Việc lựa chọn phương pháp dạy con ăn dặm và thời điểm bắt đầu luôn là nỗi niềm băn khoăn của cha mẹ khi con chuẩn bị bước vào 1 giai đoạn mới. Bước sang tháng thứ 6, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cao hơn nên sữa mẹ không còn đủ để đáp ứng cho sự phát triển của trẻ. Đây là thời điểm ba mẹ nên tập cho bé ăn dặm để làm quen dần với thức ăn khác sữa mẹ và bổ sung thêm dinh dưỡng khác cần thiết cho bé trong những giai đoạn tiếp theo.
Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi được tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé lúc này mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ. Thực tế mỗi bé sẽ phát triển thói quen ăn uống khác nhau, vì vậy không có thời điểm nào chính xác tuyệt đối để trẻ bắt đầu ăn dặm, có bé ăn sớm, có bé lại ăn muộn hơn. Mẹ có thể quan sát dấu hiệu sau từ các bé để chuẩn bị chuyện ăn dặm cho con:
Bé nhanh đói hơn
Trong những tháng đầu đời, trẻ có nhu cầu bú mẹ khoảng 2 – 3 giờ/lần. Tuy nhiên, khi sắp đạt mốc 6 tháng tuổi, khoảng cách mỗi bữa ăn thưa dần, khối lượng thức ăn tăng lên. Nếu mẹ thấy bé có biểu hiện đói sớm mặc dù bé vẫn bú đủ cữ và lượng sữa như thường ngày thì chính là lúc bé đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm.
Bé ngủ đêm không ngon giấc
Trẻ ăn đêm chủ yếu là 2 – 3 tháng đầu, sau đó thưa dần. Tuy nhiên, đến gần 6 tháng, trẻ bắt đầu lặp lại lịch sử khóc đòi ăn đêm, làm cả mẹ lẫn con nhiều đêm mất ngủ. Điều này có thể là dấu hiệu bé đang có nhu cầu bổ sung thêm nguồn thực phẩm có thể giúp trẻ ngủ xuyên đêm mà không bị cơn đói làm tỉnh giấc.
Con hứng thú với đồ ăn
Bé luôn dõi theo mỗi khi mọi người ăn uống, miệng cũng nhai nhóp nhép theo thì cũng có thể là bé đã rất muốn ăn rồi đấy. Nếu lúc này mẹ để 1 chiếc thìa gần miệng bé mà con mở miệng đón thay vì phản xạ gạt đi thì bé đã sẵn sàng ăn dặm.
Ngoài ra còn 1 số biểu hiện cho thấy con đã sẵn sàng ăn dặm như con cho bất cứ thứ gì trong tầm với vào miệng ăn thử hay bé đã ngồi vững, có thể kiểm soát tốt đầu và cổ.
Nên lựa chọn phương pháp dạy con ăn dặm nào?
Việc lựa chọn phương pháp ăn dặm như ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm truyền thống, ăn dặm bé chỉ huy (BLW)… không phải là dễ dàng khi con bước vào thời kỳ này. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy theo tính cách và thể trạng của từng bé, mẹ sẽ tìm ra phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho con yêu.
Phương pháp ăn dặm truyền thống
Ăn dặm truyền thống là phương pháp quen thuộc nhất với các bà mẹ Việt. Với kiểu ăn dặm này, mẹ sẽ đút bằng muỗng cho trẻ. Trẻ sẽ được ăn bột xay chung với các loại rau, củ, thịt cá. Khi trẻ mọc răng, mẹ sẽ cho bé chuyển sang ăn cháo với thức ăn xay nhuyễn…
Ưu điểm
- Thực đơn chế biến đơn giản, không cầu kỳ và mất nhiều thời gian.
- Thức ăn đều được xay nhuyễn nên hệ tiêu hóa của trẻ không phải hoạt động nhiều
- Trẻ ăn được và tăng cân đều đặn nên mẹ sẽ nhận được sự ủng hộ của gia đình.
