Phản xạ của trẻ sơ sinh là phản xạ không điều kiện, xuất hiện ngay sau khi sinh. Mỗi trẻ có một cách phát triển khác nhau. Tuy nhiên, những phản xạ đầu đời thì tất cả các trẻ đều phải có.
- 6 phản xạ của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời
- Khi nào cần hỏi ý kiến bác sĩ về phản xạ trẻ sơ sinh
6 phản xạ của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời
Tìm vú mẹ
Đây chính là phản xạ đầu đời của bé, chỉ cần quan sát bạn sẽ thấy trẻ hay chu miệng để tìm vú mẹ. Chỉ cần chạm nhẹ vào má trẻ bên nào thì trẻ sẽ phản xạ quay đầu về bên đó rồi tự động há miệng ra. Nhờ phản xạ này, trẻ có thể định vị được ngực mẹ hoặc vị trí núm bình sữa bạn định cho trẻ bú. Phản xạ tìm vú mẹ càng hiệu quả hơn lúc trẻ đang thức và đang đói.
Phản xạ mút
Từ tuần thai thứ 12 trong bụng mẹ, trẻ đã có phản xạ mút. Đây chính là một trong những phản xạ trẻ sơ sinh đầu đời giúp trẻ bú được sữa non ngay khi mới được sinh ra.
Phản xạ của trẻ sơ sinh: phản xạ Moro
Phản xạ này dễ hiểu hơn chính là phản xạ giật mình, thường tồn tại cho đến khi trẻ được 5 tháng tuổi. Khi bị kích thích đột ngột, trẻ thường giật mình với biểu hiện như sau: Cánh tay trẻ thẳng ra 2 bên, ngón tay mở kéo dài rồi uốn cong trở lại, chân duỗi thẳng, lưng cong lên, thậm chí trẻ còn cố gắng kéo đầu chạm về phía vùng ngực.
Đây là cách trẻ tự đông “phòng vệ” với một số nguy hiểm có thể xảy ra với mình. Phản xạ giúp bác sĩ khá hiệu quả khi muốn kiểm tra sự phát triển của não bộ cũng như chuyển động chân và tay bé có đều giữa hai bên không.
Phản xạ bước đi tự động
Dù chân trẻ chưa đủ khỏe để nâng được người đứng lên. Nhưng nếu bạn thử giữ người trẻ rồi cho chân trẻ chạm đất hay bề mặt cứng, bạn sẽ thấy trẻ sẽ đưa một chân ra trước và cố gắng bước đi. Trẻ sẽ kiếng chân, nhấc chân lên như muốn bước. Thậm chí trẻ sẽ có thể đi từng bước kiểu chân nọ nối tiếp chân kia theo người lớn.
Đây chỉ là một phản xạ thông thường của trẻ và không có khả năng dự báo ngày trẻ biết đi thực sự.
Phản xạ cầm nắm
Khi bạn thử cho một ngón tay của bạn vào lòng bàn tay trẻ, trẻ sẽ tự động nắm chặt lại. Còn nếu bạn thử sờ vào lòng bàn chân trẻ, các ngón chân sẽ tự động co quắp lên. Những trẻ khỏe mạnh sẽ nắm tay rất chặt. Đây cũng là cách để bác sĩ kiểm tra sức khỏe trẻ sơ sinh.
Phản xạ tự vệ
Nếu thử quay cổ trẻ sang bên trái khi trẻ đang nằm ngửa, bạn sẽ thấy chân và tay trái trẻ sẽ duỗi ra, còn phía bên kia cong lại để tự bảo vệ mình khỏi ngã. Phản xạ này giúp trẻ an tâm hơn khi quay ngang, quay ngửa.
Khi nào cần hỏi ý kiến bác sĩ về phản xạ của trẻ sơ sinh
Những phản xạ này chỉ xuất hiện giai đoạn đầu khi trẻ mới sinh và mất dần khi lớn lên. Trẻ lớn rồi mà vẫn có các phản xạ này thì chứng tỏ đang có bệnh lý về thần kinh. Còn người trưởng thành thì những phản xạ trên chỉ xuất hiện khi não bị tổn thương và đột quỵ.
Trẻ sơ sinh nào mà thiếu một trong những phản xạ này, bố mẹ hãy đưa con đi khám. Vì theo các bác sĩ, thiếu phản xạ chỉ do trẻ có vấn đề về thần kinh như bại não, chấn thương não.
Đôi khi hệ thần kinh đang phát triển của trẻ không làm thay đổi được những phản xạ tự nhiên này, trẻ có thể tiếp tục các phản xạ trên sau mốc thời gian gợi ý. Đây cũng có thể là dấu hiệu trẻ bị vấn đề về thần kinh, ảnh hưởng đến học tập và phát triển về sau.
Một số nguyên nhân khiến trẻ giữ lại một số phản xạ lâu hơn thời gian gợi ý như khi sinh bị chấn thương, chấn thương đầu, trốn lẫy, và dành quá nhiều thời gian trong xe đẩy hoặc những nơi khiến trẻ bị hạn chế cử động.
Điều quan trọng để trẻ sơ sinh phát triển bình thường chính là được tạo nhiều cơ hội để di chuyển, khám phá môi trường xung quanh.
Trên đây là 6 phản xạ trẻ sơ sinh nào cũng phải có. Bố mẹ cần theo dõi các phản xạ đầu đời này để đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị ngay.