Mặc dù nhiều cha mẹ đã cực kỳ cẩn thận nhưng những tai nạn liên quan đến đồ chơi vẫn thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ.
Bé trai bị thanh kim loại của chiếc xe tải đồ chơi đâm vào đầu
Mới đây tại Indonesia, 1 chủ tài khoản Facebook tên là Sue Mohamad đã lên tiếng cảnh báo các cha mẹ khác khi cháu trai của anh bị tai nạn liên quan đến đồ chơi, cụ thể là bị 1 thanh sắt nối giữa 1 bánh xe tải đồ chơi đâm vào đầu, dẫn đến phải đi viện cấp cứu.
Cháu anh Mohamad vô tình bị ngã, đầu va vào thanh kim loại nối 2 bánh xe của chiếc xe tải đồ chơi khiến thanh sắt đâm xuyên qua đầu. Thấy vậy, mọi người trong gia đình liền vội đưa đứa trẻ vào viện ngay lập tức. May mắn khi kiểm tra bác sĩ thông báo thanh kim loại không gây tổn hại đến não của bé trai và chỉ cần khâu vài mũi. Sau khi được nằm theo dõi vài ngày, cậu bé đã được xuất viện.
Nhìn chiếc xe tải nhỏ bằng nhựa này, ít ai nghĩ rằng có thể gây hại cho trẻ nhỏ. Câu chuyện của anh Mohamad đã làm nhiều phụ huynh phải giật mình khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ nhỏ.
Làm thế nào để lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ?
Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã đưa ra một số lời khuyên đến cho các cha mẹ trong việc lựa chọn đồ chơi an toàn, cụ thể:
Chọn đồ chơi cho trẻ sơ sinh – 3 tuổi
Trẻ em dưới 3 tuổi có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng. Ba mẹ nên tránh:
- Mua những món đồ chơi có kích thước nhỏ, đường kính từ 3 – 5cm.
- Đồ chơi dành cho trẻ lớn cũng không được khuyến cáo dùng cho trẻ trong giai đoạn này vì chúng có những bộ phận có thể gây nguy hiểm. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty sản xuất đồ chơi lại phân loại đồ chơi theo lứa tuổi
- Tuyệt đối đừng bao giờ cho trẻ chơi bóng bay, khi bóng vỡ, trẻ có thể cho mảnh cao su vào miệng dẫn đến ngạt thở.
Chọn đồ chơi cho bé từ 3 – 5 tuổi
Để tránh tai nạn liên quan đến đồ chơi cho con ở độ tuổi này, mẹ nên tránh:
- Mua đồ chơi có cạnh sắc nhọn. Đồ chơi bằng nhựa mỏng, giòn cũng không nên mua vì dễ làm trẻ bị thương khi chạm vào các cạnh sắc.
- Đồ chơi nam châm
- Bóng có đường kính nhỏ
- Sản phẩm bút chì màu, sơn nước KHÔNG có ký hiệu “ASTM D-4236” (Nên chọn những sản phẩm có ký hiệu này vì điều đó có nghĩa là sản phẩm đã được kiểm tra bởi một nhà độc học và an toàn đối với sức khỏe trẻ em)
Lưu ý để trẻ chơi đồ chơi an toàn
Để bé chơi đồ chơi an toàn và giảm được tối đa nguy cơ tai nạn liên quan đến đồ chơi, ba mẹ cần nhớ:
- Lựa chọn đồ chơi rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác kiểm định an toàn, không chọn đồ chơi kém chất lượng
- Đồ chơi mua về nên rửa/lau sạch và thường xuyên vệ sinh định kỳ để đảm bảo an toàn cho bé
- Thường xuyên kiểm tra đồ chơi của con để tìm những bộ phận nhỏ, mảnh vỡ và những nguy cơ tiềm ẩn bao gồm sơn bị bong tróc hay nứt nẻ
- Nhớ dặn dò và khuyến khích con không nên cho đồ chơi vào miệng
- Dọn dẹp đồ chơi ngay khi chơi xong để tránh bị vấp ngã
Ba mẹ hãy luôn nhớ rằng, dù có nhiều đồ chơi thế nào thì điều mà trẻ cần nhất vẫn luôn là có ba mẹ chơi cùng. Nên dù có bận rộn thế nào thì cũng hãy cố gắng thu xếp thời gian để cùng tận hưởng những phút giây vui vẻ quý giá bên bé yêu nhé.
Xem thêm
- Bé trai 4 tuổi phải cấp cứu sau khi nhét pin vào mũi, đối mặt với nguy cơ chịu di chứng suốt đời vì acid đã phá hủy hốc mũi và thành mũi
- Bé gái 11 tuổi uống nhầm acid rửa ắc quy, nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng
- Lấy nhầm thuốc tẩy nốt ruồi để rửa mũi cho con, mẹ khiến bé 5 tuổi phải đi cấp cứu
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!