Những dấu hiệu thai yếu mẹ mang thai lần đầu nên biết
Nhận biết những dấu hiệu thai yếu sẽ giúp mẹ có đầy đủ kiến thức theo dõi em bé trong bụng. Ai mà chẳng mong con mình luôn khoẻ mạnh. Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện đều suôn sẻ như mình mong đợi. Nếu mẹ mới mang thai, đặc biệt là giai đoạn đầu. hãy để ý những dấu hiệu sau:
1. Chiều cao (bề cao) của tử cung
Theo dõi và xác định chiều cao tử cung sẽ giúp cho bác sĩ xác định nếu tử cung của mẹ bầu có phát triển hay không. Thông thường sau 16 tuần, chiều cao tử cung sẽ đồng đều với sự phát triển của bào thai.
Nếu chiều cao không đạt được mức mong muốn, có khả năng thai kỳ của bạn đang có vấn đề. Nguyên do có thể là nước ối quá nhiều hoặc ít, hay thai ngôi mông. Trong trường hợp xấu nhất, đây có nghĩa là thai nhi đang không phát triển.
2. Thiếu hoặc không nghe tim thai
Bạn sẽ bắt đầu nghe được tim của thai nhi từ tuần thứ 5. Nhưng thường đến tuần thứ 10 thì việc nhận biết tim thai mới trở nên dễ dàng hơn. Đôi khi, bác sĩ sẽ khó nghe được tim thai do bé thay đổi vị trí hoặc đang có vấn đề về nhau thai. Trong trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ gợi ý bạn tái khám để kiểm tra tim thai một lần nữa.
Nếu vẫn không thể dò được tim thai, xét nghiệm siêu âm có thể được tiến hành để tìm ra lý do. Và tim thai không đập hay đập yếu là một trong những dấu hiệu thai yếu hoặc không còn sự sống.
3. Hội chứng thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR)
IUGR là hội chứng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, xảy ra ở khoảng 3-5% trường hợp mang thai. Các em bé mắc IUGR sẽ vẫn có thể phát triển rất tốt, miễn là khi sinh ra không có vấn để gì bất thường. Ngoài việc sinh ra kích thước bé nhỏ thì mọi thứ vẫn bình thường và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, em bé bị chứng IUGR cũng có khả năng gặp những rủi ro nhất định về sức khoẻ.
4. Nồng độ hCG thấp
hCG là một loại hormone được sản xuất bởi nhau thai trong thai kỳ. Mức độ hCG gọi là bình thường sẽ khác nhau ở từng mẹ bầu nên đừng vội lo lắng nếu hCG thấp. Nhưng nồng độ hCG thấp là một dấu hiệu mang thai yếu và có thể dẫn đến những rủi ro trong thai kỳ. Ví dụ như sẩy thai, không có phôi thai (trứng trống), mang thai ngoài tử cung,..
5. Tần suất chuột rút cao
Mang thai thường đi kèm với tình trạng chuột rút. Tuy nhiên, nếu mức độ chuột rút thường xuyên và đau nhiều thì cũng là một cảnh báo của cơ thể mà mẹ bầu nên chú ý. Trong thời kỳ đầu thai kỳ, chuột rút có thể là dấu hiệu của lưu lượng máu kém.
6. Chảy máu trong thai kỳ
Thời gian đầu khi mang thai, nhiều chị em sẽ xuất hiện vài đốm máu nhỏ, hay còn được biết là máu báo thai. Nhưng máu báo thai chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Nếu bạn thấy tình trạng này kéo dài, hãy đi gặp bác sĩ ngay. Vì chảy máu có thể là dấu hiệu của sẩy thai, mang thai ngoài tử cung,….
7. Đau lưng
Một em bé đang phát triển trong cơ thể có thể gây ra nhiều căng thẳng cho cột sống và lưng dưới. Điều này khiến cho nhiều mẹ bầu bị đau lưng. Nhưng nếu cơn đau trở nên tồi tệ thì cũng là dấu hiệu thai kỳ có vấn đề.
8. Ra khí hư khi mang thai
Thay đổi về hormone khi mang thai dẫn đến dịch âm đạo tiết ra khá thường xuyên. Bình thường khí hư có màu trong suốt hay trắng ngà và không có mùi hôi.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy dịch tiết màu vàng hoặc hơi xanh có mùi nồng nặc, thì bạn phải đi gặp bác sĩ ngay. Đó có thể là do bệnh viêm cổ tử cung, cho thấy dấu hiệu thai yếu hoặc thậm chí sẩy thai.
9. Ngưng ốm nghén đột ngột
Ốm nghén là một triệu chứng phổ biến mà mẹ bầu gặp phải, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nhưng nếu các triệu chứng này đột nhiên biến mất mà không rõ nguyên nhân cần phải nhanh chóng đi kiểm tra vì đây có thể là dấu hiệu thai chết lưu. Hoặc do nồng độ hCG thấp, dẫn đến sẩy thai.
10. Sốt cao
Thân nhiệt phụ nữ mang thai nóng hơn bình thường, nhưng khi sốt cao quá 38 độ là dấu hiệu thai yếu rất nguy hiểm. Nguyên nhân gây sốt thông thường là do bệnh nhiễm trùng, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi nếu không điều trị kịp thời.
11. Kích thước vòng một thay đổi
Cơ thể người phụ nữ trải qua vô số thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai. Vòng một cũng phải trải qua một sự thay đổi và sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Kích thước ngực sẽ tăng lên trong 9 tháng 10 ngày. Tuy nhiên, kích thước ngực giảm đột ngột có thể báo hiệu sảy thai.
12. Không có chuyển động của thai nhi
Thai phụ có thể bắt đầu cảm nhận được chuyển động của bé trong bụng bắt đầu ở tuần thứ 18. Bạn hãy theo dõi phản ứng của bé trong bụng để biết và hiểu được con. Bỗng dưng thấy tần suất “quậy” của bé giảm, có khả năng bé có vấn đề.
13. Lượng đường huyết tăng đột ngột
Lượng đường trong máu và huyết áp tăng là điều hay gặp trong thai kỳ. Nhưng nếu lượng đường và huyết áp cao tăng đột ngột có thể dẫn đến tiền sản giật và có thể gây ra chuyển dạ sinh non.
Hãy chú ý đến những dấu hiệu thai yếu ở trên để có thể can thiệp kịp thời. Tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi bạn có một chút nghi ngờ hoặc cảm thấy có gì đó không ổn.
Xem thêm:
- Biến chứng thai kỳ các mẹ bầu cần theo dõi!
- TẮC MẠCH ỐI – Biến chứng thai kỳ mẹ bầu tuyệt đối đừng bỏ qua
- Cân nặng của thai nhi – Cảnh báo thừa và thiếu cân khi nào?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!