Nhổ răng sữa cho bé có nên tự nhổ hay áp dụng các mẹo nhổ răng cho bé ngay tại nhà? Như các bậc phụ huynh đã biết, thời điểm thay răng của các con là giai đoạn chuyển giao thay thế răng sữa sang răng vĩnh viễn bắt đầu từ khoảng 6-12 tuổi. Vậy khi con thay răng các ba mẹ có nên tự nhổ răng cho bé tại nhà hay đi gặp nha sĩ sẽ tốt hơn? Những lời khuyên dưới đây của các bác sĩ nha khoa sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về điều này!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu, Founder và CEO của Nha khoa Assuré, Thạc sĩ Cấy ghép tại Loma Linda University và Viện gIDE, LA, Hoa Kỳ, Thành viên của Hội Cấy ghép Quốc tế.
Có cần nhổ răng sữa cho bé không hay nên để răng tự rụng?
Về cơ bản, răng sữa của trẻ thường sẽ tự rụng để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, răng sữa khi đã đến tuổi thay mà vẫn không tự lung lay và tự rụng đi được trong khi răng vĩnh viễn đã bắt đầu xuất hiện thì đòi hỏi cần có sự trợ giúp từ bên ngoài. Nếu không sớm can thiệp, sự hiện diện kéo dài của răng sữa sẽ khiến cho răng vĩnh viễn mọc sai lệch, hàm răng của bé sau này khó có thể đều và đẹp được.
Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu chia sẻ về thông tin này như sau: “Giai đoạn thay răng (Mixed-Dentition) của trẻ sẽ bắt đầu khi các răng sữa (vùng răng cửa) lung lay ở thời điểm đầu của quá trình thay răng là 6 tuổi trở đi. Ba mẹ có thể thấy các bé có xu hướng nhức, ngứa chân răng sữa và răng lung lay nhẹ. Ở tình trạng này, nên cho bé đi thăm khám nha sỹ và có thể cân nhắc chụp một phim 2D panorama toàn hàm để chẩn đoán và tìm hiểu hết các răng sữa đang trong quá trình thay răng.
Khi đã chẩn đoán và phân tích xong, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thời điểm nào thì nên nhổ sớm hay trì hoãn. Cụ thể hơn, có một số trường hợp các chân răng sữa không bị tiêu và thân răng vĩnh viễn không mọc ra đúng hướng thì bác sĩ sẽ khuyên cân nhắc theo dõi và can thiệp nhổ sớm để đảm bảo yếu tố răng vĩnh viễn không bị mọc lệch.”
Răng bé mới lung lay có nên nhổ luôn không?
Một chiếc răng sữa lung lay thường mất đến vài tháng trước khi rụng. Khoảng thời gian này được xem như thời gian để răng vĩnh viễn chuẩn bị để mọc. Trong trường hợp răng vĩnh viễn chưa mọc và răng sữa mới lung lay ít thì lời khuyên của các nha sĩ dành cho ba mẹ là không nên nhổ.
Do nếu nhổ luôn, răng vĩnh viễn sẽ không kịp mọc. Điều này có thể sẽ dẫn tới các tình trạng như răng vĩnh viễn khó mọc hơn, khi mọc bị xô lệch. Thêm vào đó, việc nhổ răng sữa sớm sẽ gây sự đau đớn không ít cho trẻ em. Đồng thời, việc nhai thức ăn và khả năng phát âm của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Ba mẹ có nên tự nhổ răng sữa cho trẻ tại nhà?
Không ít ba mẹ nghĩ rằng việc nhổ răng sữa cho bé là công việc đơn giản và ít nguy hại. Tuy nhiên nếu có điều kiện, ba mẹ vẫn nên đưa trẻ đi nhổ răng tại các cơ sở y tế chuyên môn có uy tín sẽ tốt hơn.
Lý do là vì trẻ nhổ răng tại nhà có thể đối mặt với những nguy cơ như:
- không nhổ hết toàn bộ răng
- gây chảy máu tại vùng nhổ răng kéo dài
- vùng răng của trẻ có thể bị nhiễm trùng do không sát khuẩn dụng cụ hay không vệ sinh tay sạch trước khi nhổ răng
- trẻ nuốt phải chiếc răng vừa nhổ do thao tác nhổ không phù hợp
- con dễ bị ám ảnh nếu việc nhổ răng khiến trẻ đau đớn
Ngoài ra với những trẻ mắc bệnh nên như bệnh tim mạch, gan, … cũng không nên nhổ răng tại nhà bởi những trẻ này thường có nguy cơ bị nhiễm trùng cao và khó kiểm soát khả năng cầm máu sau khi nhổ răng.
