Nhận biết ngay các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh
Mặc dù ngày nay điều kiện kinh tế đã được nâng cao song vẫn còn 1 số ít trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Dù ít gặp nhưng ba mẹ cũng nên trang bị kiến thức để nắm được những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng, từ đó có phương án xử lý thích hợp khi gặp phải.
Hiểu đúng về suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là protein, vitamin và các chất khoáng. Cơ thể không nhận được đủ chất dinh dưỡng làm suy giảm hoạt động của các cơ quan. Suy dinh dưỡng cần đặc biệt chú ý ở trẻ em, nhất là giai đoạn từ 6 – 24 tháng khi nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ở thời kỳ này là vô cùng cao.
Suy dinh dưỡng ở trẻ gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thì não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng. Để đánh giá trẻ sơ sinh có bị suy dinh dưỡng hay không, chuyên gia thường dựa vào 3 chỉ số:
- Cân nặng theo tuổi
- Chiều cao theo tuổi
- Cân nặng theo chiều cao
Cân nặng hàng tháng là chỉ số cho thấy sự phát triển của bé. Ba mẹ có thể cân trẻ định kỳ và so sánh với biểu đồ tăng trưởng:
- Trẻ tăng cân đều đặn hàng tháng: bé khỏe mạnh, phát triển bình thường
- Trẻ không tăng cân: Không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng
- Ngoài ra số đo vòng cánh tay trái cũng có thể được dùng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ
Nếu cân nặng của bé không tăng tương ứng với biểu đồ tăng trưởng thì cha mẹ có thể nghĩ đến việc con đang bị suy dinh dưỡng và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế làm các xét nghiệm cần thiết để có kết luận chính xác cũng như hướng điều trị hợp lý.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng
Từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn vàng để bé yêu phát triển 1 cách toàn diện nhất. Nếu giai đoạn này có thiếu sót trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thì có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả khó khắc phục về sau. Ba mẹ cần theo dõi tình trạng thể chất cũng như sức khỏe của con để có thể nhận ra những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng 1 cách sớm nhất.
Trẻ chậm phát triển thể chất
Chậm tăng cân là chỉ số quan trọng nói lên tình trạng chậm phát triển thể chất ở trẻ sơ sinh. Nếu bé không phát triển thêm, cân nặng không tăng trong 3 tháng liên tục thì mẹ cần theo dõi lại biểu đồ chiều cao, cân nặng của trẻ.
Trẻ phát triển bình thường sẽ có mốc tăng trưởng cân nặng như sau:
- Cân nặng lúc mới sinh: khoảng 3kg
- 3 tháng đầu sau sinh: trẻ tăng từ 1 – 2kg/tháng
- Tháng thứ 4 – 6: tăng từ 0,5 – 0,6 kg /tháng
- Trẻ 7 – 12 tháng: tăng từ 0,3 – 0,4 kg/tháng
- Trẻ đạt mốc cân nặng gần gấp 3 lúc mới sinh khi được 1 tuổi (9 – 10kg)
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh phát triển bình thường thì chiều cao cũng tăng tương ứng với số tháng tuổi, cụ thể:
- Chiều cao lúc mới sinh: khoảng 50cm
- 3 tháng đầu: tăng trung bình 3cm/tháng
- 4 – 6 tháng: tăng 2 – 2,5cm/tháng
- 7 – 9 tháng: tăng 2cm/tháng
- 10 – 12 tháng: tăng 1 – 1,5cm/ tháng
- Chiều cao của bé khi tròn 12 tháng tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75 cm)
Mẹ hoàn toàn có thể dễ dàng nhận xét bé có bị suy dinh dưỡng hay không bằng việc theo dõi chiều cao cũng như cân nặng của bé. Những trẻ được đánh giá là có dấu hiệu suy dinh dưỡng thường có cân nặng nhẹ hơn khoảng 20% so với bảng tiêu chuẩn cân nặng và thấp hơn khoảng 10%.
Mặt khác, vì thiếu các dưỡng chất cần thiết cho phát triển nên các mốc vận động quan trọng của bé như lật, bò, đứng, đi… cũng bị ảnh hưởng và thường chậm hơn trẻ khác.
Trẻ có biểu hiện hay mệt mỏi, ốm yếu và kém linh hoạt
- 1 trong những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng mẹ có thể dựa vào để đánh giá là bữa ăn và lượng ăn của trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng thường biếng ăn, ăn không đủ bữa, ăn không hết khẩu phần ăn của từng bữa….
- Giấc ngủ của trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng cũng thường bị rối loạn, trẻ hay giật mình, quấy khóc, ngủ không sâu giấc. Giấc ngủ rối loạn thì bé cũng kém linh hoạt, thường xuyên lờ đờ, mệt mỏi vào ban ngày…
- Bé hay ốm vặt, mắc các bệnh đường hô hấp khi thay đổi thời tiết
- Trẻ có vấn đề tiêu hóa, thường xuyên đi ngoài và đi nhiều lần
- Da xanh xao, môi nhợt nhạt
- Trẻ không quan tâm đến hoạt động, môi trường xung quanh, khả năng giao tiếp bằng mắt bị hạn chế
- Bé có thể ngủ và khóc quá nhiều. 1 số bé thiếu những vitamin và khoáng chất nhất định sẽ có triệu chứng cụ thể như suy giảm hệ miễn dịch, da khô, phản ứng chậm, sâu răng, chảy máu chân răng…
Dấu hiệu suy dinh dưỡng dựa trên hình thái của trẻ
Có 1 cách khác để nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng là dựa trên hình thái của trẻ. Đây cũng là 1 cách các bác sĩ dùng để phân loại trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng, cụ thể như sau:
- Suy dinh dưỡng thể teo đét: Trẻ bị mất chất béo và cơ do chế độ ăn thiếu đạm và năng lượng. Trẻ bị thiếu chất béo dưới da nên làn da rất mỏng, cảm giác như chỉ có “da bọc xương”. Bé còn bị rụng tóc, da sẫm màu, lờ đờ, nằm im không di chuyển hay khóc liên tục trong thời gian dài
- Suy dinh dưỡng thể còi cọc: biểu hiện suy dinh dưỡng tương tự trẻ bị suy dinh dưỡng thể teo đét, trẻ thiếu đa dinh dưỡng tuy nhiên mức độ nhẹ hơn
- Suy dinh dưỡng thể phù: bé có khuôn mặt bụ bẫm nhưng chân tay khẳng khiu, yếu ớt, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to. Mặt, mí mắt, chân tay bé bị phù rồi dần nặng hơn làm cả cơ thể bị phù thũng
Suy dinh dưỡng nếu không được cải thiện trong thời gian sớm sẽ có nguy cơ trở thành suy dinh dưỡng mãn tính, gây ra những tổn hại nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để có kết luận chính xác và đưa ra giải pháp tốt nhất để cải thiện tình hình.
Xem thêm:
- Trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng nên ăn gì để bắt kịp thang phát triển?
- Các loại suy dinh dưỡng trẻ em – nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
- Bí quyết cho trẻ ăn dặm đúng cách để phòng suy dinh dưỡng
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!