Dạy con tránh bị xâm hại: 5 quy tắc vàng mẹ không thể bỏ qua

Trong những năm gần, các vụ cáo buộc xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phu huynh về việc bảo vệ con trước những đối tượng có ý đồ xấu. 5 bí quyết dạy con tránh bị xâm hại dưới đây sẽ là trợ thủ đắc lực của ba mẹ để hỗ trợ kiến thức cũng như kỹ năng cho các thiên thần nhỏ.

Hướng dẫn trẻ nhận biết các bộ phận trên cơ thể

Hướng dẫn trẻ nhận biết các bộ phận trên cơ thể con có thể bắt đầu từ lúc 3 tuổi. Bạn nên gọi đúng tên của các bộ phận này, đồng thời cung cấp kiến thức để con có thể tự bảo vệ khi cần thiết.

Tùy theo độ tuổi, ba mẹ nên có cách hướng dẫn cho con sao cho phù hợp. Với trẻ càng lớn, bạn hãy chỉ bé càng cụ thể càng tốt. Điều này không chỉ giúp con yêu tự bảo vệ bản thân mà còn có thể truyền đạt lại cho các em của mình.

Dạy trẻ những khu vực “bất khả xâm phạm”

Bên cạnh việc hướng dẫn con nhận biết các bộ phận trên cơ thể, ba mẹ cũng nên chỉ cho bé những khu vực nào mà người khác không được chạm vào. Song song đó, bạn hãy giải thích với bé yêu rằng chỉ có ba mẹ hay người được tín nhiệm chăm sóc trẻ mới được nhìn thấy cơ thể con khi trẻ không mặc quần áo.

Với những trường hợp còn lại, thậm chí những người thân khác trong gia đình cũng chỉ được nhìn thấy bé sau khi con đã mặc đồ chỉn chu. Với trường hợp đi khám bệnh, bạn nên giải thích với trẻ rằng vì bác sĩ cần đưa ống tiêm, ống nghe chạm trực tiếp vào cơ thể con thì mới có thể khám cho con. Do đó, con hãy bình tĩnh thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ, y tá vì đã có ba mẹ bên cạnh quan sát.

Giới hạn đụng chạm

Ba mẹ nên giới thiệu cho trẻ những bộ phận trên cơ thể con mà người khác không thể đụng vào, đồng thời hướng dẫn bé không nghe lời người khác để tự chạm vào các vùng này trên cơ thể của chính mình. Bởi những kẻ xâm hại trẻ em rất tinh vi, chúng thường không tự động vào cơ thể trẻ mà sẽ sử dụng lời nói để hướng dẫn trẻ thực hiện theo ý mình.

Thêm vào đó, bạn hãy hướng dẫn trẻ không động chạm vào bộ phận nhạy cảm của người khác (đồng giới lẫn khác giới). Song song đó, con cũng không nên đặt câu hỏi liên quan đến giới tính với ai, ngoại trừ ba mẹ, bác sĩ hoặc thầy cô có trách nhiệm giáo dục về vấn đề này.

Khuyên con đừng giấu giếm

Để hướng dẫn con điều này, ba mẹ có thể mất rất nhiều thời gian bởi tâm lý trẻ rất non nớt, dễ bị tác động và dụ dỗ. Phần lớn những kẻ ấu dâm sau khi thực hiện hành vi đồi bại thường răn đe trẻ không được kể cho ai nghe.

Với những câu nói tác động rất mạnh đến tâm lý con như: “Con mà nói ra lần sau chú/cô đến sẽ không làm đau hơn còn không cho kẹo nữa đấy” hoặc “Nếu con nói, chú/cô sẽ làm hại đến ba mẹ, anh em của con đó”, trẻ sau khi nghe sẽ cảm thấy sợ hãi, từ đó dẫn đến việc giấu diếm trước ba mẹ.

Vì thế, các bậc phụ huynh nói với con càng sớm càng tốt rằng “Dù sao có chuyện gì xảy ra đi nữa, ba mẹ vẫn luôn yêu thương con. Vì vậy, khi có điều gì làm con không vui, hãy kể ngay cho ba mẹ nhé“. Đồng thời,  các bậc phụ huynh cũng nên tạo niềm tin ở trẻ tựa như một người bạn đồng hành.

Từ chối nếu con không thích

Việc ôm hôn của trẻ nên xuất phát từ tinh thần tự nguyên của con. Ba mẹ không nên ép buộc bé những điều nhạy cảm này nếu con không thích. Thay vào đó, bạn hãy dạy cho con cách từ chối khi xảy ra những sự đụng cham hay thân mật mà con không muốn. Ba mẹ có thể hướng dẫn con điều này theo quy tắc 5 ngón tay.

Khi ai muốn ôm hoặc hôn con, người đó đều phải hỏi qua ý kiến của con, kể cả ba mẹ. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy mình được tôn trọng cũng như phòng tránh những kẻ xấu có ý đồ đồi bại.

Để dạy con tránh bị xâm hại hiệu quả, trước tiên, các bậc làm cha mẹ nên bổ sung đầy đủ kiến thức cho chính mình. Tiếp theo, bạn hãy trở thành một người bạn đồng hành cùng con khám phá về những bí mật giới tính. Hơn ai hết, ba mẹ cần nâng cao cảnh giác cho con với người lạ và những hành vi xâm hại đến quyền riêng tư của trẻ.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Anh Nguyen