Siêu âm đầu dò có hại không là một trong những lo lắng và băn khoăn chính đáng của các chị em trong thời kì mang thai, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Một số thông tin cho rằng siêu âm đầu dò có thể gây sảy thai khiến nhiều mẹ bầu lo ngại khi được chỉ định thực hiện phương pháp này. Vậy siêu âm đầu dò là gì và có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Tìm hiểu về siêu âm đầu dò ở phụ nữ mang thai
Siêu âm đầu dò còn được gọi là siêu âm ngả âm đạo, siêu âm qua đường âm đạo là phương pháp siêu âm hiện đại và khá thông dụng trong kỹ thuật thăm khám sản phụ khoa. Tuy nhiên, đó không phải là một thuật ngữ quá phức tạp của ngành y mà các mẹ bầu hoàn toàn có thể hiểu được những thông tin cần thiết về phương pháp này.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo là một thủ thuật nhằm kiểm tra các cơ quan vùng chậu như tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, cổ tử cung….
Khác với siêu âm thành bụng, siêu âm đầu dò cần phải đưa thiết bị vào bên trong âm đạo để sóng âm tiếp xúc với các bộ phận khác của cơ quan sinh sản. Vì vậy, siêu âm đầu dò đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, nhất là khi thực hiện với phụ nữ mang thai để tránh gây ra những tổn thương tới cổ tử cung và tử cung, có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, loại siêu âm bằng phương pháp này thường cho kết quả chính xác hơn so với siêu âm thành bụng.
Vì sao cần siêu âm đầu dò?
Nhờ áp dụng kỹ thuật sử dụng sóng âm tần cao tiếp xúc qua ngõ âm đạo để hiển thị hình ảnh chuyên sâu, có độ chính xác cao nên phương pháp siêu âm đầu dò âm đạo có thể phát hiện được các bệnh lý liên quan tới hệ sinh sản như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, tắc vòi trứng và ống dẫn trứng, mang thai ngoài tử cung, sảy thai cũng như hỗ trợ tốt cho việc thụ tinh nhân tạo đối với những người hiếm muộn khó có con và những người muốn có kết quả tốt nhất của quá trình thụ thai.
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ thường sẽ được yêu cầu thực hiện siêu âm qua đường âm đạo. Ở giai đoạn này, việc siêu âm đầu dò sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác của thai nhi và cho kết quả sớm để loại trừ khả năng có thai ngoài tử cung. Vì vậy, thay vì lo lắng siêu âm đầu dò có hại không, các mẹ bầu cần hiểu rằng kỹ thuật này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa những biến chứng sản khoa có thể xảy ra nếu thai ngoài tử cung vỡ ra như nhiễm trùng ổ bụng, vỡ ống dẫn trứng… mà kỹ thuật siêu âm ổ bụng không thể hiển thị hình ảnh phôi thai tại thời điểm này.
Nếu mẹ bầu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường trong thai kỳ như đau bụng, chảy máu, bác sĩ sẽ khuyên chị em nên thực hiện siêu âm đầu dò để có thể xác định được chính xác nguyên nhân.
Thời điểm thích hợp để siêu âm đầu dò
Bất cứ phụ nữ mang thai nào nếu có sức khỏe bình thường, ổn định cũng có thể được chỉ định tiến hành siêu âm đầu dò. Lúc này, ngoài câu hỏi siêu âm đầu dò có hại không, mẹ cũng nên quan tâm tới thời điểm cần thực hiện kỹ thuật thăm khám này.
Bác sĩ Nam cho biết khi mang thai, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo vào những thời điểm khác nhau tùy theo mục đích. Vào tuần thứ 4-5, thủ thuật này có thể được chỉ định để đánh giá vị trí chính xác của thai nhi nhằm phát hiện những trường hợp thai ngoài tử cung. Bên cạnh đó, siêu âm đầu dò còn giúp bác sĩ đánh giá tim thai ở thời điểm tuần thứ 6 – 8 của thai kì và phát hiện sớm hoạt động của tim thai, chẩn đoán tình trạng phát triển của thai nhi.
Mẹ cũng cần lưu ý thêm rằng, khi tuổi thai mới được 3 tuần hoặc sớm hơn vẫn có thể thực hiện siêu âm đầu dò nhưng kết quả sẽ không được chính xác, thậm chí có thể ảnh hưởng đến phôi thai do lúc này bào thai quá bé, cũng chưa có hình dạng ổn định và túi phôi có thể chưa đi vào tử cung để làm tổ nên chưa thể quan sát được bằng mắt thường bằng hình ảnh trên phiếu siêu âm.
