Trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu thường đứng trước nguy cơ mắc rất nhiều bệnh, một trong số đó là tay chân miệng. Bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Cha mẹ biết cách phòng bệnh tay chân miệng có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho con.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi rút cấp tính đường ruột nhóm enterovirus gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở nhũ nhi và trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Bệnh có 2 thể:
– Thể nhẹ: do virus Coxsackievirus A16 gây ra, có thể tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày mà không cần điều trị. Dạng này chiếm tỉ lệ phổ biến ở các ca mắc bệnh.
– Thể nặng: do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra, rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời, dễ dẫn đến tử vong. Dạng bệnh này cũng thường để lại những biến chứng như các vấn đề về thần kinh, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, ảnh hưởng hệ hô hấp.
Ở nước ta, bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3 – tháng 5 và tháng 9 – tháng 10.
Cách nhận biết trẻ bị tay chân miệng
Có một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh mà cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra ở trẻ là sốt, đau họng, tăng tiết nước bọt, quấy khóc nhiều, bỏ ăn, nôn. Đặc biệt, xuất hiện tổn thương niêm mạc miệng và da thể hiện qua các nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Cần lưu ý rằng những trẻ sốt nhưng dễ hạ sốt thì thuộc dạng bệnh thể nhẹ. Còn nếu khó hạ sốt, kèm theo giật mình và quấy khóc dai dẳng thì rất có thể trẻ đã nhiễm dạng bệnh thể nặng.
Một số người thường nhầm bệnh tay chân miệng với thủy đậu. Trên thực tế thì 2 bệnh này có nhiều điểm khác nhau:
- Các nốt ban thủy đậu thường xuất hiện ở thân sau đó lan toàn thân và tay chân, đầu, mặt kèm theo ngứa rất khó chịu còn các nốt ban tay chân miệng thì không gây ngứa, xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông, bỏng nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng khiến bé sợ ăn, bỏ ăn.
- Thủy đậu thường xuất hiện vào mùa xuân trong khi bệnh tay chân miệng tập trung nhiều vào tháng 3 – tháng 5 và tháng 9 – tháng 10.
Làm gì khi trẻ bị mắc tay chân miệng?
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thể nhẹ có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày nhưng nếu bị thể nặng thì rất nguy hiểm. Cha mẹ cần chú ý:
- Cách ly trẻ với người khác để tránh lây bệnh.
- Lưu ý xử lý chất thải của bé một cách hợp vệ sinh.
- Khử khuẩn, dùng găng tay, khẩu trang tránh bị truyền nhiễm mầm bệnh.
- Cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ các nhóm chất ở dạng mềm, dễ tiêu hóa.
- Không cho trẻ ăn đồ ăn cay nóng hoặc chua để tránh tác động lên các vết lở ở niêm mạc miệng trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh các món đồ chơi, vật dụng, đồ dùng của trẻ và những nơi mà trẻ tiếp xúc để tránh lây bệnh.
- Vệ sinh tay chân trước và sau khi chơi cùng trẻ.
- Không để trẻ gãi, chọc vào bọng nước trên da.
- Không dùng muối, chanh hay bất cứ loại thuốc liền da, chống viêm nào để giảm nổi mẩn ngứa mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và đánh giá đúng về tình trạng bệnh. Căn cứ vào tình hình thực tế của trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp nhất cho trẻ.
Phòng bệnh cho trẻ như thế nào?
Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan. Người lớn cần chú ý:
- Luôn giữ vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ đồng thời tạo thói quen này cho trẻ.
- Đảm bảo chế độ ăn chín, uống chín, hợp vệ sinh, cho trẻ ăn uống khoa học, không mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ bằng miệng.
- Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, các vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, các loại đồ chơi… chưa được khử trùng.
- Mọi đồ dùng cần phải sạch sẽ và hợp vệ sinh. Lau sạch đồ chơi, những bề mặt mà trẻ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà…
- Nếu nghi ngờ có mầm bệnh hoặc nơi có mầm bệnh thì không cho trẻ tiếp xúc bởi nguồn lây bệnh là do tiếp xúc với dịch tiết mũi hoặc đờm, nước bọt hay chất lỏng từ mụn của người bị bệnh.
Xem thêm:
- BỆNH TAY CHÂN MIỆNG ; 6 điều bác sĩ khuyên cha mẹ nên biết
- Tưởng con chỉ bị sốt và đau chân, ai ngờ bé 4 tuổi lại bị mắc căn bệnh nhiễm trùng máu đáng sợ
- Cách phòng bệnh hô hấp cho con đơn giản nhưng hiệu quả khi giao mùa