Khi con hỏi về cái chết, mẹ sẽ trả lời như thế nào? Cách mẹ trả lời ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bé, nên nhất định phải khéo léo.
Khi ai đó gần gũi với bé đã chết, bé sẽ phải ‘vật lộn’ để hiểu rõ khái niệm mới lạ này. Không ít mẹ còn bối rối hơn bé, không biết đâu mới là câu trả lời hoàn mỹ nhất khi con hỏi về cái chết.
Tuy nhiên, đừng cố gắng dùng sự hoàn hảo để che giấu sự thật, mà hãy kiên nhẫn lắng nghe và nhẹ nhàng trả lời theo một cách dễ hiểu nhất với độ tuổi của bé.
Mặt khác, nếu bé chưa thể hiện sự tò mò về cái chết, tốt hơn hết mẹ hãy ‘để dành’ cuộc thảo luận cho đến khi bé bắt đầu hỏi.
Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến nhất của bé về cái chết và các cách trả lời dễ hiểu nhất với bé.
Chết là gì vậy mẹ?
Đây thường là dấu chấm hỏi đầu tiên của các bé. Đi kèm nó sẽ là những câu hỏi liên quan về cách người chết tiếp tục hoạt động như – “Ông nội lên thiên đàng bằng cách nào? Ông sẽ ăn gì ở đó?” – vì trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo không ý thức được sự chấm dứt hoạt động thể chất.
Trong trường hợp này, mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu: “Chết có nghĩa là một người hoặc động vật ngừng thở và cơ thể họ không còn hoạt động nữa. Họ không ăn hay ngủ, cũng không cảm thấy lạnh hay nóng. Mọi sinh vật trên trái đất này đều sẽ như vậy. Cây cối cũng có ngày úa tàn. Còn động vật chỉ chết khi chúng già đi.”
Khi nào mẹ sẽ chết?
Đây có lẽ là câu hỏi gây sốc thường gặp nhất. Sự vô tư của trẻ vô tình làm tổn thương người nghe nhưng mẹ phải hiểu rằng, điều con thực sự lo lắng đó là “Mẹ sẽ vẫn ở bên chăm sóc con chứ?”
Ngay cả khi bé không hỏi thẳng, mẹ cũng cần lường trước những lo lắng về cuộc sống của bé bằng cách trả lời: “Mẹ muốn con biết rằng mẹ sẽ ở đây cho đến khi mẹ già thật là già và lúc đó con cũng đã lớn lắm rồi.”
Tại sao dì lại khóc?
Khi mẹ vừa giải thích cho bé rằng chú tư chồng dì đã mất, rất có thể bé sẽ hỏi ngay câu này. Bởi vì sự hiểu biết về cái chết của trẻ bây giờ vẫn còn non nớt đến mức bé cần mẹ phân tích cảm xúc của những người xung quanh: “Chú tư đã mất, chú sẽ không quay lại và dì tư khóc vì dì rất nhớ chú.”
Khi nào ông sẽ quay lại vậy mẹ? Ông sẽ ở đây vào sinh nhật của con chứ?
Ngoài hai câu trên, bé còn có thể hỏi những câu như: “Chúng ta có thể lái xe lên thiên đàng để thăm ông không?” Mặc dù mẹ đã giải thích cái chết tám chục lần, nhưng bé vẫn không nắm bắt được tính hữu hạn và lâu dài của nó.
Hãy giải thích một cách kiên nhẫn nhất có thể: “Con hãy nhớ rằng ông nội đã qua đời. Ông không thể quay lại và chúng ta không thể đến thăm ông được. Ông sẽ không thể ở đây vào sinh nhật của con, nhưng chúng ta sẽ nhớ những lần ông nội con ở đây.”
Bà có thể có một ông mới bây giờ không?
Bởi vì người lớn chúng ta thường có thể sửa chữa hoặc thay thế mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em có thể tự hỏi về việc thay thế người quá cố – đặc biệt là nếu bé nhiều ông bà kế.
Nhẹ nhàng nói với bé sự thật: “Nếu bà muốn, bà có thể kết hôn một ngày nào đó. Nhưng người chồng mới của bà sẽ không giống ông đâu. Ông đã ra đi và không thể quay lại.”
Có phải do lỗi của con không?
Ở tuổi này, trẻ em đều có bản ngã riêng, nên các bé hay cho rằng suy nghĩ và hành động của mình ảnh hưởng đến mọi thứ xung quanh.
Theo ông Michael Towne, một chuyên gia tâm thần về nỗi đau tại Trung tâm Y tế Đại học California-San Francisco: “Nếu một đứa trẻ tức giận với con chó vì đã phá hư đồ chơi yêu thích của bé, trong lúc tức giận bé có thể nói ‘Tôi sẽ giết bạn’. Rủi ro thay, sau đó vài tuần con chó gặp chuyện không qua khỏi, bé sẽ dễ dàng cho rằng đó là lỗi của mình.”
Mặc dù bé có thể sẽ không nói ra, nhưng cảm giác tội sẽ ngập tràn trong tâm trí bé. Lúc ấy, ngay cả khi bé chưa cất lên tiếng lòng của mình, hãy trấn an bé như thế này: “Mẹ muốn con biết rằng con chó đã chết vì nó đã già quá rồi, cơ thể nó không còn hoạt động được như trước. Không ai trong chúng ta là người gây ra điều này cả.”
Em bé có đau không? Mẹ cũng sẽ chết hở?
Hầu như các bé tầm này không hiểu được cơ chế của việc sẩy thai nên thắc mắc này là chính đáng. Mẹ hãy đáp lại: “Không, em bé chỉ ngừng phát triển và mẹ không cảm thấy gì nữa. Bố mẹ rất, rất buồn, nhưng chúng ta vẫn khỏe mạnh. Con cũng vậy.”
Có phải chú A chết vì chú ấy làm điều gì xấu?
Cố gắng không để trẻ đánh đồng cái chết với hình phạt bằng cách giải thích: “Không, chắc chắn là không. Chú A đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp, nhưng đó không phải là lỗi của chú ấy vì chú không làm điều gì xấu cả.”
Con nhớ bố đã từng ôm con vào lòng hồi còn bé
Nếu con bạn nhớ lại những kỷ niệm mà bé không còn có được trong hiện tại, đừng phủ nhận. Điều này chỉ có nghĩa rằng người thân đã khuất là có thật, những ký ức lúc đó sẽ là niềm an ủi của bé mỗi khi nghĩ đến.
Đọc đến đây, mẹ đã thở phào nhẹ nhõm và chuẩn bị tinh thần trả lời khi con hỏi về cái chết chưa? Ngoài chủ đề buồn bã này, sẽ còn những câu hỏi hóc búa khác mà bé đi mẫu giáo hay hỏi. Mẹ hãy đón xem các bài viết khác cùng chuyên mục để biết thêm chi tiết.
Xem thêm:
- 15 câu hỏi hỏi con khi tan học thay vì chỉ hỏi “hôm nay con học thế nào”?
- Giúp con phát triển tư duy với các câu hỏi xoắn não sau!
- Dạy con đối mặt với sự ghét bỏ của người khác theo từng lứa tuổi
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!