Dấu hiệu trẻ bú đủ là những gì? Mẹ có thể dựa vào việc bé có giấc ngủ liền mạch, 2 bàn tay bé duỗi ra khi ngủ và 1 số dấu hiệu khác… Ngoài ra mẹ cần phải dựa vào kích thước dạ dày trẻ sơ sinh theo độ tuổi. Mời các mẹ tham khảo thêm những nội dung sau:
- Lượng sữa trung bình theo lứa tuổi bé sơ sinh
- Kích thước dạ dày ở trẻ sơ sinh theo ngày tuổi
- Làm sao biết bé đã bú đủ no – 5 dấu hiệu cơ thể bé sẽ nói với mẹ điều này
- Cách duy trì lượng sữa cho bé bú
Lượng sữa trung bình theo lứa tuổi bé sơ sinh
Cho bé bú không đủ sẽ khiến trẻ không đủ no và không hấp thu được chất dinh dưỡng để phát triển. Tuy nhiên, nếu bé bú quá no sẽ gặp nhiều vấn đề về tiêu hóa, khiến trẻ trở nên quấy khóc thường xuyên.
Trên thực tế, rất khó để mẹ có thể nhận ra dấu hiệu trẻ bú đủ hay quá no vì nhu cầu ăn của bé không dựa vào cảm xúc hay áp lực từ bên ngoài. Do đó, mẹ phải tinh tế quan sát biểu hiện của bé để nhận ra những thay đổi cho thấy dấu hiệu bé bú đủ sữa mẹ.
Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết: “Thời gian cho bé bú phục thuộc vào sự thèm ăn của bé và ở mỗi bé sẽ có sự khác nhau. Đôi khi bé chỉ cần bú một ít sữa như để giải tỏa cơn khát hoặc có những thời điểm bé sẽ chủ động bú lâu và nhiều hơn để lấp đầy dạ dày của chính mình. Do đó, mẹ bỉm hãy để ý và quan sát nhu cầu của bé và cho bé bú sữa bất cứ lúc nào bé muốn. Thời gian cho bé bú có thể lên đến 12 lần bú sau mỗi 24 giờ khi bé được một tuần tuổi.”
Kích thước dạ dày ở trẻ sơ sinh theo ngày tuổi
Sau đây là kích thước dạ dày ở trẻ sơ sinh theo ngày tuổi giúp mẹ ước lượng lượng sữa cho trẻ bú dễ dàng hơn:
Ngày thứ 1 – 2
Dạ dày của bé mới ra đời chưa có sự giãn nở tốt và có kích thước nhỏ hơn hạt đậu, chỉ chứa được khoảng 5 – 7ml sữa cho 1 lần bú vào ngày đầu tiên. Lượng sự này tương đương với lượng sữa non quý giá tiết ra từ bầu ngực của mẹ.
Ngày thứ 3 – 6 sau khi sinh
Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh lúc này đã to bằng một quả nho, có thể chứa được khoảng 30 – 60ml sữa/lần bú.
Trẻ 1 tháng tuổi
Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh đã to bằng khoảng một quả trứng gà.
Trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi
Dạ dày trẻ lúc này tương đương với một quả bưởi nhỏ, nhỏ hơn gấp 5 lần so với người trưởng thành.
Từ 6 tháng tuổi trở lên: Tùy vào lượng ăn dặm mà lượng sữa con ăn có thể giảm ít hoặc nhiều nhưng trung bình bé vẫn có thể ăn từ 125-225ml sữa/bữa và tầm 800-900ml/ngày.
Nhìn chung, lượng sữa của một bé sơ sinh (tính trung bình cân nặng 3kg khi chào đời) trong 12 tháng đầu tiên tầm khoảng như sau:
- Bé 0-2 tuần tuổi: 55-75ml sữa/bữa
- Trẻ 2 tuần tuổi – 1 tháng tuổi: 70-110ml sữa/bữa và tầm trên dưới 500ml/ngày
- 1-2 tháng tuổi: 70-110ml sữa/bữa
- 2-4 tháng tuổi: 100-120ml sữa/bữa
- 4-6 tháng tuổi: Trung bình 120-200ml sữa/bữa, một ngày bé có thể ăn từ 700-800ml sữa.
Kết hợp với lượng ăn trung bình này, mẹ hãy quan sát các dấu hiệu cơ thể con để không còn phải băn khoăn về chuyện làm sao để biết bé đã bú đủ hay chưa nữa.