Một lưu ý nữa là với các mẹo nhổ răng cho bé như dùng chỉ buộc vào răng để nhổ khi chiếc răng lung lay, ba mẹ cũng cần hết sức cẩn thận. Đã có nhiều trường hợp răng được nhổ chỉ bị gãy phần thân răng trong khi chân răng vẫn còn kẹt lại trong xương ổ răng. Việc nhổ răng bằng chỉ không dứt khoát cũng sẽ gây cảm giác đau nhức nhiều hơn cho bé.
Dưới đây là một vài lời khuyên từ chuyên khoa nha khoa trẻ em, Bác sĩ Hoàng Hiếu – Nha Khoa Assure Dental.
Tốt nhất ba mẹ nên thực hiện sau khi đã có thăm khám lần đầu với bác sĩ. Ba mẹ đã có hình ảnh và chẩn đoán quá trình thay răng của bé thì mới giúp bé tự nhổ răng tại nhà. Dưới đây là một vài lưu ý nhỏ để việc nhổ răng sữa cho bé đảm bảo an toàn và vô khuẩn:
- Cho bé tự lung lay chiếc răng bằng lưỡi hay bằng tay sạch để chân răng dễ nhổ hơn. Bé chủ động tự biết cách làm cho phù hợp với bản thân mình thì sẽ an toàn hơn, thoải mái hơn.
- Nếu thất bại, hãy giải thích cho trẻ hiểu và hợp tác. Tuyệt đối không làm trẻ hoảng sợ với các động tác thô bạo.
- Rửa tay bằng nước và xà phòng, lau khô với khăn sạch trước khi đụng chạm vào răng của con.
- Cầm thân răng với một miếng gạc sạch và dùng một lực xoắn vặn nhỏ, răng sẽ rơi ra.
- Cho trẻ cắn một viên gòn tại vị trí răng rụng để cầm máu liên tục trong 5 đến 10 phút.
- Sau khi máu đã cầm, kiểm tra nướu tại vị trí cũ để đảm bảo không còn dấu tích nào của chân răng cũ còn sót lại.
- Ngoài ra, cho trẻ xúc miệng thêm nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa chlorhexidine 0,12% để đảm bảo yếu tố vô khuẩn.
Nếu thấy việc nhổ răng tại nhà khó khăn, ba mẹ hãy đưa trẻ tới nha khoa gần nhất để được các bác sĩ chuyên khoa trợ giúp.
Nhổ răng sữa đúng cách cho bé như thế nào?
Theo các chuyên gia nha khoa, việc nhổ răng cho bé tại nhà thường không được khuyến khích, chỉ nên được thực hiện bằng cách đưa trẻ đến các phòng khám răng chất lượng và uy tín. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu lung lay răng, ba mẹ nên thực hiện theo các bước sau.
Bước 1: Ba mẹ kiểm tra răng của bé
Bước này nhằm xác định xem mức độ lung lay răng của con đến đâu, nhiều hay ít. Đồng thời ba mẹ cần kiểm tra xem răng vĩnh viễn của bé đã mọc hay chưa. Từ đó tùy tình hình xử lý phù hợp.
Bước 2: Đưa bé đi khám răng tại phòng khám
Ba mẹ nên đưa con đến các phòng khám nha khoa uy tín. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cũng như tư vấn nhổ răng nếu đã đến thời điểm. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các thao tác để đảm bảo việc nhổ răng an toàn, nhẹ nhàng, không gây hoảng sợ cho con. Các bác sĩ nha khoa thường có sẵn thuốc tê sẽ giúp giảm đau cho bé, không gây tâm lý sợ phòng khám, sợ bác sĩ ảnh hưởng đến sau này. Việc đến nha khoa thường xuyên cũng luyện tập cho trẻ có thói quen răng miệng lành mạnh.
Bước 3: Chăm sóc răng bé sau khi nhổ
Bước chăm sóc răng miệng sau khi nhổ là quá trình vô cùng quan trọng nhằm đảo bảo vùng miệng của bé không bị nhiễm trùng hoặc đau đớn. Sau khi nhổ răng, bé nên được uống thuốc chống viêm theo kê toa của bác sĩ nha khoa và được tái khám theo lịch hẹn sau đó.
Ba mẹ nên tránh cho trẻ ăn các thực phẩm ngọt, quá lạnh, quá nóng hay thức ăn cứng… Thay vào đó cần cho bé ăn các thực phẩm mềm, lỏng như cháo, nước hoa quả xay và uống nhiều nước. Sau khi ăn uống, ba mẹ nên nên cho bé súc miệng với nước muối sinh lý.
Xem thêm:
- Cách chăm sóc răng sữa để con không sâu răng
- Răng sữa chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã mọc thì phải xử lý như thế nào?
- Bị sâu răng hàm, bé 4 tuổi có nhổ răng được không?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!