Vào những tuần tiếp theo khi thai đã lớn hơn, để thuận tiện cho cả bác sĩ và mẹ bầu, phương pháp này sẽ được thay thế bằng kỹ thuật siêu âm thành bụng với kết quả thăm khám tương đối chính xác. Tuy nhiên những trường hợp thai lớn, nhau thai bám sau, đầu thai quay xuống dưới che khuất sóng âm khiến bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo cũng cần được tiến hành siêu âm đầu dò để kiểm tra vị trí bánh nhau.
Siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi?
Mặc dù đã hiểu thêm được phần nào về phương pháp siêu âm đầu dò, vậy nhưng việc đưa một thiết bị y tế trực tiếp vào bên trong âm đạo vẫn có thể khiến nhiều mẹ bầu lo lắng và cần có 1 câu trả lời chính xác cho câu hỏi siêu âm đầu dò có hại không?
Bác sĩ Nam cho biết siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo là một thủ thuật an toàn và hiện tại không phát hiện ảnh hưởng gì đến thai nhi. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm bằng cách di chuyển đầu dò trong vùng âm đạo chứ không đưa sâu vào phía bên trong cổ tử cung hay tử cung của người mẹ nên mẹ bầu không nên quá lo lắng, giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng.
Vì vậy siêu âm đầu dò hoàn toàn không có hại mà rất an toàn đối với cả mẹ và bé. Ngược lại, nhờ có siêu âm đầu dò mà bác sĩ có thể:
- Kiểm tra tình trạng tử cung và ống dẫn trứng của người mẹ
- Xác định chính xác người mẹ có mang thai hay không, là thai đơn hay thai đôi
- Kết quả siêu âm cho biết thai nằm ở vị trí nào
- Đánh giá chính xác về tim thai ở thời điểm tuần thai thực hiện siêu âm cũng như nhận biết được tình trạng của thai nhi và phát hiện được sớm những bất thường về tim thai
- Chẩn đoán và phát hiện sớm trường hợp mang thai ngoài tử cung, tầm soát những tai biến sản khoa có thể xảy ra
Lưu ý cho mẹ khi được chỉ định phương pháp siêu âm này
Nhiều mẹ bầu khi được chỉ định thực hiện các kỹ thuật thăm khám sản phụ khoa thường lo lắng vì lo ngại mức độ an toàn của phương pháp siêu âm đầu dò. Các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm là phương pháp này an toàn cho cả mẹ và bé; khi được chỉ định siêu âm đầu dò, mẹ nên lưu ý vài điểm để quá trình thực hiện được diễn ra thuận lợi:
- Lựa chọn trang phục thoải mái, rộng rãi khi thực hiện siêu âm
- Dù có đôi chút ngượng nghịu nhưng mẹ hãy giữ cho tinh thần thoải mái, cơ thể thả lỏng, không căng cứng hay gồng mình
- Khi siêu âm đầu dò bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu không uống nhiều nước hoặc đi tiểu trước đó để bàng quang rỗng, không cản trở thiết bị siêu âm, giúp kết quả thu được chính xác hơn
- Không nhất thiết thai phụ nào cũng cần phải siêu âm đầu dò nên các mẹ hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
- Mẹ nên lựa chọn những địa chỉ khám thai uy tín, có thiết bị hiện đại, bác sĩ thực hiện siêu âm đầu dò cũng như khám thai an toàn, giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để đảm bảo kết quả chẩn đoán và tư vấn được chính xác nhất
Lời kết
Trong thời gian mang thai, mỗi mẹ bầu đều phải trải qua nhiều lần siêu âm, xét nghiệm. Những lần thăm khám này đều được chỉ định tùy từng thời điểm để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự an toàn cho thai nhi. Nếu đã có câu trả lời về băn khoăn siêu âm đầu dò có hại hay không rồi thì mẹ cũng không cần phải lo lắng quá. Hãy yên tâm và đón nhận tin vui từ bác sĩ!
Xem thêm:
- Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ
- Tìm hiểu về siêu âm 3D – Siêu âm nhiều liệu có ảnh hưởng tới thai nhi
- Siêu âm nhiều có tốt không? Và có những rủi ro nào không?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác