Dạy con biết chờ đợi là một bài học và cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong giai đoạn phát triển của bé. Học được điều này không những giúp bé trưởng thành hơn mà còn giúp ba mẹ đỡ cực hơn rất nhiều trong quá trình nuôi con.
Những lúc trẻ quấy khóc vô cớ, mè nheo, la hét, chen ngang vào cuộc trò chuyện của người lớn,… không chỉ khiến ba mẹ “đau đầu” mà đôi khi còn làm phiền những người xung quanh. Nếu bé đang có những biểu hiện như vậy ba mẹ cần phải nghiêm khắc chấn chỉnh ngay bằng cách dạy con biết chờ đợi.
Tại sao phải dạy con biết chờ đợi?
Thực tế cho thấy rất nhiều bà mẹ có xu hướng dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của con cái. Điều này thường bắt đầu từ lúc nhỏ, ví dụ như thấy bé khóc là mẹ sẽ tìm mọi cách để dỗ bé như cho kẹo, chở đi chơi, cho xem điện thoại, mua đồ chơi,… Dần dần, càng lớn bé sẽ càng hiểu rằng chỉ cần “giở chiêu” ăn vạ, khóc lóc thì sẽ ngay lập tức được đáp ứng mọi yêu cầu mà không cần chờ đợi.
Việc này nếu kéo dài sẽ mang đến cho bé tính xấu là không tôn trọng quỹ thời gian của người khác, ích kỷ và hay đòi hỏi. Chính vì thế, ngay từ lúc trẻ còn nhỏ ba mẹ phải cố gắng dạy cho con biết chờ đợi.
Thế nào là biết chờ đợi?
Chờ đợi ở đây có thể hiểu đơn giản là đợi đến giờ cơm mới ăn, kiên nhẫn chờ đợi khi xếp hàng, đi thang máy, đợi tính tiền, đợi đến lượt để được chơi xích đu, thích một món đồ gì thì phải đợi đến dịp hoặc đạt được lời hứa với ba mẹ mới được cho,… Những điều này tưởng như đơn giản nhưng lại rất khó để rèn cho bé nếu ba mẹ không để ý hướng dẫn.
Làm cách nào để dạy con biết chờ đợi?
Để dạy con biết chờ đợi yếu tố quan trọng nhất chính là ba mẹ. Ba mẹ có gương mẫu, có cố gắng làm gương, có cố gắng thay đổi thì mới có thể giúp bé trở nên biết chờ đợi. Để làm được điều này, ba mẹ cần tuân theo 3 nguyên tắc sau đây:
Dạy cho con hiểu về thời gian
Để con biết chờ đợi thì việc đầu tiên ba mẹ cần làm là phải cho bé hiểu về thời gian, cho bé biết sự khác nhau của 5 phút, 10 phút, 20 phút, 50 phút,… Ba mẹ có thể áp dụng cụ thể bằng cách đưa các mốc này vào cuộc hội thoại với bé. VD: “30 phút nữa ba sẽ đi làm về và đưa cả nhà đi chơi”, “gà rán sẽ được giao tới vào 10 phút nữa”,..
Dạy con những trò chơi mà chúng có thể chơi một mình
Ba mẹ đừng lầm tưởng việc con chơi một mình có nghĩa là con nhút nhát và thụ động nhé. Dạy con biết chơi một mình rất hay, con sẽ luôn biết cách tìm được niềm vui ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, chơi một mình không phải là “dán mắt” vào điện thoại hoặc máy tính bảng bởi vì các thiết bị này không tốt cho việc phát triển trí tưởng tượng của con. Ba mẹ nên hướng dẫn con chơi ghép chữ, ghép hình, đọc sách,… những việc này không chỉ giúp con thông minh hơn mà còn hình thành khả năng biết chờ đợi.
Dạy con biết chờ đợi những sự kiện lớn
Bất cứ đứa trẻ nào cũng luôn phấn khích trước những dịp lễ như: sinh nhật, giáng sinh, quốc tế thiếu nhi,… bởi vì con biết con sẽ được ba mẹ cho đi chơi, được tặng quà. Tuy nhiên, vì còn nhỏ nên con không biết khi nào sẽ có lễ, khi nào thì đến dịp được đi chơi nên cứ hỏi và đòi liên tục.
Ba mẹ có thể nhân những dịp này để rèn con biết chờ đợi bằng cách mua cho con một quyển lịch riêng để con đánh dấu những dịp lễ hoặc các ngày kỉ niệm mà ba mẹ và con cùng thống nhất với nhau. Mỗi khi đến các cột mốc đó, ba mẹ nhớ dành cho con một phần thưởng nhỏ như món đồ chơi, dắt đi ăn, tặng thiệp,…. Dần dần con sẽ hiểu được rằng muốn có được những điều tương tự như vậy phải chờ đợi.
Điều ba mẹ cần tự nhắc mình trong việc dạy con biết chờ đợi
Con không thể biết chờ đợi nếu như ba mẹ luôn là người nóng vội đúng không nào? Trẻ em như một tờ giấy trắng, những việc ba mẹ làm tuy không cố ý nhưng sẽ vô tình lọt vào sự quan sát của con, khiến con nghĩ rằng đó là hành động hợp lý, đúng đắn và noi theo theo trong vô thức. Trong cuộc sống hằng ngày, để dạy con biết chờ đợi ba mẹ nên chú ý 3 điều sau:
Luôn kiên nhẫn để làm gương
Không tỏ ra mất kiên nhẫn, cáu gắt, nóng vội khi phải đợi lâu ở thang máy, siêu thị, trung tâm thương mại,… Hãy luôn chờ đợi trong tâm trạng vui vẻ và hướng dẫn bé biết chờ đến lượt chung với mình.
Không thỏa hiệp
Tuyệt đối không đáp ứng yêu cầu của bé nếu bé tỏ ra không biết chờ đợi. Ví dụ: Ba mẹ hứa 30 phút nữa sẽ ra ngoài chơi nhưng nếu bé liên tục mè nheo, đòi hỏi, khóc lóc, thậm chí là ăn vạ để được đi sớm hơn thì ba mẹ hãy phạt bé bằng cách không cho bé đi chơi vào hôm đó.
Giữ uy tín
Tương tự với không thỏa hiệp, nếu bé làm đúng cam kết, biết chờ đợi thì ba mẹ cũng tuyệt đối không được mất uy tín với bé. Việc mất uy tín sẽ khiến bé hiểu rằng chờ đợi là không có ý nghĩa.
Làm được những điều này chắc chắn ba mẹ sẽ thành công trong quá trình dạy con biết chờ đợi!
Xem thêm:
- Chậm nói có phải là dấu hiệu của trẻ thông minh?
- Bí quyết dạy con tự tin là nhờ vào sự tâm lý của ba mẹ
- Cách dạy con gái 1 tuổi phát triển vượt trội hơn người
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!