Giải pháp đối phó với gạ tình từ sếp để không “sống trong sợ hãi”

Đối phó với gạ tình từ sếp như thế nào để không còn “sống trong sợ hãi” là nỗi niềm chung của nhiều người khi bị quấy rối nơi công sở. Khi trót bị sếp gạ tình, đại đa số nạn nhân thường vì ngại ngùng hay xấu hổ mà giữ im lặng. Tuy nhiên sự im lặng này chính là dung túng cho các hành vi khiếm nhã tiếp theo sau đó. Do đó, bạn cần có những giải pháp để đối phó với các hành động sai trái này.

Nhận diện các hình thức gạ tình nơi công sở

Bị sếp gạ tình nơi công sở là chuyện bất thường nhưng đang dần trở thành điều bình thường. Gạ tình tại nơi làm việc có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau

Bằng ngôn ngữ

Gạ tình bằng ngôn ngữ bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn của người đối diện liên quan đến chủ đề tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về cơ thể, trang phục của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Bằng hành vi phi ngôn ngữ

Loại gạ tình này bao gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, nhìn chằm chằm vào những khu vực nhạy cảm làm cho đối phương thấy khó chịu, bị xúc phạm… Hình thức này bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, đồ vật, màn hình máy tính, thư điện tử, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Bằng hành động

Những hành động mang tính sàm sỡ như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn đều được coi là hành vi dễ nhận biết nhất của gạ tình. Loại gạ tình này thường được biểu hiện khi sếp đứng quá gần hoặc xâm phạm không gian riêng tư của nhân viên. Họ có thể đặt tay lên người bạn hay sàm sỡ sau lưng khi bạn đang ngồi. Thậm chí còn ôm hay hôn khi bạn không chú ý hoặc không mong muốn. Dấu hiệu quấy rối tình dục này thậm chí còn có thể tiến triển thành hành động công kích và cưỡng hiếp.

Ngoài các dấu hiệu trên, sếp còn có thể quấy rối nhân viên bằng một số cách khác như, để lại các ghi chú gợi dục trên bàn làm việc, gửi đến nhân viên những món quà mang tính chất khêu gợi…

Đối phó với gạ tình từ sếp như thế nào?

Trên thực tế, những hành vi gạ tình từ sếp xảy ra tương đối phổ biến nhưng lại thường bị bỏ qua, trừ khi gây ra những trường hợp nghiêm trọng. Chính vì vậy, mỗi người nếu rơi vào trường hợp này nên biết cách để đối phó và loại bỏ nó.

Nghiêm túc và khẳng khái đáp trả

Một trong những cách nhanh nhất để “dập tắt” mọi nỗ lực gạ gẫm của sếp là tỏ thái độ nghiêm túc, đồng thời hãy khẳng khái đáp trả “Thưa sếp, em đến đây với nhiệm vụ chính là hoàn thành công việc. Những vấn đề liên quan em không có thời gian nghĩ tới.” Sự cương quyết của bạn sẽ khiến sếp rút ý định gạ gẫm lại

Làm chủ mọi hành vi của bản thân

Một khi phát hiện ra “sếp” có tình ý với mình, bạn cần điều chỉnh lại hành vi cũng như thái độ khi đối diện hay làm việc với sếp, tránh gây thêm những hiểu nhầm không đáng có. Trước mặt sếp, bạn nên tỏ thái độ lễ phép, không nên cười đùa, cợt nhả hay có những hành vi khêu gợi.

Bình tĩnh thu thập bằng chứng

Sau khi đã tỏ rõ quan điểm của mình với sếp mà bạn vẫn bị “tấn công”, thì đây là lúc không nên nhún nhường mà cần phải quyết liệt. Hãy thu thập bằng chứng từ những lời nói gạ tình bằng máy ghi âm, đến các hành động sàm sỡ bằng hình ảnh và lưu lại hết các chứng cứ này.

Nếu sếp vẫn nổi máu “dê”, hãy mạnh dạn nói rõ về việc sẽ tố cáo với mọi người. Chắc chắn với một người có địa vị như sếp thì buộc phải ngưng hành động gạ tình này vì sợ tai tiếng.

Hạn chế thời gian riêng tư với sếp

Nên tránh rơi vào hoàn cảnh chỉ có bạn và sếp ở trong phòng, nếu bất đắc dĩ rơi vào hoàn cảnh đó thì bạn cần tỏ ra “quang minh chính đại” khi làm bất cứ việc gì, không úp mở gây hiểu nhầm cho sếp.

Một cách khác để tự bảo vệ mình đó là hòa nhập vào một nhóm đồng nghiệp để người đó ít có thời gian tiếp xúc gần gũi với bạn. Nếu sếp đủ táo bạo quấy rối bạn khi bạn đang ở cùng một nhóm đồng nghiệp, chắc chắn những người khác sẽ giúp bạn gỡ rối.

Thôi việc

Nếu như quá mệt mỏi và sợ hãi khi mọi cách đều không thể giải quyết được vấn đề, đặc biệt ở đây người quấy rối chính là sếp thì cách tốt nhất để bảo vệ chính mình và kết thúc mọi chuyện là thôi việc và tìm một công việc khác.

Cuộc sống văn phòng chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là những nơi tập trung những kẻ “dê xồm”, “biến thái” chuyên đi quấy rối người khác. Việc bị sếp gạ gẫm không khó để đối phó nếu ngay từ đầu bạn có thái độ dứt khoát, bình tĩnh để có thể chọn ra được giải pháp ứng xử phù hợp với hoàn cảnh mà mình đang vướng phải. Nhất định không được tỏ ra sợ sệt hoặc im lặng không nói gì, bởi lẽ, sự sợ hãi và nhân nhượng chỉ góp phần giúp những kẻ có vấn đề về đạo đức hành vi hả hê. Hãy dũng cảm nắm thế chủ động trước khi trở thành nạn nhân.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Vy Le