Kỹ năng cầm nắm của bé không chỉ giúp vận động tay đơn thuần, còn giúp trí não tinh anh hơn. Cùng tìm hiểu khả năng của bé 1 tuổi trong bài viết này nhé!
Các bé sẽ phát triển kỹ năng cầm nắm và chơi đồ chơi mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách giúp nâng cao kỹ năng vận động và tư duy não bộ thông qua các hoạt động cơ bản như sử dụng đồ chơi cầm tay.
Điều quan trọng là bố mẹ phải hiểu được kỹ năng sử dụng tay của bé trong mỗi độ tuổi là khác nhau. Nhờ đó, bố mẹ sẽ nhận định đúng, không quá kỳ vọng những điều vượt xa khả năng hiện tại của bé.
Kỹ năng cầm nắm phát triển như thế nào?
Bố mẹ nào quan sát kỹ sẽ thấy, kỹ năng cầm và điều khiển đồ chơi của bé ngày một khéo dần theo thời gian. Các tiêu chuẩn dưới đây sẽ chỉ ra những gì trẻ sơ sinh có thể học được trong suốt một năm đầu tiên.
3 tháng
Lúc này bé đã cứng cáp hơn hồi mới sinh. Bé sẽ bắt đầu quơ tay múa chân, sờ, nắm nhẹ các vật trong tầm tay. Thế nhưng bé chưa thể vươn người nắm lấy đồ vật. Tầm này, mẹ chỉ cần cho bé một món đồ chơi trong tầm tay như kệ chữ A. Bé sẽ tự học cách ghì chặt đồ chơi bằng những ngón tay bé nhỏ.
5 tháng
Các bé 5 tháng có thể với lấy đồ vật một cách có chủ ý và độc lập. Khi bố mẹ đưa cho bé một món đồ chơi, các bé sẽ nhìn qua lại giữa đồ chơi và tay của mình. Đó là khi não bộ của bé đang phát triển kỹ năng lập kế hoạch và phối hợp các chuyển động tay.
Khi tặng đồ chơi cho bé trong độ tuổi này, hãy đưa ra đồ chơi để chúng phải rướn người để nắm lấy.
7 tháng
Khi được 7 tháng tuổi, bé bắt đầu có thể dùng cả bàn tay để nắm lấy đối tượng. Bé còn biết dùng ngón tay cái của mình để ấn chặt đồ vật vào lòng bàn tay. Thị giác của bé trong giai đoạn này cũng phát triển hơn, giúp bé điều khiển đồ vật bằng tay giỏi hơn.
Bố mẹ hãy sắm cho bé 7 tháng tuổi các loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Đừng quên nói chuyện, hỏi han hoặc ngồi chơi cùng bé để con phát triển thêm kỹ năng giao tiếp.
9 tháng
Đến thời điểm này, bé đã thành thạo khả năng truyền vật thể qua lại giữa hai bàn tay. Tay bé vận động uyển chuyển hơn, và biết được nên làm thế nào trong từng tình huống.
Bố mẹ hãy chuẩn bị các món đồ chơi cầm tay khuyến khích não bộ giải đố, như đồ chơi thả khối hay bộ xếp tháp ly.
11 tháng tuổi
Bé ở độ tuổi này có thể cầm nắm đồ vật nhuần nhuyễn hơn. Hơn thế nữa, bé còn thích lăn và ném những quả banh nhỏ. Qua đó, bé sẽ học được cách điều chỉnh tốc độ và khả năng nhắm chừng.
Đây là thời gian tuyệt vời để bố mẹ cùng bé luyện tập khả năng nắm đồ vật, ném đến vị trí nào đó và lấy lại.
Kích thích tư duy qua kỹ năng cầm nắm của bé
Ngay từ bảy hoặc tám tháng, cha mẹ có thể theo dõi khả năng cầm nắm của bé. Đồng thời, lên kế hoạch vận động cho bé bằng một hoạt động đơn giản sử dụng ba đồ chơi cầm tay.
Bài tập này không chỉ giúp bé trau dồi vận động tay mà còn nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề của bé.
- Tập hợp ba đồ chơi mà bé có thể dễ dàng cầm nắm
- Cho bé cầm mỗi tay một món đồ chơi
- Đưa thêm món thứ ba cho bé
- Ban đầu, bé có thể sẽ bị bối rối và cố gắng lấy món đồ chơi thứ ba mà không buông một trong hai trong tay
- Khi khả năng nhận thức của bé phát triển, bé sẽ bắt đầu đặt một đồ chơi xuống trước rồi mới cầm lấy món mới.
Tại sao bố mẹ cần cố gắng giúp bé phát triển trí não?
- Năm đầu tiên là thời gian vàng để khơi dậy giác quan, khả năng tư duy và vận động cơ bản.
- Thông qua các trò chơi, bố mẹ sẽ ghi nhận rõ sự tiến bộ của bé.
- Các trò chơi vận động giúp bố mẹ và bé gắn bó hơn với nhau khi chơi.
- Đây là cách dễ dàng, hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển về thể chất và khả năng nhận thức của bé.
Trên hết, bố mẹ cần nhớ rằng, trẻ sơ sinh đang tuổi ăn tuổi chơi, các bé lớn lên qua những trò chơi. Thế nên, đừng tiếc thời gian cùng bé vui đùa, vì nó không chỉ giúp bé phát triển tốt, còn giúp bố mẹ thư giãn và gắn kết với con hơn.
Xem thêm:
- Các kỹ năng sống theo độ tuổi bé nên có!
- Kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi – “Dạy con từ thuở còn thơ”
- Những kỹ năng dạy con thời hiện đại không thể thiếu dành cho ba mẹ
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!