Bất kỳ những bất thường nào trong thai kỳ cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Vậy ra máu khi mang thai tháng thứ 2 có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu ngay mẹ nhé!
Ra máu khi mang thai tháng thứ 2 có nguy hiểm không?
Hiện tượng ra máu khi mang thai tháng thứ 2 của thai kỳ là hiện tượng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, có khoảng 15-25% mẹ bầu gặp phải tình trạng này trong thai kỳ. Mẹ bầu có thể bị chảy máu do sang chấn khi quan hệ, do va chạm khi khám phụ khoa, hoặc ra máu một cách tự nhiên, hoàn toàn không liên quan tới bất kỳ yếu tố nào.
Ra máu khi mang thai tháng thứ 2 có phải dấu hiệu nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ chảy máu của mẹ. Đa số các trường hợp ra máu ở giai đoạn đầu thai kỳ này thường là chỉ chảy máu nhẹ hoặc lượng máu chỉ xuất hiện lốm đốm không đáng kể nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, đối với trường hợp mẹ bầu ra máu nhiều, kéo dài kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng âm ỉ hoặc đau bụng từng cơn, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt,… thì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe của thai nhi và sản phụ.
Mẹ bầu bị ra máu khi mang thai tháng thứ 2 nguyên nhân do đâu?
Ngoài những nguyên nhân do va chạm vào âm đạo gây chảy máu như quan hệ tình dục, khám phụ khoa, siêu âm đầu dò,… thì mẹ bầu bị ra máu khi mang thai tháng thứ 2 còn do một số nguyên nhân sau đây:
Nhiễm trùng vùng kín
Mang thai tháng thứ 2 bị ra máu có thể là do mẹ bầu vệ sinh vùng kín không đúng cách nên khiến cho vùng kín bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nấm ở cổ tử cung hoặc âm đạo,…
Hiện tượng này thường đi kèm với các triệu chứng khác như khí hư có mùi hôi, ngứa vùng kín, đau buốt khi đi tiểu, đau bụng,… Khi nghi ngờ mình bị viêm nhiễm vùng kín, mẹ bầu cần phải điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng đến thai kỳ.
Trứng làm tổ ở niêm mạc tử cung
Trứng khi làm tổ ở niêm mạc tử cung sẽ làm vỡ một số mạch máu ở vị trí làm tổ hoặc làm cho một phần niêm mạc tử cung bị rụng dẫn đến chảy máu vào 1 – 2 tháng đầu của thai kỳ. Đây là hiện tượng bình thường nên mẹ không cần lo lắng.
Dọa sảy thai
Hiện tượng dọa sảy thai là tình trạng thai còn sống nhưng bị bong một phần khỏi niêm mạc tử cung gây chảy máu âm đạo. Khi mẹ thấy máu chảy ra từng giọt có màu hồng hoặc đỏ nhạt kèm theo triệu chứng đau bụng và đau lưng thì nên đến bệnh viện ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Mẹ bầu bị dọa sảy thai cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, ăn nhẹ, chống táo bón. Đồng thời, bác sĩ sẽ cho mẹ sử dụng một số thuốc hormone, thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn và các thuốc giãn cơ trơn,… để dưỡng thai.
Ra máu khi mang thai tháng thứ 2 vì sảy thai
Nếu không được xử lý thành công trường hợp dọa sảy thai, mẹ bầu sẽ rất dễ tiến đến sảy thai. Với trường hợp sảy thai ở tháng thứ 2, mẹ sẽ cảm thấy đau bụng, ra máu nhiều và kéo dài cho đến khi thai tự tiêu thì lượng máu chảy ra mới dần hết.
Thai chết lưu dẫn đến tình trạng ra máu khi mang thai tháng thứ 2
Sau khi sảy thai, nếu thai không tự tiêu mà vẫn nằm lưu lại trong tử cung thì gọi là hiện tượng thai chết lưu. Ở trường hợp này, mẹ cũng bị ra máu và ngực có thể tiết sữa non nhưng không thấy thai máy, cũng không nghe thấy tim thai. Khi có dấu hiệu thai chết lưu, mẹ cần được hút thai càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Sảy thai nhiễm khuẩn
Nếu hút thai không đảm bảo vô khuẩn hoặc không lấy thai chết lưu ra sớm khỏi cơ thể, mẹ bầu sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn tử cung. Trường hợp ra ra máu âm đạo kéo dài, có mùi hôi, đôi khi có mủ và tử cung nhiễm khuẩn nặng, mẹ có thể phải cắt toàn bộ tử cung.
Thai ngoài tử cung
Thay vì làm tổ bên trong buồng tử cung, thai ngoài tử cung lại nằm ở bên ngoài tại các vị trí như vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,… Nếu không được xử lý kịp thời, thai ngoài tử cung có thể vỡ ra gây chảy máu ồ ạt bên trong bụng mẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, thậm chí là tính mạng của mẹ bầu.
Triệu chứng của thai ngoài tử cung là chảy máu âm đạo hoặc có dịch nâu lợn cợn như bã cà phê, ra rả rích nhiều lần trong ngày, có thể có triệu chứng nghén kèm theo đau bụng âm ỉ ở vùng bụng dưới.
Thai trứng
Thai trứng là hiện tượng một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch to nhỏ, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho và chiếm toàn bộ diện tích tử cung, lấn át sự phát triển của bào thai.
Có hai loại chửa trứng là chửa trứng toàn phần và bán phần, trong đó chửa trứng bán phần chiếm tỷ lệ cao hơn. Khi bị chửa trứng, mẹ sẽ bị nghén nặng hơn bình thường và chảy máu âm đạo dai dẳng trong nhiều ngày. Mẹ bầu bị thai trứng cần được loại bỏ thai trứng sớm để tránh nguy cơ chảy máu do sảy trứng.
Kết luận
Vừa rồi là những thông tin về hiện tượng ra máu khi mang thai tháng thứ 2. Ra máu khi mang thai tháng thứ 2 có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân mẹ bị ra máu và lượng máu mẹ chảy ra nhiều hay ít.
Nếu như máu chỉ ra lốm đốm thì đó là hiện tượng bình thường trong thai kỳ, mẹ không cần lo lắng. Tuy nhiên nếu máu chảy ồ ạt kèm theo những triệu chứng bất thường khác, mẹ nên đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và xử lý kịp thời nhé.
Xem thêm:
- Mang thai tháng thứ 2: Mẹ bầu cần lưu ý những điều gì?
- Đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 2 có nguy hiểm?
- Thai giáo tháng thứ 2 thế nào để bé phát triển tốt nhất?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!