Dấu hiệu trẻ bú đủ no
Mặc dù hầu hết các bà mẹ đều có thể cung cấp cho con họ đủ lượng sữa chúng cần, nhưng thỉnh thoảng trẻ vẫn không nhận đủ. Và nếu không phát hiện sớm, trẻ có thể bị thiếu nước và không lớn nhanh do không đủ chất dinh dưỡng.
Mẹ có thể dựa vào những biểu hiện bên ngoài như bé có vẻ thư giãn và thỏa mãn sau khi được cho bú, bé của bạn ướt ít nhất 6 cái tả mỗi ngày, sẽ dễ nhận biết hơn so với việc dựa vào dấu hiệu bên trong như kích thước dạ dày của trẻ.
1. Bàn tay bé là dấu hiệu trẻ bú đủ
Những lúc đói, ngoài tiếng khóc, tay con sẽ nắm chặt lại và khua liên tục hoặc thậm chí bé sẽ cho cả nắm tay vào miệng.
Khi kết thúc bữa ăn, tay bé sẽ dần dần buông lỏng và xòe cả bàn tay ra. Cơ thể bé thư giãn, được nạp đầy năng lượng thường có xu hưởng thả lỏng và duỗi ra một cách tự nhiên nhất. Vậy nên mẹ nhớ chú ý đến dấu hiệu dễ nhận biết con đã no.
2. Con dễ chịu, vui vẻ và thư thái là dấu hiệu trẻ đã bú đủ
Nếu bé đã nhả ti ra nhưng vẫn khó chịu, tay chân loạn xạ hoăc khóc thì mẹ cần kiểm tra theo các bước sau:
- Vỗ ợ hơi cho bé trước.
- Tiếp đó mời bé bú lại.
- Kiểm tra con đã ngậm đúng khớp vú và có tư thế bú thoải mái hay chưa.
Sau đó tiếp tục cho bé bú. Nếu con chấp nhận bú tiếp và tự động nhả ti, kết hợp với dấu hiệu không còn quấy khóc nữa thì đó là lúc bé đã ăn no.
3. Con bú nhanh và gọn trong một khoảng thời gian nhất định
Con sẽ chỉ ăn no khi con ăn được một bữa ăn chất lượng trong một khoảng thời gian nhất định. Bé càng ăn lâu (ví dụ trên 50-60 phút mà vẫn chưa xong một bữa) thì đó là lúc con có tín hiệu ăn vặt. Cách ăn này có thể giúp bé ăn hết sữa nhưng chưa chắc đã đảm bảo con ăn no hay không.
4. Số giờ giữa 2 cữ ăn sữa của con
Theo các chuyên gia trẻ em, bé mới chào đời có thể được bú theo nhu cầu.
- Bé 0-6 tuần: Con có thể chờ ăn bữa kế tiếp từ 2-3 tiếng đồng hồ.
- 6-8 tuần: Bé dữ trữ sữa được từ 3-4 tiếng đồng hồ.
- Từ 8 tuần trở đi: Con có thể chỉ đòi ăn sau 3,5-4,5 tiếng.
5. Giấc ngủ của bé liền mạch là dấu hiệu trẻ bú đủ
Khi con ăn no cũng là lúc bé sẽ có một giấc ngủ sâu và ngon. Nếu con ngủ được giấc trên 45-60 phút (45 phút là thời gian tối thiểu cho một giấc ngủ của trẻ sơ sinh) thì đó là tín hiệu lượng sữa con ăn vào đủ cho hoạt động ngủ, chơi của con.
- Giấc ngủ liền mạch cho thấy bé đã bú đủ no (Ảnh: istockphoto)
Ngoài ra mẹ nên kết hợp với việc theo dõi tốc độ tăng trưởng cân nặng, màu sắc nước tiểu, số lần thay bỉm, số lần con đi ị để đảm bảo rằng con đã được cung cấp đủ lượng sữa với nhu cầu của bé.
Cách duy trì lượng sữa cho bé bú
Để có nguồn sữa đủ cho bé bú, mẹ cần lưu ý các nội dung sau:
- Ăn uống đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Bổ sung thêm nhiều thực phẩm lợi sữa như sung, ngũ cốc, các loại hạt họ đậu…
- Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, nên uống nước ấm. Cung cấp nước cho cơ thể từ nhiều nguồn như sữa tươi, sữa hạt, nước ép hoa quả, nước canh…
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đầy đủ
- Duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu
- Cho bé bú đúng cách cũng là cách duy trì nguồn sữa