Nhiều em bé đến tuổi thay răng thường gặp tình trạng răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc. Vậy phải xử lý tình trạng này như thế nào? Mời ba mẹ tham khảo bài viết này để có hướng giải quyết tốt nhất cho con nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Quá trình thay răng sữa diễn ra như thế nào?
Bé bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên gọi là răng sữa khi được 6 tháng tuổi. Đến một thời điểm nhất định, mầm răng vĩnh viễn nằm bên dưới mỗi chân răng sữa sẽ mọc thẳng lên làm tiêu chân răng sữa. Mỗi răng sữa sẽ được thay thế bằng một răng vĩnh viễn duy nhất. Lúc này để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên, lần lượt từng chiếc răng sữa sẽ tự động rụng hoặc lung lay và bé phải đến nha khoa để nhổ bỏ.
Cần chú ý chăm sóc thế nào trong giai đoạn bé thay răng? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Để trẻ có một hàm răng đều, không hô móm, các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc cho trẻ kĩ càng trong quá trình thay răng. Một số lưu ý bao gồm:
– Theo dõi sát quá trình mọc răng, thay răng từ răng sữa sang răng vĩnh viễn của trẻ để kịp thời phát hiện các bất thường nếu có để đưa trẻ đến nha sĩ để chữa trị.
– Không nên nhổ răng sữa khi răng chưa sẵn sàng để rụng giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng chân răng.
– Nhắc nhở bé đánh răng hàng ngày để phòng ngừa sâu răng.
– Không nên cho bé ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, dùng răng cắn vật cứng…
Trường hợp răng sữa chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã mọc dễ khiến cho trẻ dễ bị đau răng và sâu răng, đồng thời làm mất tính thẩm mỹ của hàm răng. Phương pháp tốt nhất là loại bỏ răng sữa chưa rụng, chừa chỗ cho răng vĩnh viễn phát triển. Trong thời gian này, các bậc cha mẹ nên chú ý nhắc bé vệ sinh răng miệng kĩ càng nhằm tránh hư tổn đến ổ răng vừa nhổ.
Khi nào bé bắt đầu thay răng sữa?
Có 5 mốc thời điểm bé thay răng sữa:
- 5-7 tuổi: Bé thay răng cửa giữa
- 7-8 tuổi: Bé thay răng cửa bên
- 9-10 tuổi: Bé thay răng hàm sữa thứ nhất
- 10-11 tuổi: Bé thay răng nanh sữa
- 11-12 tuổi: Bé thay răng hàm sữa thứ hai
Nguyên nhân khiến răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc
Trường hợp răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc không phải trường hợp hiếm gặp ở trẻ em. Theo các chuyên gia, cứ 10 trẻ thay răng thì có 5 trẻ gặp phải tình trạng này. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Răng vĩnh viễn mọc lệch
Đa số mọi người đều nghĩ rằng do răng sữa không chịu rụng nên làm cho răng vĩnh viễn bị mọc lệch. Tuy nhiên, sự thật lại là do răng vĩnh viễn mới đúng. Chính bởi hướng mọc của răng vĩnh viễn bị lệch vào phía trong hàm thay vì thẳng trục với răng sữa nên quá trình tiêu sinh lý của chân răng sữa không được diễn ra, khiến răng sữa vẫn mãi nằm đấy không chịu “rung rinh”.
Thói quen ăn uống
Trẻ em ngày nay đa phần rất kén ăn. Nhiều ba mẹ chiều con nên cho con ăn những thức ăn nhẹ, cắt nhỏ, nấu nhuyễn,… khiến trẻ không cần nhai. Khi răng sữa không được sử dụng nhiều sẽ không bị mài mòn và rất khó lung lay.
Trẻ bị mọc răng sữa chậm
Tuổi mọc răng vĩnh viễn khoảng từ 6-10 tuổi. Nếu bé đã quá độ tuổi này mà răng sữa vẫn chưa mọc đủ, thì răng vĩnh viễn cũng có thể mọc lên. Tuy nhiên vì chỗ trống không đầy đủ nên chúng cũng sẽ bị mọc không ngay hàng, gây mất thẩm mỹ cho trẻ nhỏ.
Răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc có nguy hiểm không?
Mất thẩm mỹ
Răng vĩnh viễn mọc lệch vào bên trong hẳn sẽ làm cho hàm răng của bé kém duyên. Điều này có thể khiến bé tự ti và mặc cảm với bạn bè khi lớn lên.
Khiến trẻ đau răng
Việc răng sữa và răng vĩnh viễn chen chúc nhau trong cùng một ổ răng sẽ khiến nướu răng bị tổn thương ít nhiều. Một số trẻ có thể cảm thấy bình thường nhưng một số trẻ sẽ thấy đau nhức do răng vĩnh viễn mọc lệch đâm vào nướu hoặc lưỡi.
Khả năng nhai kém
Hàm răng mọc lệch lạc lung tung đồng nghĩa với việc khớp cắn sẽ không được đều, khả năng nhai của bé sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng, khiến bé trở nên lười ăn hơn.
Bé dễ sâu răng
Răng mọc chen chúc khiến thức ăn rất dễ mắc kẹt, lại rất khó vệ sinh. Nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng bên trong ngóc ngách, vi khuẩn sẽ phát triển và khiến bé bị sâu răng, hư răng ngay từ khi còn nhỏ. Từ đó phải nhổ bỏ đồng thời cả răng sữa lẫn răng vĩnh viễn.
Tốn nhiều chi phí và thời gian chữa trị
Tình trạng răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc nếu ba mẹ để càng lâu sẽ càng khó khắc phục. Ba mẹ sẽ phải tốn nhiều chi phí và thời gian để chữa trị cho bé. Hơn nữa, còn khiến bé phải chịu đau đớn nhiều trong quá trình nhổ răng.
Răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc thì phải xử lý như thế nào?
Nhổ răng
Một khi đã phát hiện tình trạng này, ba mẹ nên đưa con đi nha khoa để các nha sĩ nhổ răng cho bé càng sớm càng tốt. Chỉ như vậy thì răng vĩnh viễn mới có điều kiện mọc ra ngay hàng thẳng lối. Hiện nay tại các phòng nha, hầu hết các nha sĩ đều sẽ tiến hành bôi tê trong quá trình nhổ răng nên mẹ không cần lo lắng con bị đau hay bị tổn thương gì cho xương hàm cả.
Thời gian đầu sau khi nhổ, răng vĩnh viễn có thể vẫn sẽ bị lệch nghiêng vào trong. Tuy nhiên đa số các trường hợp, các răng đều sẽ mọc ngay ngắn trở lại nhờ vào lực đẩy tự nhiên của lưỡi.
Niềng răng
Mặc dù đa số trường hợp răng bé sẽ ngay thẳng lại bình thường, tuy nhiên một số trường hợp, răng vẫn không về được vị trí như mong muốn. Lúc này, ba mẹ chỉ còn cách đợi bé thay hết răng vĩnh viễn rồi cho bé niềng răng. Việc này sẽ giúp cho răng bé về được đúng chỗ ban đầu. Đối với bé nhỏ thì việc niềng răng sẽ không gây đau đớn nhiều như người lớn do xương hàm của bé lúc này còn yếu và chưa ổn định.
Vừa rồi là những thông tin giúp ba mẹ giải quyết tình trạng răng vĩnh viễn mọc lệch của bé do răng sữa không chịu rụng. Hiện tượng này không quá nguy hiểm nên ba mẹ không cần phải lo lắng nhé. Ba mẹ có thể tham khảo thêm cách giúp bé thay răng đẹp, có hàm răng đều và nụ cười xinh tại đây để hạn chế tình trạng răng vĩnh viễn mọc lệch!
Xem thêm:
- Chăm sóc răng sữa, nếu không đúng cách sẽ làm hỏng răng con
- Phòng ngừa sâu răng cho trẻ cần thiết như thế nào?
- Lịch mọc răng của trẻ và lưu ý chăm sóc bé trong giai đoạn này
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!