Đầu trẻ sơ sinh bị dài là do hộp sọ của trẻ bị biến đổi khi đi qua đường sinh ở tử cung. Chỉ khoảng 5 tuần sau sinh, đầu của trẻ sẽ dần thay đổi trở về hình dạng thường thấy ở các em bé. Thậm chí với những ai lần đầu làm mẹ, việc thấy đầu trẻ sơ sinh bị dài có thể khiến mẹ lo lắng không ngừng.
- Hiện tượng đầu dài ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân gây ra hiện tượng này?
- Đầu bé bị dài có phải là dấu hiệu bất thường hay không?
- Mẹ có nên lo lắng khi đầu em bé mới sinh bị dài?
- Giúp mẹ giữ cho đầu trẻ sơ sinh tròn đẹp từ khi lọt lòng
- Có cách massage đầu cho trẻ sơ sinh giúp đầu con trở lại tròn đẹp hay không?
Hiện tượng đầu dài ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân gây ra hiện tượng này?
Tâm lý thông thường của các bậc cha mẹ sau thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày là mong cho em bé chào đời được khỏe mạnh với hình hài đầy đủ, bình thường.
Hiện tượng đầu của trẻ sơ sinh bị dài ra trong quá trình sinh nở là do hộp sọ của trẻ bị biến đổi khi đi qua đường sinh ở tử cung. Lúc này, đầu em bé còn rất mềm nên những áp lực tương đối mạnh lên hộp sọ đã khiến cấu trúc xương tự thay đổi để con có thể dễ dàng chui lọt ra ngoài và chào đời khỏe mạnh.
- Nhiều ba mẹ lo lắng về hình dáng đầu của trẻ sơ sinh (Ảnh: istockphoto)
Đầu bé bị dài có phải là dấu hiệu bất thường hay không?
Đầu là nơi chứa não bộ, hệ thần kinh trung ương điều khiển mọi hoạt động và nhận thức của cơ thể. Khi đầu trẻ sơ sinh bị dài khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng, bất an là một trạng thái tâm lý có thể hiểu được. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, với nguyên nhân gây ra do áp lực sinh nở, việc đầu trẻ sơ sinh bị dài là một hiện tượng hết sức bình thường.
- Việc đầu trẻ sơ sinh bị dài là một hiện tượng hết sức bình thường (Ảnh: istockphoto)
Chỉ khoảng 5 tuần sau sinh, đầu của trẻ sẽ dần thay đổi trở về hình dạng thường thấy ở các em bé. Nếu mẹ để ý kĩ một chút sẽ nhận thấy rằng chỉ 1 ngày sau sinh, chiếc đầu dài của con đã thay đổi ít nhiều và theo từng ngày con lớn lên, mẹ sẽ quen dần với hình dáng đó.
Mẹ có nên lo lắng khi đầu em bé mới sinh bị dài?
Nếu em bé ra đời với chiếc đầu dài kèm theo một số dấu hiệu đáng ngại sau thì mẹ nên lường trước một số bệnh lý có liên quan:
- Đầu trẻ sơ sinh bị dài và to với kích cỡ tăng nhanh bất thường
- Da đầu bé mỏng, lộ rõ những gân xanh và tĩnh mạch
- Thóp trẻ căng và phồng lên bất thường, nhìn thấy phập phồng
- Mắt bé bị lệch, có xu hướng nhìn nhiều xuống dưới
- Trẻ không linh hoạt, bú kém, ngủ nhiều, kèm theo nôn mửa, co giật
Không loại trừ khả năng con có thể bị bệnh não úng thủy rất nguy hiểm nên cha mẹ cần cho trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu con có một hoặc nhiều những dấu hiểu kể trên.
Giúp mẹ giữ cho đầu trẻ sơ sinh tròn đẹp từ khi lọt lòng
Theo lời khuyên của bác sĩ, xương hộp sọ của trẻ sơ sinh còn rất mềm và đang tiếp tục phát triển. Mặc dù khi trẻ sơ sinh đầu bị dài hay đầu trẻ sơ sinh bị bẹp 2 bên cũng không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng gì đến thể chất của em bé nhưng nếu vẫn muốn chiếc đầu của con tròn đều, cân đối mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Thường xuyên đổi tư thế nằm cho con, nằm ngửa, nằm nghiêng trái, nghiêng phải.
- Thay đổi tư thế cho con bú. Nếu muốn đầu bé tròn đều, mẹ cần lưu ý khi cho con bú nên chuyển từ bên này sang bên kia, không cho bú quá nhiều bên tay thuận khiến trẻ có xu hướng nghiêng sang 1 bên.
- Đối với trẻ sơ sinh, mẹ không cần dùng đến gối khi nằm mà chỉ cần lót khăn mỏng. Kê gối cao sẽ gây áp lực từ phần cổ lên phần đầu, dễ khiến đầu trẻ sơ sinh bị dài và bẹp.
- Mẹo dân gian chữa đầu dài cho trẻ sơ sinh là treo trên nôi trẻ một số con thú, đồ chơi hay các vật chuyển động với âm thanh, màu sắc sống động. Những vật này sẽ khiến trẻ thích thú khi quan sát, vừa luyện được mắt, vừa giúp đầu trẻ không ngừng nghiêng sang bên này hay bên kia.
Cách massage giúp đầu con trở lại tròn đẹp
Mẹ có thể massage cho bé từ 1 tháng tuổi trở lên. Thời điểm tốt nhất để massage cho trẻ là khi trẻ tỉnh táo, đã được nghỉ ngơi đầy đủ và có vẻ thích thú.
Cách massage đầu cho trẻ sơ sinh và massage phần mặt rất khó khăn vì trẻ có xu hướng nghịch ngợm và di chuyển khá nhiều. Để bắt đầu, mẹ hãy đặt đầu ngón trỏ vào giữa trán của bé và từ từ vuốt ve dọc theo đường viền khuôn mặt xuống về phía cằm. Từ cằm, mẹ di chuyển ngón tay của mình lên má và xoa má nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. Lặp lại động tác một vài lần.
- Cách massage vùng đầu và mặt cho trẻ sơ sinh (Ảnh: istockphoto)
Sau khi massage mặt là massage đầu, mẹ hãy bắt đầu massage da đầu bằng ngón tay như đang gội đầu cho bé. Cố gắng sử dụng áp lực nhẹ nhàng từ đầu ngón tay của bạn và không đè thêm bất cứ áp lực nào vì hộp sọ của bé rất yếu và nhạy cảm.
Lời kết
Đầu trẻ sơ sinh bị dài là một trong muôn vàn các vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Các chuyên gia cho biết hiện tượng đầu bị dài của trẻ sơ sinh sẽ dần biến mất. Vài ngày sau khi sinh, hộp sọ của bé sẽ tự điều chỉnh hình dáng. Các bậc cha mẹ hãy yên tâm vì đây không phải là trường hợp bé bị chấn thương vùng đầu.
Nếu con vẫn ăn ngủ bình thường mà không có bất cứ dấu hiệu quấy khóc nào kèm theo thì mẹ có thể yên tâm rằng, chiếc đầu dài mà bé có là một sự khác biệt nho nhỏ với các em bé khác mà thôi. Mẹ hãy tiếp tục chăm sóc bé để con lớn khôn từng ngày mẹ nhé.