Các nhóm kháng sinh thường dùng cho trẻ hiện nay là những nhóm kháng sinh nào? Tác dụng chính của những loại thuốc này là gì? Ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bố mẹ cũng nên dành thời gian tìm hiểu thêm để có thể yên tâm cho bé uống thuốc và sớm hồi phục sức khỏe.
Nội dung bài viết:
- Kiến thức cơ bản về thuốc kháng sinh
- Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh cho trẻ
- Kháng sinh nhóm Beta – Lactam
- Kháng sinh nhóm Quinolon
- Nhóm Macrolid
- Nhóm kháng sinh thường dùng Lincosamid
- Nhóm Sulbactam
Kiến thức cơ bản về thuốc kháng sinh cha mẹ cần biết
Kháng sinh là những chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ các chủng vi sinh vật được bán tổng hợp hoặc tổng hợp hóa học. Với liều lượng thích hợp, thuốc kháng sinh có tác dụng kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển hoặc tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh.
Bạn có thể chưa biết:
Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy: Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này
Các nhóm kháng sinh và cơ chế tác dụng:
- Kháng sinh phổ rộng có khả năng tiêu diệt được nhiều chủng vi khuẩn.
- Kháng sinh phổ hẹp chỉ có thể ngăn chặn sự phát triển của 1 loại vi khuẩn duy nhất.
Theo các chuyên gia, kháng sinh là 1 loại thuốc có tác dụng tích cực trong điều trị y tế nhưng chỉ có hiệu quả đối với những loại bệnh do vi trùng gây ra, hoàn toàn không có tác động đối với những loại bệnh do virus (ví dụ sốt siêu vi). Vì vậy, cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị các loại bệnh. Việc lạm dụng và tự ý dùng kháng sinh bừa bãi có thể để lại những hậu quả khôn lường.
- Phần lớn các nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt được chữa bằng thuốc kháng sinh đường uống.
- Một số thuốc kháng sinh dùng cho mắt, tai được sử dụng bằng dung dịch, nhỏ giọt.
- Đối với những nhiễm khuẩn nặng sẽ phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc có khi qua đường truyền dịch.
Một số lưu ý để sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ đúng cách
Việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh cho trẻ trong nhiều trường hợp là cần thiết nhưng cần phải được chỉ định một cách khoa học để giúp bé nhanh khỏi bệnh mà không gây biến chứng xấu về sau. Các bác sĩ luôn đưa ra những khuyến cáo quan trọng đối với các bậc cha mẹ về nguyên tắc dùng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ:
- Chỉ dùng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm vi khuẩn tức là đã qua thăm khám, xét nghiệm cụ thể đồng thời phải dùng thuốc đúng liều, đúng cách và lựa chọn kháng sinh an toàn
- Không dùng lại thuốc còn thừa
- Tuân thủ đúng thời gian điều trị
- Không được đưa thuốc kháng sinh của trẻ này cho trẻ khác uống
- Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, khi đã uống thuốc thì không được tự ý ngừng thuốc khi thấy con khỏe hơn sau vài ngày
- Kháng sinh cũng tấn công vi khuẩn đường ruột có lợi cho cơ thể nên ba mẹ cần chú ý bổ sung lợi khuẩn hoặc sữa chua cho bé để tăng cường lượng vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy thì nên thông báo cho bác sĩ
- Bổ sung thêm nước, hoa quả, nước ép hoa quả để duy trì lượng nước của cơ thể bé khi dùng kháng sinh
- Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, dễ tiêu, tránh dầu mỡ…
Kháng sinh nhóm Beta – Lactam
Trong phân loại nhóm kháng sinh, đây là 1 loại kháng sinh có phạm vi rộng, bao gồm tất cả các tác nhân kháng sinh có chứa nhân Lactam trong cấu trúc phân tử. Hầu hết các kháng sinh Beta – Lactam hoạt động theo cơ chế ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Do đó, nhóm kháng sinh sở hữu cấu trúc Beta – Lactam gồm 4 phân tử cyclic amide hiện đang là nhóm kháng sinh chiếm ưu thế trong trị liệu nhiễm khuẩn.
Trong mỗi nhóm kháng sinh, sự khác biệt giữa các đặc tính dược động học, độ an toàn, thời gian thử nghiệm sẽ là căn cứ để lựa chọn loại thuốc hợp lý, đại diện cho nhóm đó. Khi vòng Beta – Lactam liên kết với 1 cấu trúc khác sẽ hình thành các phân nhóm lớn tiếp theo.
Họ Penicillin
Phân nhóm: Penicillin là 1 trong các nhóm kháng sinh diệt khuẩn bao gồm 4 loại: Penicillin G, Penicillin V, Penaine Penicillin, Penicillin Benzathine.
