Nhận biết mẹ chồng khó tính và cách chuẩn bị "kế sách" sống chung hoà thuận

Mẹ chồng khó tính là nỗi ám ảnh của nhiều cô gái, thậm chí còn là nguyên nhân lớn khiến chị em phụ nữ sợ lấy chồng. Đúng là những câu chuyện sống chung với mẹ chồng yêu cầu cao ở con dâu, hay trách mắng và dạy bảo con dâu vẫn còn rất nhiều trong xã hội, nhưng thực tế đây không phải là vấn đề nan giải và chúng ta cũng không phải nhẫn nhịn tủi nhục ấm ức sống như người xưa nữa.

Những cách ứng xử với mẹ chồng khó tính hẳn chị em cũng được nghe mách bảo nhiều, nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ về việc nhận ra sự khó khăn của mẹ chồng ngay trước khi cưới. Đoán được phần nào tính cách xét nét hay mức độ yêu cầu của mẹ chồng trước khi cưới có thể giúp chị em có sự chuẩn bị cho những ngày tháng hôn nhân sắp đến. Xem xét lại tính cách của mình, tìm cách hoà hợp và phần nào đó hạn chế được cảm giác bế tắc hay hối hận “nếu biết mẹ anh khó như vậy, em đã không cưới.”

Mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở

Dấu hiệu nào nhận biết mẹ chồng khó tính trước khi cưới?

Trước khi tiến tới hôn nhân, hẳn cô gái nào cũng có dịp tiếp xúc với gia đình chồng tương lai, làm quen và có thời gian gắn bó với nhau, cùng dùng cơm, trò chuyện, gọi điện thoại “vấn an” đều đặn. Thông thường ở giai đoạn này, nhiều chị em phụ nữ đắm chìm trong tình yêu và hạnh phúc nên rất dễ “lơ là”, không quá chú tâm đến tính cách của mẹ chồng tương lai và trường hợp mâu thuẫn xảy ra sau khi cưới là vô cùng cao, dù lúc đang yêu thì có vẻ bác ấy vô cùng dễ chịu. Lời khuyên từ những cô con dâu trải qua tình huống này là khi đang tiếp xúc với gia đình bạn trai, chị em hãy chú ý:

Dò hỏi mức độ “khó” của mẹ chồng

Mức độ khó của mẹ chồng tương lai có thể nhìn thấy trước được

Hẳn là những câu hỏi kiểu “mẹ anh có khó lắm không?” thường được các ông con trai cười xoà đáp “không hề, mẹ anh dễ lắm”. Đừng vội nghe thế mà thở phào nhé. Thực tế con trai dù thế nào cũng luôn là bảo bối của mẹ, được mẹ yêu thương cưng chiều và sự “khó” của người mẹ hiếm khi thể hiện với con trai của mình. Vì thế đối với đàn ông, mẹ của họ luôn dễ chịu, hiền lành và yêu thương họ.

Nhưng với con dâu thì chưa chắc. Hãy cố gắng tăng thêm mức độ thân thiết với chị em chồng, chị dâu hoặc chị em họ trong gia đình và dò hỏi tính cách của mẹ chồng tương lai. Phụ nữ luôn có cách nhìn rõ về nhau nhất.

Thái độ ở bữa cơm đầu tiên

Mặc dù ở bữa cơm gặp mặt làm quen với gia đình bạn trai, 2 bên đều còn vô cùng khách sáo, nhưng đây là mấu chốt để nhìn nhận vấn đề. Tất nhiên chị em nào ở lần ra mắt nhà bạn trai cũng muốn thể hiện sự đảm đang mà xông pha vào nấu nướng hay nhanh nhẹn dọn lau bàn, bếp, chủ động đi rửa chén.

Tuy vậy, hãy chậm lại, ý ở đây là đương nhiên phép lịch sự là đến nhà người khác dùng cơm thì phải phụ giúp và dọn dẹp, nhưng đồng thời quan sát thái độ mẹ chồng tương lai. Nếu bác ấy xem việc bạn rửa chén hay lau dọn sau bữa ăn là đương nhiên, thậm chí còn có vẻ như đang quan sát, đánh giá thì yêu cầu con dâu cũng cao đấy.

Bữa ăn gặp mặt có thể nói lên rất nhiều điều về mẹ chồng tương lai

Nhắc nhở nhẹ nhàng

Không phải gộp chung, nhưng rất nhiều các bác gái thường hay nói câu như “bác/mẹ thương con như con gái nên mới nhắc/dạy…” thì cầm chắc sẽ là một mẹ chồng khó tính. Nếu trước khi cưới (đã đính hôn rồi), bạn nhận được những lời dặn dò nghe rất nhẹ nhàng như “Lâu quá mẹ không thấy con gọi cho ba mẹ, con bận lắm hả?”, “Mai thằng A đi công tác, con nhớ soạn đủ đồ” thì nhớ cảnh giác nhé.

Cưng chiều con trai quá đáng

Thực tế và cả trên phim ảnh cũng chứng minh, những bà mẹ chồng khó tính thường nặng nề, đòi hỏi con dâu vì họ quá thương và cưng chiều, nâng niu con trai mình. Nếu thấy mẹ chồng tương lai chăm lo từng chút một, xem con trai như đứa trẻ cần bảo vệ thì chị em nên chuẩn bị tinh thần được yêu cầu cũng phải chăm lo cho chồng tỉ mỉ như thế.

Hầu hết mẹ chồng cưng chiều con trai đều rất khó khăn với con dâu

Vậy phải làm sao khi sắp có một mẹ chồng khó tính?

Với nhận thức và linh tính của phụ nữ, chắc chắn chị em lúc nhận ra mẹ chồng tương lai không dễ dàng gì cũng đồng thời nhận ra mức độ khó của mẹ nằm đến đâu, từ đó có sự chuẩn bị cũng như cách ứng xử phù hợp. Một số cách chị em có thể tham khảo:

  • Nếu bạn không phải là mẫu phụ nữ của gia đình và không muốn những ngày tháng sắp đến sẽ xảy ra tranh cãi khi mẹ chồng xét nét chuyện bếp núc của bạn thì hãy biểu hiện khả năng một cách thật thà. Bạn có thể phụ giúp dọn dẹp, nhưng không cần tỏ ra biết nấu ăn, hay ở lại muộn để lau bếp, lau sàn nhà sau bữa cơm chỉ vì để ghi điểm.
  • Chứng tỏ sự độc lập. Hãy cho mẹ và gia đình chồng tương lai thấy bạn cũng có công việc, có thể sống độc lập, không phụ thuộc ai. Vì thế bạn không cần phải lúc nào cũng ở trong bếp, hì hục dọn dẹp nhà cửa, cúi đầu ủi đồ cho chồng.
  • Thể hiện điểm mạnh khác. Chẳng hạn cho mẹ chồng thấy rằng bạn có thể không biết nấu ăn nhưng biết cắm hoa, bạn có thể bận rộn công việc nhưng có quan hệ rộng rãi, giúp đỡ chồng được nhiều,…
  • Có sự quan tâm đúng mực để gắn kết mối quan hệ và thể hiện sự tôn trọng của bạn.

Quan trọng nhất là đối đãi thật lòng, có chính kiến và trách nhiệm thì mẹ chồng khó tính cũng không làm phụ nữ phải sợ hãi nữa.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

hienpham