Thai 33 tuần cùng với sự phát triển của thai nhi là sự xuất hiện của các triệu chứng khiến mẹ khó chịu hơn vì thế mẹ cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho cả mẹ và con.
- Những thay đổi của mẹ bầu khi thai 33 tuần tuổi
- Mẹ bầu và ba em bé nên làm gì vào tuần 33 này
Những thay đổi của mẹ bầu khi thai 33 tuần tuổi
Thai 33 tuần là mấy tháng?
Thai 33 tuần là lúc mẹ mang bầu tháng thứ 8, nằm ở tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Cân nặng của bé nằm trong khoảng 1,9kg và cao khoảng 43,7cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Lớp mỡ dưới da đang ngày càng dày lên. Điều này khiến cho làn da bé hồng hào, láng mịn, và trông bé cũng tròn trĩnh hơn.
Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
- Nếu em bé của bạn đến giờ vẫn còn đang nằm ngôi ngược, thì hy vọng tuần này bé sẽ chuyển sang ngôi thuận. Nằm ngôi thuận là tư thế thuận lợi nhất để em bé ra đời.
- Lúc này, có thể hai đầu vú của bạn đã bắt đầu rỉ ra một chút sữa non. Bạn sẽ thấy sữa đóng khô lại ở trên đầu vú mỗi khi cởi áo ngực ra. Ngực bạn càng trở nên nặng nề hơn và vằn vện những đường gân máu xanh.
Ở giai đoạn này, các bà mẹ mang thai thường hay nhầm lẫn, không biết họ đang bị đái rắt hay rò nước ối hoặc tình trạng dư ối
- Khối nước ối bao bọc em bé đang đạt khối lượng lớn nhất, và từ giờ nó sẽ chỉ giảm dần đi. Dịch ối có mùi rất đặc trưng, và không hề giống mùi nước tiểu. Nếu bạn nghi ngờ màng ối của bạn bị vỡ, hãy nhờ bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn kiểm tra. Họ sẽ xét nghiệm dịch này để biết nó thực chất là gì.
- Bạn sẽ có thể cảm giác như tim mình đang đập loạn nhịp, hoặc đập nhanh hơn trong thời gian này. Bởi vì có nhiều thay đổi trong việc phân bổ các mạch máu chủ và vì cái khối lượng đang đè lên tim, việc tim đập nhanh là rất bình thường. Nhưng nếu bạn bị đau ngực và khó thở, thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay.
Bạn sẽ hơi ủy mị một chút, và dễ bị xuống tinh thần trong tuần này. Chân và lưng đau nhức cứ rút hết sức lực của bạn, và bạn giờ chẳng muốn làm gì nữa cả.
Bổ sung dinh dưỡng cần thiết là một trong những điều mẹ nên làm
Thai 33 tuần nên ăn gì? Giai đoạn thai 33 tuần tuổi này mẹ bầu nên tăng khẩu phần ăn với nhiều loại trái cây và rau khác nhau để tăng cường chất xơ, chống táo bón.
Nhớ đảm bảo uống đủ 8 ly nước mỗi ngày các mẹ nhé!
Nếu bạn thấy hoa mắt chóng mặt thường xuyên trong giai đoạn này, đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang bị thiếu chất sắt và một số vitamin cần thiết. Do đó hãy bổ sung lượng sắt cho cơ thể qua các nguồn thực phẩm như thịt bò, gan, khoai tây…
Một số các biểu hiện như đau nhức, tê buốt cổ tay, cổ chân… cũng có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi. Bạn cũng có thể bù đắp thêm một số thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như tôm, tép nhỏ ăn cả vỏ, đỗ, trứng, sữa…
Bạn nên tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ và có tính axit để giảm thiểu những khó chịu của chứng ợ nóng.
Có thể mẹ bầu có thể gặp một số bệnh
Phần đông các thai phụ trong giai đoạn thai nhi 33 tuần tuổi này có nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn B. Đây là loại khuẩn trú ngụ ở âm đạo và trực tràng của mẹ. Nó có thể gây hại cho cả mẹ và bé.
Nếu mẹ nhận thấy có những lằn hay nốt đỏ ngứa ngáy trên bụng mình, ở bắp đùi và ở mông nữa, mẹ có thể đang bị tình trạng gọi là sẩn ngứa mề đay hay nốt sần thai kỳ (gọi tắt là PUPPP). Dù bệnh này không gây nguy hiểm nhưng lại đem đến cho bạn cảm giác khó chịu.
Nếu thấy triệu chứng bị ngứa khắp người, kể cả khi không hề bị nổi ban, bạn nên đến khám bác sĩ, vì rất có thể đây là một dấu hiệu bạn gặp vấn đề về gan.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý về chứng trầm cảm thai nghén. Mẹ cần cảnh giác vì trầm cảm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Mẹ bầu và ba em bé nên làm gì vào tuần 33 này
Theo dõi những biểu hiện của cơ thể bằng việc tìm hiểu và nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ thực sự, sự khác nhau của rỉ ối và chảy dịch âm đạo, phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy. Nhất là khi xuất hiện tình trạng chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Đi khám thai nhi 33 tuần tuổi thường xuyên. Việc này giúp bố mẹ có thể theo dõi được sức khỏe và sự phát triển bình thường của con, dự tính ngày sinh chính xác nhất, theo dõi được tình hình sức khỏe của mẹ.
Mua sắm một số đồ dùng cần thiết cho những ngày sắp tới như quần áo trẻ sơ sinh, bình sữa, sữa….để không bị lúng túng khi em bé của bạn chào đời.
Nguồn tham khảo: Sự phát triển của thai nhi tuần 33 – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.