Dạng bào chế: Thuốc tiêm, viên nang, viên nén.
Thành phần: Hoạt chất penicillin là hoạt chất chính kết hợp cùng 1 số thành phần khác.
Chỉ định trong điều trị bệnh lý ở trẻ em
- Điều trị các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm gây hại
- Nhiễm trùng máu
- Nhiễm trùng xương khớp cấp tính
- Viêm phổi
- Viêm màng não.
Chống chỉ định: Không sử dụng Penicillin cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với 1 số thành phần có trong thuốc hoặc trẻ em bị bệnh hen suyễn, bệnh thận, rối loạn đông máu, đi ngoài ra máu.
Cách dùng:
- Đơn thuốc chỉ định viên nang: bệnh nhân cần uống với nhiều nước để quá trình hấp thụ thuốc được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Sử dụng thuốc trước và sau khi ăn.
- Đối với thuốc tiêm: thực hiên tiêm vào tĩnh mạch, bắp thịt bởi các bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên môn.
Tác dụng phụ: Khi sử dụng các loại thuốc có chứa Penicillin, có thể xuất hiện 1 số tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, đau đầu, tưa miệng… Những tác dụng phụ này sẽ nhanh chóng biến mất trong những ngày tiếp theo. Khi gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn, cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay với bác sĩ để có cách xử ký kịp thời.
Liều lượng cho trẻ em: Tùy vào từng đối tượng, độ tuổi để sử dụng thuốc đúng với liều lượng. Đối với trẻ em, liều lượng còn phụ thuộc vào cân nặng.
Họ Cephalosporin
Thành phần: Cephalosporin là thuốc kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Beta – Lactam, được hình thành từ phương pháp bán tổng hợp. Quá trình thay đổi các nhóm thế sẽ dẫn đến thay đổi đặc tính và tác dụng sinh học của thuốc.
Tác dụng: Cephalosporin có tác dụng diệt khuẩn và hoạt động tương tự như Penicillin, nhưng hoạt tính mạnh hơn, giúp ức chế sự tổng hợp tế bào vi khuẩn.
Phân loại: Các Cephalosporin bán tổng hợp tiếp tục được chia thành 4 thế hệ. Sự phân chia này không căn cứ trên cấu trúc hóa học mà chủ yếu dựa vào phổ kháng khuẩn của kháng sinh. Xếp theo thứ tự, các thế hệ trước tác dụng trên vi khuẩn gram dương mạnh hơn, nhưng với gram âm thì yếu hơn các thế hệ sau và ngược lại.
Chỉ định: Tùy theo từng bệnh lý, thuốc Cephalosporin từ thế hệ 1 đến thế hệ 4 được chỉ định điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn thông thường do vi khuẩn nhạy cảm như:
- Viêm tai giữa
- Nhiễm khuẩn hô hấp (viêm phổi) và tai mũi họng (viêm amidan)
- Viêm đường tiết niệu, sinh dục
- Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, răng.
Tác dụng phụ:
- Dị ứng penicillin
- Ngứa, ban da
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Bạn có thể chưa biết:
Nuôi con không kháng sinh – Khi nào con bệnh mà không cần đến kháng sinh?
Trẻ dùng kháng sinh – Nếu không muốn con ung thư, mẹ hãy thông thái!
Kháng sinh nhóm Quinolon
Các kháng sinh nhóm Quinolon không có nguồn gốc tự nhiên, toàn bộ được sản xuất bằng tổng hợp hóa học. Tuy cùng nhóm nhưng mỗi loại thuốc kháng sinh thuộc họ Quinolon lại có phổ tác dụng không hoàn toàn giống nhau.
Chỉ định
Căn cứ vào phổ kháng khuẩn, Quinolon tiếp tục được phân loại thành các thế hệ 1, 2, 3, 4. Trong đó các loại kháng sinh thế hệ mới có phổ kháng khuẩn rộng, hấp thu qua đường uống tốt, dễ thâm nhập mô, dược động học thuận lợi, có hiệu quả lâm sàng cao hiện đang được sử dụng phố biến trong điều trị các bệnh nhiễm trùng.
- Thuốc Quinolon thế hệ 1: Do phổ kháng khuẩn ở mức trung bình nên chỉ được chỉ định cho điều trị các nhiễm khuẩn tiết niệu chưa có biến chứng. Các thuốc này hiện nay đều hạn chế vì kháng thuốc nhiều.
- Quinolon thế hệ 2: Thường dùng trong nhiễm khuẩn tiết niệu – sinh dục không hoặc có biến chứng. Ngoài ra một số trường hợp cũng có thể dùng trong nhiễm khuẩn da – mô mềm.
