Thai 15 tuần tuổi đang có sự thay đổi đáng kể về diện mạo. Mẹ bầu sẽ không còn những cơn ốm nghén khó chịu và có thể cảm nhận được những cú đạp đầu tiên của con.
- Sự phát triển của thai 15 tuần tuổi
- Sự thay đổi của mẹ bầu khi mang thai 15 tuần
- Lời khuyên cho mẹ trong tuần thai này
Sự phát triển của thai 15 tuần tuổi
- Chỉ số thai 15 tuần: Thai nhi giờ đây có kích thước của một quả táo, nặng khoảng 75g và dài 10 cm.
- Lúc này bé đang hình thành phản xạ thị giác. Dù đôi mắt vẫn đang khép chặt, bé đã cảm nhận được ánh sáng. Nếu mẹ chiếu một luồng sáng lên bụng mình, bé sẽ di chuyển để tránh khỏi nơi có ánh sáng mạnh nhất.
- Thai 15 tuần cũng đã hình thành vị giác. Tuy nhiên, bé vẫn chưa cảm nhận và phân biệt được các vị khác nhau.
- Cơ thể bé cũng đã bắt đầu huy động canxi để làm cho xương cứng cáp hơn. Các chồi răng dưới lợi cũng bắt đầu hình thành.
- Em bé đã có thể ngáp, và có những cử động làm nhăn và duỗi căng trên khuôn mặt.
- Các vân tay của bé cũng bắt đầu hình thành trong giai đoạn này.
- Hình ảnh siêu âm thai 15 tuần
Thai 15 tuần tuổi đã biết giới tính chưa?
Đến tuần này thì đã có thể xác định rõ giới tính của em bé qua màn hình ảnh thai 15 tuần. Nếu đó là một bé gái, buồng trứng sẽ chứa tất cả số lượng trứng mà bé sẽ có trong suốt cuộc đời mình, khoảng 3 triệu trứng.
Nếu đó là một bé trai, thì hai tinh hoàn vẫn còn nằm ở vị trí cao phía trên bụng. Trên ngực của thai nhi lúc này cũng bắt đầu thấy xuất hiện các núm vú bé xíu.
- Thai 15 tuần tuổi
Sự thay đổi của mẹ bầu khi mang thai 15 tuần
Đây được xem là khoảng thời gian ổn định thai kỳ khi các triệu chứng ốm nghén đã không còn. Mẹ bầu dễ ăn uống, khỏe mạnh hơn và có nước da hồng hào rất đẹp. Tuy nhiên, việc lưu thông máu quá nhanh và tăng gấp nhiều lần so với bình thường sẽ khiến làn da của bạn bị nóng. Chính vì vậy, các mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp.
Vào giai đoạn này, tóc của mẹ bầu thường dày và đẹp. Thông thường, tóc luôn có chu kỳ phát triển và rụng. Tuy nhiên, khi mang thai thì tóc sẽ rụng ít hơn.
Nhìn hình thức bề ngoài thì bạn vẫn chưa có vẻ gì là có thai. Nhưng cả tủ quần áo thì hình như không còn cái nào có thể mặc vừa nữa.
Một số tình trạng khó chịu có thể xảy ra với mẹ bầu ở tuần 15
Chóng mặt: do nội tiết tố, mệt mỏi, căng thẳng mà mẹ bầu sẽ cảm thấy chóng mặt, muốn ngất xỉu.
Đau đầu thường xuyên hơn: Mẹ bầu hãy tìm chỗ ngồi yên tĩnh và tối để giảm cơn đau.
Hay quên: Mẹ có thể sẽ gặp tình trạng không thể nhớ những việc bình thường, hay quên đồ vật,…, là sự ảnh hưởng lên não bộ khi mang thai.
Trào ngược thực quản – dạ dày: Mẹ thường xuyên bị đói sẽ dễ gây ra việc ăn quá nhiều thức ăn một lúc, khiến trào ngược dạ dày – thực quản xuất hiện.
Lời khuyên cho mẹ trong tuần thai này
1. Dinh dưỡng
Theo các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng mang thai tuần 15 cần đảm bảo cung cấp thêm 300 calo mỗi ngày so với lượng tiêu thụ bình thường. Như vậy, việc lựa chọn những loại thực phẩm chứa nhiều calo là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh tăng cường rau củ để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất thì chất béo cũng rất cần thiết. Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như axit béo, chất sắt, Canxi và vitamin D.
Ngoài ra, các mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng hơn, tạo điều kiện để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
Tránh các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, thức uống có chứa cồn hoặc caffeine…
- Thai 15 tuần tuổi
2. Chăm sóc răng miệng
Hormone thai kỳ không hề tốt cho nướu răng của mẹ. Nướu, cũng như các màng nhầy khác trên cơ thể mẹ, sẽ dễ bị sưng, viêm và có xu hướng dễ chảy máu. Những hormone này cũng làm cho nướu răng dễ bị mảng bám và vi khuẩn. Hoặc tồi tệ hơn có thể dẫn đến viêm nướu, thậm chí là sâu răng.
Để giữ sức khỏe răng miệng trong khi đang mang thai, mẹ nên xỉa răng và chải răng thường xuyên. Sử dụng kem đánh răng chứa fluor để bảo vệ răng mẹ khỏi sâu răng. Làm sạch lưỡi trong khi đánh răng cũng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trong vòm miệng và khiến hơi thở của mẹ thơm mát hơn.
3. Chăm sóc đôi mắt
Nếu đeo kính, hãy đi kiểm tra mắt với bác sĩ nhãn khoa, bạn có thể cần phải thay tròng mới. Nếu bạn thường sử dụng kính sát tròng thì lúc này bạn có thể cẩm thấy nó không được thoải mái như trước nữa. Những thay đổi này thường xảy ra trong khi bạn mang thai, tuy nhiên, chúng sẽ ổn sau khi bạn đã sinh em bé.
4. Chú ý khi đi lại, tư thế nằm ngủ
Mẹ bầu có thể tập tư thế nằm nghiêng sẽ tốt cho em bé. Một gợi ý khác nữa là, khi ngồi, bạn hãy cố gắng để hai chân nâng lên một chút bằng cách gác lên dụng cụ để chân.
Theo theAsianparent Singapore