Mẹ bầu gần sinh bị ho gây hoang mang không ít vì nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi cao. Bên cạnh đó, các mẹ cũng không biết phải trị thế nào khi phải hạn chế uống thuốc trong thời gian có thai.
Nguyên nhân gây ra bệnh ho khi gần sinh
Có nhiều nguyên nhân làm mẹ bầu bị ho khi sắp đến ngày lâm bồn như:
- Nội tiết tố tiếp tục biến đổi trong giai đoạn cuối của thai kỳ, sức đề kháng giảm. Từ đó dễ bị lây nhiễm vi khuẩn, virus ho, cảm cúm từ môi trường hoặc từ những người xung quanh.
- Thai lớn gây áp lực lên ổ bụng và dạ dày khiến dịch dạ dày bị trào ngược, gây viêm họng.
- Lượng estrogen sản sinh màng nhầy tử cung trong giai đoạn mang thai. Khi sắp sinh màng nhầy càng tăng lên khiến các mẹ bầu bị nghẹt mũi, ho khan, đôi khi ho có đờm.
- Thời tiết thay đổi đột ngột hoặc dị ứng với phấn hoa, bụi, không khí, môi trường cũng là nguyên nhân làm viêm nhiễm đường hô hấp.
Mẹ bầu gần sinh bị ho có nguy hiểm không?
Nhìn chung thì những triệu chứng ho cảm cúm thông thường sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thai nhi. Nhưng khi bị cảm cúm nặng, nhiệt độ cơ thể mẹ kéo dài ở 39 độ C thì mẹ nên đến gặp bác sĩ. Cơ thể bị sốt cao cộng với độc tính của virus cúm có thể kích thích co bóp tử cung dẫn đến việc sinh non. Ho khan nhiều cũng gây tác động tương tự đến tử cung và tăng nguy cơ sinh non.
Nghiêm trọng nhất là ho nặng dẫn đến ho ra máu, dấu hiệu của bệnh viêm phổi. Căn bệnh này cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa vì có thể ảnh hưởng tới khả năng hít thở và cung cấp oxy của cơ thể mẹ, làm suy thai.
Chữa trị ho cho mẹ bầu gần sinh thế nào?
Mẹ bầu gần sinh bị ho không nên tự ý uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Với ho thông thường, không sốt, đờm ít, không đau ngực, không khó thở thì không cần uống thuốc. Mà có thể áp dụng một số phương pháp chữa trị tự nhiên như sau:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý. Giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ bằng khăn quàng cổ, áo khoác, mang tất, tránh ngủ nhiệt độ quá lanh. Đồng thời cũng nên tắm bằng nước ấm, không ngâm mình, lau khô nhanh, không để tóc ướt quá lâu, tránh cơ thể bị nhiễm lạnh
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như chanh, cam, quýt,…. Ăn nhiều rau xanh và những gia vị có tính chất làm ấm, nâng cao sức đề kháng như gừng, hành, tỏi, sả, nghệ.
- Không ăn đồ ăn để lạnh, thực phẩm chiên rán, không uống nước đá.
- Uống nước ấm và uống nhiều nước để thanh lọc làm mát cơ thể.
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng. Tránh đến chỗ đông người.
Một số bài thuốc từ thiên nhiên cho mẹ bầu bị ho
- Chanh muối: Thái chanh thành lát mỏng, trộn với muối hạt nguyên chất. Ngậm 5 lần/ngày. Hoặc có thể pha nước chanh muối để súc miệng và cổ họng.
- Tắc (quất) chưng đường phèn. Món dân gian truyền thống chuyên chữa trị ho vẫn luôn được tin dùng vì hiệu quả cao. Tắc thái lát mỏng, bỏ hạt, bỏ đường phèn vào đem hấp hoặc chưng cách thủy,mỗi ngày uống khoảng 2 – 3 lần với 1- 2 thìa cà phê.
- Chanh mật ong. Pha trà hoặc nước nóng, bỏ 2-3 thià mật ong và khoảng ½ quả chanh.. Uống vài ngày sẽ giúp giảm ho rõ rệt. Chanh thái lát ngâm mật mong khi ngậm cũng có tác dụng trị ho.
- Trà gừng, thêm chút mật ong và chanh, uống từng ngụm nhỏ vừa giải cảm vừa tăng sức đề kháng.
Nếu ho kéo dài trên 3 tuần không đỡ, tình trạng ho kéo dài đặc biệt kèm theo sốt, có đờm, đau ngực,… Thì mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng dẫn theo dõi, điều trị cụ thể của Bác sĩ chuyên khoa.
Mẹ bầu gần sinh bị ho cần được quan tâm và chăm sóc đúng cách để giữ sức khỏe và giúp thai nhi phát triển tốt. Những cơn ho có thể là triệu chứng thông thường nhưng cũng có thể là một dấu hiệu của các căn bệnh nghiêm trọng.
Xem thêm:
- 8 thực phẩm cần thiết cho mẹ bầu khoẻ mạnh
- 10 dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con
- Các ông chồng nên chuẩn bị gì khi vợ sắp sinh con đầu lòng?