- Tác dụng của Quinolon thế hệ 3: Phổ kháng khuẩn đã mở rộng trên vi khuẩn gram dương và vi khuẩn không điển hình nên có thể dùng trong nhiễm khuẩn hô hấp như viêm phổi, viêm xoang cấp, đợt cấp của viêm phế quản mạn.
- Quinolon thế hệ 4: Điều trị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, ổ bụng, vùng chậu.
Thận trọng khi dùng kháng sinh Quinolon
Không nên dùng thuốc kháng sinh nhóm Quinolon cho trẻ em dưới 16 tuổi nếu không thật sự cần thiết. Chỉ sử dụng kháng sinh này cho trẻ nếu không còn sự lựa chọn nào khác.
Kháng sinh nhóm Macrolid
- Macrolid là nhóm thuốc kháng sinh có vòng lacton từ 12 – 17 nguyên tử cacbon hay được dùng trong điều trị với tên thuốc là Erythromycin.
- Hiện nay, trên thị trường, nhóm kháng sinh thường dùng này có rất nhiều biệt dược dạng uống rất thông dụng, thường được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản), nhiễm khuẩn da, mô mềm…
- Đối với các vi khuẩn đã kháng Penicillin thì Macrolid là nhóm kháng sinh được lựa chọn để thay thế.
- Dạng thuốc hay dùng là viên nén, viên nang để uống. Dạng tiêm chỉ để dùng trong bệnh viện. Cần chú ý nguy cơ tương tác thuốc, đặc biệt với các thuốc kháng histamin.
- Đây là thuốc có nhiều biệt dược đắt tiền nên các bác sĩ cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng để giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
- Tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng sinh này thường gặp nhất là trên đường tiêu hoá: gây buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy (gặp khi dùng đường uống), viêm tĩnh mạch huyết khối (khi tiêm tĩnh mạch). Đặc biệt lưu ý, nhóm thuốc kháng sinh này bị chuyển hoá mạnh khi qua gan nên có thể gây viêm gan hoặc ứ mật. Những tác dụng phụ khác như gây dị ứng da (ban da, mẩn ngứa) hoặc sốc quá mẫn cũng gặp với nhóm kháng sinh này.
Nhóm kháng sinh thường dùng Lincosamid
- Nhóm kháng sinh này bao gồm hai thuốc là Lincomycin và Clindamycin, trong đó Lincomycin là kháng sinh tự nhiên, Clindamycin là kháng sinh bán tổng hợp từ Lincomycin.
- Điều trị các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn (đặc biệt là khuẩn kỵ khí) gây bệnh ở tai mũi họng, phế quản, da, xương, sinh dục, ổ bụng sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn huyết, áp xe phổi, mụn nhọt có biến chứng…
- Trong trường hợp nhẹ, thuốc có tác dụng không mong muốn là gây rối loạn tiêu hoá (buồn nôn, tiêu chảy) và dị ứng ngoài da.
- Chống chỉ định sử dụng nhóm kháng sinh thường dùng này đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc, suy gan thận, phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ sơ sinh.
Kháng sinh nhóm Sulbactam
- Sulbactam là kháng sinh nhóm Beta – Lactam có tác dụng ức chế Beta -lactamase. Đây là chất có cấu trúc tương tự Beta – Lactam nhưng có hoạt tính kháng khuẩn rất yếu, vì vậy không dùng đơn độc trong lâm sàng. Sulbactam dùng phối hợp với nhóm Penicillin để mở rộng phổ tác dụng của Penicillin với các vi khuẩn tiết ra Beta lactamse như vi khuẩn ruột, E.coli, tụ cầu và 1 số vi khuẩn kỵ khí.
- Kháng sinh nhóm Sulbactam hiện có sẵn trong các sản phẩm kết hợp với Ampicillin dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, niệu đạo, mô mềm, ổ bụng…gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm, nhất là các chủng Beta lactamase.
- Liều dùng của Sulbactam được tính theo liều của Ampicillin phối hợp với nó.
- Chống chỉ định với các bệnh nhân mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Tác dụng không mong muốn thường gặp: rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy.
Tạm kết
Nhiều phụ huynh tin rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên cứ bị bệnh là dùng kháng sinh. Việc uống thuốc kháng sinh không đúng cách có thể làm cơ thể trẻ mất đi khả năng phòng chống bệnh tật bẩm sinh vốn có, tạo cơ hội cho vi khuẩn thích nghi và có thể trở thành các chủng kháng thuốc về sau. Chính vì vậy, liều thuốc hiệu quả nhất trong quá trình chăm sóc trẻ đó là sự hiểu biết của cha mẹ. Chúc các bé luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!
Xem thêm
- 10 loại thuốc gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh
- 5 điều mẹ cần nhớ kỹ khi cho con uống thuốc những lúc trẻ bị ốm
- Khi nào nên cho trẻ uống kháng sinh mẹ biết chưa?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!