Việc dạy trẻ mầm non đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo của ba mẹ để giúp con phát triển cái tôi và hoàn thành các kĩ năng sống cần thiết để sẵn sàng cho giai đoạn tiểu học sau này.
Cách dạy trẻ mầm non lứa tuổi 3-6 – Con cần học những kĩ năng gì trước khi bước vào tiểu học?
Cách dạy trẻ lứa tuổi mầm non khi bé đang bước vào độ tuổi từ 3-6 tuổi. Trước tiên, cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ em ở lứa tuổi này đang bắt đầu hình thành cái tôi.
Nếu chịu khó quan sát kĩ lưỡng, cha mẹ dễ dàng nhận ra những thay đổi rõ rệt về thể chất của con như trẻ chạy được nhanh hơn, bé thích tập đi xe đạp, hớn hở khi được chạy nhảy, khám phá trong một không gian rộng. Đồng thời bé sẽ luôn chân luôn tay leo trèo.
Các kĩ năng vận động tinh như cầm bút cũng dần khéo léo hơn. Bé thích tô màu, cắt giấy, tháo lắp các bộ đồ chơi. Con tỏ ra muốn độc lập và tự mình làm nhiều việc như tự cởi giầy, đi giầy, tự cởi quần áo, thậm chí còn muốn tự tắm rửa.
Đây chính là điều tuyệt vời nhất của các em bé trong lứa tuổi mầm non – Con đã có chính kiến và độc lập về suy nghĩ dù còn đang trong bước khởi đầu.
Chính vì những đặc trưng trên mà trong cách dạy trẻ lứa tuổi mầm non, cha mẹ nên lưu ý đặc biệt về những điều sau.
Khuyến khích con được là chính mình
Khi trẻ bắt đầu muốn khám phá, tìm hiểu về thế giới xung quanh nhiều hơn, các bé có thể tự chơi và tự làm được nhiều việc. Cũng chính vì đặc điểm này mà nhu cầu của con với sự vật xung quanh cũng phức tạp hơn nhiều.
Con nói được những câu dài hơn, hỏi han về mọi thứ con muốn biết và sẵn sàng tháo dỡ tung mọi thứ trong nhà.
Lúc này đây, cha mẹ chính là người thầy tuyệt vời nhất để khuyến khích những tính cách này của bé. Hãy để con được có cơ hội tự làm mọi việc dù con làm không nhanh bằng lúc được ba mẹ giúp. Kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của bé và hướng bé khám phá tận cùng các sở thích của mình.
Dần dần, cha mẹ sẽ thấy bé càng tự tin, độc lập và hiểu biết hơn. Đây chính là nền tảng tốt nhất để con sẵn sàng với việc học tập chuyên môn đòi hỏi khả năng tập trung, sự khéo léo khi bước vào lớp 1.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non cần học những kĩ năng quan trọng gì để con được phát triển tốt nhất?
Hầu hết các bé sẽ bắt đầu đi học mẫu giáo khi bước vào tuổi lên 3. Mốc chuyển biến quan trọng này tạo điều kiện cho con mở ra một môi trường mới. Đó có thể là nơi còn rất lạ lẫm với những người bạn cùng lứa tuổi, nếp sinh hoạt kỷ luật cùng các hoạt động thú vị tại trường học được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.
Chính vì vậy, để con mau chóng hòa nhập và thích nghi với những điều này, nền tảng dạy dỗ bé khi ở nhà cũng là điều rất quan trọng. Ba mẹ hãy trò chuyện với bé về môi trường mới. Sẵn sàng là nơi để con cảm thấy an toàn khi bé chưa thích nghi được với trường lớp. Và luôn lắng nghe bé, khuyến khích bé hào hứng khám phá trường lớp.
Tập cho con thành thạo với các kĩ năng sinh hoạt cơ bản như tự ăn, thay quần áo, rửa tay, đi vệ sinh và nói được nhu cầu của mình với mọi người xung quanh. Một khi bé đã không còn trở ngại với những điều này thì việc đến trường lớp sẽ không còn quá bỡ ngỡ với con.
Những điều cha mẹ cần lưu ý khi con bước vào lứa tuổi mầm non
Tạo điều kiện cho bé được vui chơi và thực hiện các kĩ năng với đôi bàn tay khéo léo. Đây sẽ là cách giúp con rèn luyện trí não và đạt được các mốc phát triển đúng theo lứa tuổi con.
Cố gắng để bé tự làm những công việc theo sức mình. Khuyến khích bé tìm cách xử lý vấn đề theo cách của con. Đừng vội chạy đến giúp con ngay lập tức nhưng cũng đừng bỏ mặc bé nếu con lên tiếng cần giúp đỡ.
Khen ngợi trẻ khi bé làm điều tốt và có cách phạt hợp lý khi bé làm điều sai.
Ba mẹ cần nghiêm khắc với trẻ trong việc tạo cho con những thói quen, nề nếp kỷ luật. Điều này sẽ giúp con dễ hòa nhập với mọi môi trường của xã hội.
Với việc học đọc, viết, hãy để con được rèn luyện một cách từ từ. Gây áp lực quá mức có thể sẽ khiến trẻ phản kháng và không thích học khi bước vào lứa tuổi tiểu học.
Khuyến khích con thói quen tìm hiểu, khám phá bằng việc sẵn sàng cùng con tìm kiếm câu trả lời cho bất kỳ điều gì bé thắc mắc. Nền tảng ham học hỏi sẽ dần dần được tích lũy từ chính thói quen tuyệt vời này.
Xem thêm bài liên quan:
Bật mí kinh nghiệm chọn trường mầm non cho bé yêu để con ăn ngủ ngoan, học vui
Bí quyết chọn trường mầm non cho bé – Cần những tiêu chí gì?
16 cách phát triển EF giúp trẻ thông minh và phát triển tư duy vượt trội