Rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, hay quấy khóc, cáu kỉnh. Mẹ cần trang bị những kiến thức đầy đủ về chứng bệnh này để có thể giúp con tránh được những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra.
Giấc ngủ quan trọng thế nào với trẻ sơ sinh?
Ngủ chính là lúc để não bộ phát triển. Giấc ngủ tham gia vào quá trình phát triển của trẻ thông qua hormone tăng trưởng. Có tới 80% tế bào não được tạo ra trong 3 năm đầu đời, liên quan mật thiết đến thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Không chỉ có vai trò trong việc phát triển thể chất, giấc ngủ còn có ý nghĩa đối với việc phát triển trí tuệ, bởi lúc ngủ là thời gian để não bộ có thể xử lý những thông tin mà trẻ tiếp nhận được trong ngày.
Nếu không vì lý do bất khả kháng, trẻ nên được mọi điều kiện để có được một giấc ngủ ngon, đảm bảo cả thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể khiến cho trẻ hay quấy khóc, cáu kỉnh. Lâu dài có thể dẫn đến giảm trí nhớ, giảm khả năng học tập, thậm chí là rối loạn hành vi, cảm xúc khi trẻ trưởng thành.
Trẻ sơ sinh ngủ bao lâu là đủ giấc?
Khó có thể nói chính xác thời gian ngủ bao lâu là đủ ở trẻ sơ sinh, bởi nó còn tùy thuộc vào đặc điểm thể chất của từng trẻ. Trung bình mỗi ngày trẻ sơ sinh ngủ 18 – 20 giờ. Thời gian mỗi giấc ngủ ở mỗi trẻ là khác nhau, trung bình khoảng 30-180 phút, có khi lên đến 5-10 giờ/giấc ngủ. Trẻ sơ sinh thường ngủ vào ban ngày nhiều hơn. Càng lớn thì thời gian ngủ trong ngày của trẻ càng ngắn lại dần.
Biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ
Khó ngủ, ngủ ít, ngủ không sâu giấc, giật mình, vặn mình, gắt ngủ, quấy khóc đêm, thức khuya, ngủ muộn … Nếu trẻ bị rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng, thể chất và khả năng nhận thức của bé sau này.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân sinh lý
Có 2 dạng giấc ngủ REM – NREM. Trong đó giấc ngủ NREM (Non Rapid Eye Movement: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và REM (Rapid eye movement: giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh).
Giấc ngủ NREM chiếm 75% tổng số thời gian ngủ, giấc ngủ REM chiếm 25% tổng số thời gian ngủ. Nhưng riêng ở trẻ em giấc ngủ REM chiếm tới 50%, đặc điểm của giấc ngủ này là khi trẻ ngủ các cơ quan trong cơ thể lại tăng hoạt động: Tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn, não tăng chuyển hóa hơn… Chỉ cần 1 cử động nhỏ cũng dễ dàng đánh thức bé và sự thức dậy ngắn cũng làm bé tỉnh ngủ hoàn toàn.
Ngoài ra, trong giai đoạn trẻ đang phát triển nhanh có những thời điểm khiến trẻ dễ bị khó ngủ, quấy khóc như khi trẻ sắp bò, sắp mọc răng, sắp đi, vận động nhiều quá vào ban ngày hoặc ăn ít quá, ăn no quá…
Nguyên nhân bệnh lý
Trẻ có các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, não bộ… cũng là nguyên nhân chính gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh. Những trẻ bị mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, COPD, đau chướng bụng, đầy hơi, bị chứng tăng động, kích thần thần kinh, rối loạn tập trung… đều có hậu quả là rối loạn giấc ngủ và có thể khiến cho những tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh có nhiều biểu hiện khác nhau như:
- có cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, giật cơ khi ngủ
- các cử động chân tay có tính chu kỳ
- mộng du
- mất ngủ
- có các cơn hoảng sợ ban đêm…
Rối loạn giấc ngủ khiến trẻ chậm lớn về cả thể chất và trí não. Trẻ ít ngủ, quấy khóc nhiều sẽ hình thành cảm xúc tiêu cực, và thường hay cáu gắt, tỏ ra khó chịu hơn so với các bạn đồng lứa khi lớn lên.
Làm gì để giúp trẻ có giấc ngủ ngon
Theo bác sĩ, để phòng bé bị rối loạn giấc ngủ, nên tránh cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày, tập cho con thói quen đi ngủ đúng giờ, đồng thời tạo không gian phòng ngủ thoáng mát, yêu tĩnh. Trước giờ ngủ, không nên để trẻ ở trạng thái kích thích quá mức hoặc ức chế thần kinh
Để trẻ có giấc ngủ ngon, các bậc cha mẹ nên vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ trước khi ngủ, nên cho trẻ ngủ đúng giờ. Không nên cho trẻ ăn trước khi ngủ, khi trẻ ngủ rồi không nên cho trẻ uống sữa vì khi bú sữa trẻ phải thức, giấc ngủ sẽ không liên tục.
Ngoài ra, cần để phòng ngủ thoáng, không có tiếng động, tắt điện, kéo rèm đảm bảo phòng đủ tối để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng. Ngủ sớm, ngủ đúng giờ, ngủ ngon sẽ giúp trẻ hồi phục trí nhớ, tăng trưởng chiều cao tốt.
Xem thêm
- Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ – làm sao để giúp con khắc phục?
- Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc – phải làm sao để nâng cao chất lượng giấc ngủ của con?
- Tư thế ngủ tốt nhất cho bé sơ sinh