Nhược điểm
- Khả năng ăn thô, phản xạ nhai và nuốt chậm hoàn thiện hơn trẻ ăn bằng phương pháp khác
- Thức ăn xay lẫn với nhau nên sẽ không phân biệt được mùi vị, dễ gây chán ăn và khó nhận biết nếu có thực phẩm gây dị ứng.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Hiện nay đây là phương pháp được nhiều bà mẹ áp dụng vì những hiệu quả mà nó mang lại. Trẻ được ăn cháo loãng sau tăng dần độ thô. Các loại thức ăn sẽ được chế biến với độ thô, độ đậm nhạt phù hợp với sự phát triển của trẻ.
Ưu điểm
- Trẻ biết ăn thô sớm, phân biệt được mùi vị của từng loại thực phẩm nên không gây tình trạng chán ăn
- Trẻ học được kỹ năng nhai và nuốt, giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn
- Tạo nếp ăn lành mạnh cho trẻ vì được cho ăn đúng giờ, ngồi đúng chỗ, không bị thúc ép khi ăn
- Khẩu phần và loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Nhược điểm
- Lượng thức ăn tiêu thụ ít nên trẻ chậm tăng cân
- Mẹ sẽ phải dành một khoảng thời gian để bé tập làm quen với chiếc ghế ăn dặm và tập cầm thìa
- Tốn nhiều thời gian trong việc chế biến từng loại thức ăn.
Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW)
Đây là phương pháp ăn dặm được các mẹ phương Tây áp dụng. Thức ăn cho bé không được xay nhuyễn mà sẽ để nguyên cho bé tự ăn hoàn toàn. Với phương pháp ăn dặm này, mẹ sẽ để lên đĩa những thực phẩm được nấu chín mềm, bày ra trước mặt để trẻ có thể cầm tay, tự bốc ăn. Mẹ chỉ là người hướng dẫn trẻ cách đưa thức ăn lên miệng và đảm bảo an toàn trong quá trình ăn dặm.
Ưu điểm:
- Phát triển được nhiều kỹ năng trong quá trình ăn dặm như cách cầm nắm, sử dụng tay, kỹ năng nhai, nuốt…
- Trẻ được lựa chọn thực phẩm yêu thích cho mình, lựa chọn lượng thức ăn vào cơ thể, phân biệt được màu sắc, mùi vị của từng loại thức ăn, giúp cho bữa ăn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn
- Mẹ không cần chế biến đồ ăn quá cầu kỳ vì trẻ có thể ăn được thực đơn gần giống với cả nhà.
Nhược điểm:
- Không quá chú trọng đến lượng và chất nạp vào cơ thể bé nên thời gian đầu sẽ khiến bé chậm lên cân hoặc chững cân
- Mẹ phải mất thời gian dọn dẹp “bãi chiến trường” bé bày ra
- Ngay từ đầu bé đã được cho ăn thô nên dễ bị hóc, nghẹn, rối loạn tiêu hóa…
Thay lời kết
Mỗi cách cho trẻ ăn dặm đều có những ưu và nhược điểm riêng. Dù lựa chọn phương pháp dạy con ăn dặm nào thì cha mẹ cũng cần phải chuẩn bị thật tốt và theo dõi nhu cầu dinh dưỡng của con để có những đáp ứng thích hợp. Khi cho trẻ ăn dặm phải đảm bảo các tiêu chí: thức ăn dặm phù hợp với từng tháng tuổi và có đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu (chất đạm – chất bột – chất béo – vitamin và khoáng chất) để bé có thể hấp thu và phát triển toàn diện nhất.
Xem thêm
- Ăn dặm: những gì bé có thể và không thể ăn trong độ tuổi ăn dặm?
- Ăn dặm kiểu Nhật – bí quyết truyền tay của các mẹ bỉm sữa
- Trẻ 6 tháng tuổi – Mẹ đã chuẩn bị cho giai đoạn bắt đầu ăn dặm của con?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!