Mang thai tháng thứ 3, hầu như mẹ bầu sẽ cảm thấy khó chịu hơn với các hiện tượng phổ biến như táo bón, đầy hơi, đau đầu. Nhưng cũng ở thời điểm này mẹ sẽ cảm nhận rõ rệt hơn rằng bé đang lớn lên với những thay đổi về kích thước và hình dạng của cơ thể. Dưới đây là những điều mẹ cần chú ý khi mang thai vào tháng này.
- Mẹ bầu sẽ có những thay đổi gì khi mang thai tháng thứ 3?
- Những điều mẹ bầu cần chú ý vào tháng thứ 3 của thai kỳ
- Lời khuyên cho mẹ mang thai tháng thứ 3
- “Chuyện ấy” với chồng trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ
Mẹ bầu sẽ có những thay đổi gì khi mang thai tháng thứ 3?
Các mẹ sẽ thấy mình có một hoặc nhiều hiện tượng dưới đây xuất hiện đồng thời. Một vài hiện tượng vẫn tiếp tục kéo dài từ những tháng bầu bí trước đó. Ngoài ra ở một số mẹ lại xuất hiện thêm các hiện tượng khó chịu khác kèm theo như:
- Mệt mỏi và buồn ngủ
- Thường xuyên buồn tiểu
- Buồn nôn
- Táo bón
- Chướng bụng, đầy hơi, thức ăn không tiêu. Cảm giác xót và đau nhức ở vùng xương ức.
- Chán ăn nhưng vẫn có cảm giác thèm ăn nhiều với một số món nhất định.
- Bầu vú căng, tức, kích thước ngực to lên, màu da sậm hơn, nhìn rõ mạch máu dưới da.
- Thỉnh thoảng cảm thấy đau đầu.
- Khó chịu, căng tức ở vùng eo, quần áo trước đây dường như đã bắt đầu chật chội hơn.
- Nhanh đói và ăn khỏe lên.
- Tâm trạng vào tháng này mẹ sẽ vẫn cảm thấy những thay đổi thất thường như trước khi bắt đầu kinh nguyệt. Dễ chảy nước mắt vì những chuyện không đâu.
- Vui, hạnh phúc đan xen với sợ hãi, hồi hộp, thất vọng.
Những điều mẹ bầu cần chú ý vào tháng thứ 3 của thai kỳ
Mang thai 3 tháng có thay đổi gì? Khi mang thai tháng thứ 3, cơ thể mẹ đã có những thay đổi rõ rệt hơn rất nhiều so với hai tháng trước. Dưới đây là những khó chịu mà mẹ bầu thường gặp phải nhất trong tháng thứ 3 này:
Táo bón
Đây là một trong các vấn đề phổ biến và song hành trong suốt thời kỳ mẹ bầu bí. Nghĩa là có tới 90% mẹ bầu sẽ gặp phải vấn đề này khi có em bé. Điều này là do sự thay đổi hoóc môn đã ảnh hưởng đến các cơ của hệ tiêu hóa, khiến cho đường ruột bị chèn ép. Tuy vậy mẹ vẫn hoàn toàn có thể giảm thiểu tình trạng của táo bón cũng như phòng chống tốt hơn với các các sau:
- Tăng chất xơ trong chế độ ăn với các loại thức ăn như gạo lứt, đậu, đỗ. Một điều mẹ cũng nên lưu ý là với nhóm thực phẩm này mẹ chỉ nên thử ăn mỗi lần một ít rồi tăng dần để tránh hiện tượng đầy bụng, khó tiêu.
- Uống thật nhiều nước để quá trình bài tiết được dễ dàng hơn.
- Tập thể dục, hoạt động thể chất thường xuyên. Với các mẹ bị táo bón nặng thì nên tập ít nhất là 30 phút/ngày.
Chướng bụng, đầy hơi
Hiện tượng này thường xuất hiện khi mẹ bầu bước sang tháng thứ 3 của thai kì. Những khó chịu do chướng bụng, đầy hơi không ảnh hưởng tới thai nhi nhưng về lâu về dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu, khiến mẹ cảm thấy chán ăn, thậm chí là bỏ ăn. Điều này hoàn toàn không tốt về mặt dinh dưỡng trong thai kỳ.
Do đó, bà bầu 3 thángthat có thể áp dụng một số cách sau để cải thiện cho tình trạng này như:
- Ăn vừa đủ no. Cách này sẽ giúp cơ thể mẹ bầu tránh được tình trạng thức ăn không tiêu hóa kịp, gây ra tức bụng và đầy hơi. Do đó mẹ chỉ cần nhớ nguyên tắc cơ bản là bữa ăn nên chia thành ít nhất là 6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa chính.
- Ăn từ từ, nhai thật kĩ. Mẹ càng vội vàng nuốt và nhai rối bao nhiêu thì lượng khí vào trong bụng mẹ sẽ càng nhiều bấy nhiêu. Mỗi lần chỉ nên ăn miếng nhỏ và nhai thật kĩ càng là tốt nhất.
