại áp lực từ việc bụng được đẩy xuống
- Chảy máu chân răng: Để hạn chế chảy máu, hãy bổ sung nhiều vitamin C cho cơ thể
- Các cơn gò Braxton Hicks: Hãy phân biệt cơn gò sinh lý và cơn gò chuyển dạ. Chuyển dạ sinh con ở thời điểm này vẫn là quá sớm
- Táo bón, trĩ do sự chèn ép của thai nhi lên cơ quan tiêu hóa. Mẹ hãy chú ý uống thêm nhiều nước nhé.
Những điều cần biết khi mang thai 35 tuần
Nếu mẹ bầu đã bắt đầu nghỉ thai sản, hãy tận dụng cơ hội để nghỉ ngơi. Lúc này bạn có thể thực hành các kỹ thuật thở mà bạn đã học được ở các khóa học tiền sản.
Mẹ mang thai tuần thứ 35 thường rất lo lắng về việc sinh nở. Do chỉ có 5% trẻ sơ sinh được sinh ra vào đúng ngày dự sinh nên không ai có thể nói trước chính xác ngày bé sẽ chào đời. Mẹ bầu nên học cách kiểm soát tâm lý vào lúc này. Một cách tuyệt vời để chuẩn bị tinh thần cho ngày đó là dành thời gian để chuẩn bị túi đồ đi sinh. Hãy sửa soạn và sắp xếp tất cả đồ đạc cần thiết cho ngày đón bé yêu.
Bạn cũng nên chuẩn bị danh sách số điện thoại cần liên lạc, đề phòng trường hợp bất ngờ chuyển dạ mà không có ai bên cạnh. Lưu ý gọi bác sĩ ngay nếu mẹ nhận thấy có chảy máu âm đạo, bị sốt, đau bụng liên tục hoặc thay đổi thị lực.
Tránh vận động mạnh ở giai đoạn này
Mẹ bầu không nên làm việc nặng khi thai đã được 35 tuần. Mang vác nặng vào thời điểm này có thể là nguy cơ gây sảy thai.
Vận động nhẹ nhàng và mát –xa để giúp giảm triệu chứng phù nề có thể xuất hiện vào những tuần cuối thai kỳ.
Chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Mẹ bầu cần bổ sung nhiều protein và thực phẩm giàu omega-3 để giúp thai nhi phát triển toàn diện.
Trên đây là những thông tin mà mẹ bầu cần tìm hiểu về thai 35 tuần. Hãy chuẩn bị sẵn sàng vì ngày đón con yêu đang đến gần. Các mẹ có thể tham khảo cách chuẩn bị túi đồ sinh, cách chăm sóc trẻ sơ sinh tại đây nhé!