Dây rốn quấn cổ 1 vòng tuần 36 có nguy hiểm không? Có phải sinh mổ hay không?

Dây rốn quấn cổ 1 vòng tuần 36 thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên mẹ cần đặc biệt theo dõi số lần thai máy hàng ngày và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc sinh mổ.

Sự phát triển dây rốn của thai nhi ở tuần 36

Ở tuần thứ 36 dây rốn đã phát triển chiều dài tới đỉnh điểm với độ dài trung bình khoảng 56cm, thường dao động từ 45 - 60cm và có đường kính khoảng 1.5 – 2cm.

Trong suốt thai kỳ, dây rốn sẽ làm nhiệm vụ cung cấp oxy cũng như các dưỡng chất cần thiết cho thai nhi. Ngoài chức năng cung cấp oxy và dinh dưỡng, dây rốn còn có tác dụngtruyền cả chất kháng sinh khi người mẹ dùng kháng sinh vào cơ thể của bé.

Khi chạm mốc thai 36 tuần, nhiều cơ quan và hệ thống của bé đã khá trưởng thành, chẳng hạn như hệ thống tuần hoàn máu, hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn đang tiếp tục phát triển nên một dây rốn ở vị trị thông thường vẫn là điều cần thiết để thai nhi có thể tiếp tục phát triển cho đến khi chào đời.

Dây rốn quấn cổ 1 vòng tuần 36 có nguy hiểm không?

Dây rốn quấn quanh cổ là thai nhi được xem là một trong những bất thường thai kỳ không quá nguy hiểm. Các số liệu thống kê cho thấy cứ 3-4 thai nhi sẽ có một bé gặp phải điều này.

Đây là tình trạng khi mà dây rốn quấn quanh đủ 360 độ quanh cổ thai nhi. Theo nhiều nghiên cứu, dây rốn quấn cổ không gây ảnh hưởng cho thai nhi, kể cả khi chuyển dạ. Chỉ một số trường hợp hiếm, dây quấn cổ chặt gây ảnh hưởng đến dòng máu qua dây rốn, ảnh hưởng đến nhịp tim thai và có thể gây suy thai.

Nói chung phần lớn các trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh (Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau khi sinh). Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít thông báo cho mẹ bầu biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trừ trường hợp nghiêm trọng làm đe dọa đến tính mạng em bé.

Vì thế, nếu có nghe bác sĩ nói con bị dây rốn quấn thì mẹ cũng không nên quá hoang mang. Bác sĩ sẽ cảnh báo nếu trường hợp của mẹ là nguy hiểm. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, các biến chứng cũng có thể xảy ra.

Những biến chứng mẹ cần biết khi dây rốn quấn cổ 1 vòng tuần 36

Hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi chỉ có thể được chẩn đoán bằng siêu âm. Tuy nhiên, thông qua siêu âm, các bác sĩ khó có thể xác định được liệu tình trạng này có gây ra bất kỳ rủi ro nào cho em bé hay không.

Một số biến chứng mẹ cần biết như:

Gặp các bất thường về nhịp tim của em bé

Biến chứng này thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Do các cơn co thắt chuyển dạ của mẹ bầu có thể khiến dây rốn bị siết lại, làm giảm lưu lượng máu được bơm đến cơ thể bé, khiến nhịp tim của bé giảm.

Bé có thể phát triển chậm hơn

Khi bé bị dây rốn quấn chặt, xảy ra sớm trong thai kỳ có thể khiến lưu lượng máu từ mẹ qua thai bị giảm, giảm kali máu, thiếu máu, … Kéo theo là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, thai giảm chuyển động.

Do đó mẹ bầu tuần 36 cần lưu ý về điều này khi thấy con ít máy so với thông thường.

Mẹ có thể phải sinh mổ

Dây rốn quấn quanh cổ nhiều vòng khiến đầu thai ngửa ra sau, cản trở việc sinh qua ngả âm đạo. Như thế để đảm bảo an toàn cho bé, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai.

Quá trình sinh thường sẽ khó khăn hơn

Khi dây rốn bị quấn cổ, quấn quanh người khiến bé không thể lọt vào khung xương chậu của mẹ, bị treo lơ lửng giữa chừng. Nguy cơ mẹ bị sa dây rốn do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu,… Nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Mẹ bầu cần làm gì khi dây rốn quấn cổ 1 vòng tuần 36

Nếu được bác sĩ thông báo thai nhi 36 tuần bị dây rốn quấn cổ, mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng hay hoảng sợ. Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi có thể biến mất ngay sau đó hoặc trước khi em bé chào đời.

Hiện nay, y học phát triển chưa tìm ra phương pháp khoa học nào để khắc phục hiện tượng này. Chỉ hi vọng vào khả năng vận động của thai nhi, để bé có thể tự "gỡ rối".

Đồng thời người mẹ nên lưu ý một số điều sau:

  • Theo dõi chuyển động của thai nhi hàng ngày để kịp thời nhận ra các bất thường của con.
  • Mẹ bầu nên hoạt động nhẹ nhàng. Cần tránh lao động nặng, quá sức hay tập luyện cường độ cao.
  • Mẹ nên nằm nghiêng bên trái để tăng lưu lượng máu đến tử cung.

Mẹ cũng có thể áp dụng thêm phương pháp chữa dân gian như bò quanh giường và cần đi khám thai, theo dõi sát sao theo chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Minh Hương