Hệ thống giáo dục mẫu giáo Nhật Bản vốn nổi tiếng ở châu Á bởi tính chất quy củ, tập trung rèn luyện thể chất và tính tự lập cho trẻ ở mức độ cao. Qua bài viết này, The Asianparent Việt Nam sẽ giới thiệu đến bạn đọc một trường mẫu giáo tư thục nổi tiếng là “kỷ luật thép” tại tỉnh Osaka, Nhật Bản để các bạn có thêm góc nhìn mới về phương pháp giáo dục mầm non dành cho trẻ tại đây.
Đến với trường mẫu giáo Bunka Hoikuen (Osaka, Nhật Bản) ắt hẳn các phụ huynh sẽ phải ngạc nhiên với những em bé mạnh mẽ, rắn rỏi, dẻo dai, luôn thẳng lưng, lễ phép và mạnh dạn. Các bé học sinh mẫu giáo nơi đây được dạy dỗ y như trong một “doanh trại quân đội”.
Mặc dù nổi tiếng về độ “kỷ luật thép” nhưng trường Bunla Hoikuen đã thành lập được trên 20 năm với vô vàn thế hệ học sinh từng tham gia học. Hiện trường có tổng cộng 181 học sinh từ 1-6 tuổi. Thông thường các trường mẫu giáo ở Nhật Bản chỉ hạn chế khoảng 150 em/trường nhưng vì số phụ huynh học sinh có nguyện vọng đưa con em đến đây học tập khá lớn nên nên trường đã nhận được hỗ trợ ủng hộ từ chính phủ. Do đó trường được phép nhận học sinh nhiều hơn so với các trường thông thường.
Điều đầu tiên khi đến trường là cảnh các bé chào hỏi thầy cô giáo của mình rất to và rõ ràng. Ngược lại các thầy cô cũng sẽ đứng đợi sẵn ở cổng trường và chào hỏi lại các em. Việc dạy các em chào hỏi vô cùng quan trọng. Thầy cô sẽ hướng dẫn các bé nhìn thẳng, trực tiếp vào mặt người đối diện, dạy cách đứng thẳng lưng và cúi đầu khi chào hỏi. Đây là cách để trường rèn luyện cho các bé tính kỷ luật ngay từ bước chân đầu tiên vào cổng trường.
Các bé cầm giầy giũ bùn và đặt vào hốc giầy theo quy định. Một điều đặc biệt là các bé phải điều chỉnh sao cho đôi giầy của mình ở vị trí đều tăm tắp cả 2 chiếc. Bất kể đó là bé 1 tuổi hay 6 tuổi cũng đều phải thực hiện được việc này.
Một phương châm rất quan trọng trong việc giáo dục và dạy dỗ các bé của trường là dù các bé còn nhỏ nhưng tiềm năng các bé rất lớn. Chỉ cần rèn luyện hàng ngày thì thậm chí các bé 1 tuổi cũng có thể tự cất dọn đồ, cởi quần áo và hoàn thành công việc mà mình được giao, miễn là giáo viên dạy bé có đủ lòng kiên nhẫn để hướng dẫn và chờ đợi bé học cách tự lập.
Trong khi đó các bé lớn hơn 4-6 tuổi đã hoàn toàn có thể tự làm mọi công việc cơ bản trước khi một buổi học bắt đầu.
Hoạt động thể chất vào một buổi sáng mùa đông tại trường cho thấy tại sao mọi người lại gọi nơi đây là trường mẫu giáo “kỷ luật thép”. Dù thời tiết khá lạnh (5 độ C) nhưng các bé chỉ mặc bộ quần áo đồng phục cộc tay và buộc một chiếc khăn quàng cổ. Từ bé nhỏ đến bé lớn, tất cả sẽ cùng nhau chạy bộ trên một đoạn phố có các giáo viên đảm bảo an toàn để bé có thể chạy hết sức. Trong lúc này, có những bé có thể bị vấp ngã, nhưng rất ngạc nhiên là sẽ không có giáo viên nào chạy lại giúp bé mà bé sẽ phải tự mình đứng dậy để hoàn thành nốt buổi chạy. Và điều đặc biệt nhất là khi quay trở lại sân trường, các bé sẽ có 5 phút tập thể dục và phải cởi trần hoàn toàn. Đây được xem như một cách để trường mẫu giáo “kỷ luật thép” Bunka Hoikuen rèn luyện sức khỏe dẻo dai cho các bé.
Đây là một buổi học buổi sáng tại lớp của các bé dưới 2 tuổi. Bé được nghe cô đọc sách với các nội dung phong phú. Trẻ có thể chưa hiểu câu chuyện nhưng với tông giọng lên bổng xuống trầm của giáo viên, các bé dù còn nhỏ nhưng vẫn rất chăm chú lắng nghe câu chuyện. Trong lớp bao giờ cũng có một giáo viên chính phụ trách giảng dạy và gồm nhiều giáo viên phụ ngồi xung quanh các bé, hướng dẫn các bé cách ngồi thẳng lưng và nhìn thẳng vào giáo viên ở trước mặt. Một cách để rèn cho các bé tính tập trung cao độ khi ngồi học.