- Thư giãn trong bữa ăn. Hãy để thời gian ăn uống là lúc tinh thần được sáng khoái, thoải mái. Loại bỏ mọi căng thẳng, lo lắng về công việc cũng như cuộc sống khi đang ăn.
- Kiêng kĩ các loại thức ăn gây nhiều khí ga trọng bụng. Một số loại rau như bắp cải, súp lơ, hành tây và các loại đậu, đỗ mẹ cần ăn với một số lượng ít. Điều này sẽ giúp mẹ hạn chế được việc hình thành khí ga sau bữa ăn.
Cân nặng của mẹ bầu
- Nếu mẹ không tăng cân một chút nào thì cần phải xem xét nguyên nhân cũng như cách ăn uống của mình để không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi 3 tháng.
- Quan niệm cần phải bồi bổ thật nhiều để cho con chóng lớn không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là lượng calo mà mẹ cần nạp vào chỉ cần tăng lên 10% so với lượng ăn thông thường.
- Nếu mẹ bị ốm nghén quá nặng đến mức giảm cân thì cần phải tư vấn với bác sĩ để tìm ra cách xử lý kịp thời.
Đau đầu
Không ít mẹ bầu gặp phải hiện tượng này và cảm thấy thật khổ sở với những cơn đau ít hoặc nhiều tùy theo tình trạng sức khỏe của các mẹ. Dù mẹ không nên uống thuốc giảm đau khi mang thai nhưng mẹ vẫn hoàn toàn có thể giảm thiểu tình trạng này với các cách như sau:
- Thư giãn cơ thể bằng cách nằm nghỉ trong môi trường yên tĩnh.
- Nghỉ ngơi thật nhiều, ngủ đủ giấc và không thức khuya.
- Ăn uống đúng bữa, có giờ giấc.
- Nếu bị đau đầu nhiều, mẹ hãy cố gắng tìm những nơi yên tĩnh để tĩnh tâm càng nhiều càng tốt.
- Hạn chế đi đến nơi đông người, phòng kín, nóng bức.
- Chườm nóng, lạnh xen kẽ theo công thức chườm nóng 30 giây, sau đó chườm lạnh 10 phút, thực hiện mỗi ngày 4 lần.
- Nâng đầu cao và thẳng. Hạn chế các tư thế cúi và nhìn xuống dưới nhiều.
Nghe tim thai
Rất nhiều mẹ cảm thấy lo lắng về vấn đề tim thai khi bước sang tháng thứ 3 của thai kỳ. Một số thai nhi có thể nghe rõ tim thai từ tuần thứ 8, một số khác ở tuần thứ 10. Còn lại hầu như bác sĩ sẽ kiểm tra được nhịp đập tim bé từ tuần thứ 10-12. Việc có nghe rõ được tim thai hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố như tư thế của bé, vùng da bụng mẹ nhiều hay ít mỡ hay việc tính toán tuổi thai bị sai lệch.
Lời khuyên cho mẹ mang thai tháng thứ 3
Bước sang tháng thứ 3 của thai kỳ, điều đầu tiên mà mẹ cần biết là những kiểm tra cần thiết khi đi khám thai. Thông thường các bước kiểm tra này sẽ tương tự với tháng thứ 2, bao gồm:
- Cân nặng của mẹ bầu và huyết áp.
- Kiểm tra nước tiểu để xem xét nồng độ đường và xét nghiệm protein niệu.
- Nghe tim thai của bé yêu.
- Bác sĩ sẽ kiểm tra xem tử cung lớn tương ứng với thời điểm bắt đầu chấm dứt kinh nguyệt hay khong.
- Đo bề cao tử cung (so với tỉ lệ vòng bụng)
- Xem xét các hiện tượng sưng phù của chân và bàn chân cũng như tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
- Mọi thắc mắc của mẹ bầu khi mang thai tháng thứ 3.
“Chuyện ấy” với chồng trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ
Quan hệ tình dục khi mang thai, nhất là vào những tháng đầu tiên này, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Nếu mẹ từng có tiền sử sảy thai, sinh non, … hãy tránh quan hệ vào thời điểm này.
- Một số mẹ hầu như không có cảm giác ham muốn do những cơn ốm nghén khiến mẹ cảm thấy kiệt sức. Ngược lại cũng có nhiều mẹ nhu cầu tình dục tăng cao hơn so với trước đó. Với cả 2 trường hợp này, mẹ đừng quên trao đổi thẳng thắn với chồng để được chia sẻ, cảm thông cũng như điều chỉnh thói quen sinh hoạt chăn gối vợ chồng cho thích hợp.
- Mẹ có thể bị chuột rút, đau lưng khi quan hệ tình dục. Điều này không nguy hiểm tới thai nhi nhưng sẽ khó chịu cho mẹ. Hãy nhờ anh ấy vuốt lưng và mát xa vùng xương chậu, nhờ đó các mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Theo The Asianparent Thái Lan