Buổi học tại lớp của các bé 2-3 tuổi. Với lớp lớn hơn các bé sẽ được tập ngồi thiền từ 5-10 phút trước khi buổi học bắt đầu. Lúc này các bé đã biết nói nên giờ đọc sách cho bé cũng là giờ các bé được tập thói quen trả lời, phản ứng lại với những câu hỏi của giáo viên. Bé được tập giơ tay trả lời câu hỏi và phát biểu cảm xúc cũng như ý kiến của mình về bài học.
Lớp học dành cho bé từ 3-4 tuổi cũng sẽ bắt đầu buổi học bằng cách nhằm mắt ngồi thiền. Mức độ học cũng phức tạp hơn so với các lớp nhỏ. Các bé sẽ được phát sách và chỉ tay đọc từng dòng trong sách theo giáo viên. Thật ngạc nhiên phải không khi mà trường mẫu giáo của Nhật Bản vốn nổi tiếng là tập trung phát triển thể chất cho trẻ chứ không bắt trẻ học đọc học viết trước khi lên tiểu học. Thực tế là các bé chưa tự đọc được nhưng vì được rèn đọc hàng ngày nên các bé hoàn toàn có thể nhớ được nội dung của cả một quyển sách. Thầy hiệu trưởng trường nói đây là cách để bé làm quen với hình ảnh con chữ cũng như thói quen đọc sách của trẻ. Nội dung sách chủ yếu dạy trẻ về các phép tắc, thói quen, lễ nghĩa. Như mưa dầm thấm sau, một khi nội dung đã ăn sâu vào trí não bé thì nó cũng sẽ được biểu hiện ra ngoài thông qua hành vi cư xử của bé.
Các bé nhỏ đã có cô giáo giúp đỡ trong chuyện ăn uống nhưng với các bé lớn thì bữa ăn thực sự là của các em. Các em sẽ thay phiên nhau chuẩn bị khay ăn và bưng bê thức ăn cho bạn. Các giáo viên nói rằng đây là việc này sẽ giúp các bé hiểu được ý nghĩa của “cho đi” và “nhận lại” khi chung sống trong cộng đồng.
Dọn dẹp khay của mình sau khi ăn
Đã đến giờ tan học, các bé chào hỏi thầy cô một lần nữa với tông giọng to, rõ ràng hết sức có thể. Qua giọng nói, ánh mắt có thể cảm nhận rõ lòng tự hào, thành tâm trong thái độ chào hỏi của các bé. Các em thực sự đã có một ngày đi học vui vẻ và bổ ích.
Vì phương pháp giáo dục khá đặc biệt nên trường không nhận các bé vào học giữa chừng mà chỉ nhận các bé ngay từ khi 1 tuổi và học hết chương trình cho đến khi tốt nghiệp. Mặc dù là một ngôi trường mẫu giáo “kỷ luật thép” nhưng rất nhiều cha mẹ mong muốn con mình được học ở đây. Còn các bé thì sao? Phải học ở một ngôi trường có thể nói là khá “khó khăn, vất vả” với trẻ nhỏ, các bé cảm thấy như thế nào? Liệu bé có cảm thấy hạnh phúc với trường học?
Thầy hiệu trưởng cho biết “Chúng ta thường coi thường khả năng và tiềm năng của một đứa trẻ. Trẻ bị ngã, chúng cần được học cách tự đứng dậy. Đó là cách để chúng được lớn lên và biết cách xử lý vấn đề”. Thầy cũng nói thêm là có nhiều phương pháp giáo dục trẻ, quan trọng là mục tiêu cuối cùng của phương pháp giáo dục đó là gì và quan điểm dạy trẻ ở trường và ở nhà nên cùng đi theo một hướng để tránh làm cho trẻ bị phân vân.
Các bậc phụ huynh có con em theo học tại trường đều nói họ hài lòng với phương pháp giáo dục của trường và cho rằng cách dạy này không hề quá hà khắc bởi thành quả mà con cái họ đạt được trong sinh hoạt hàng ngày đã cho thấy điều đó. Thậm chí một số mẹ còn kể rằng kể cả ngày nghỉ mà con vẫn muốn đến trường. Các bé học tại đây đều rất khỏe mạnh, sức đề kháng, khả năng chịu lạnh rất tốt. Quan trọng hơn cả là các bé vui vẻ và rất yêu trường học của mình.
Không phải trường mẫu giáo nào ở Nhật Bản cũng có phương pháp dạy “kỷ luật thép” như trường Bunka Hoikuen. Mỗi trường đều có những thế mạnh khác biệt lấy chương trình đạo tạo của bộ giáo dục làm khung cơ sở. Đây có thể xem như một góc nhìn khác về giáo dục Nhật Bản mà độc giả có thể tham khảo cũng như tìm hiểu để có thêm trải nghiệm về cách thức giáo dục, từ đó ứng dụng những gì mình cho là phù hợp vào việc nuôi dạy các bé.
Nguồn ảnh: Thai PBS
Các bài liên quan:
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non của Nhật Bản