Mẹ bầu cần hết sức chú ý tới một số dấu hiệu thai chết lưu 3 tháng giữa như đau bụng ra máu, thai nhi không cử động, bụng ngừng to, …
Thai nhi 3 tháng giữa và nguy cơ thai lưu
3 tháng giữa của thai kỳ được tính từ tuần 13 đến hết tuần 27. Ở những tháng này, giới tính thai nhi cũng đã có thể nhìn thấy rõ ràng và mẹ bầu bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi. Tuy vậy nguy cơ thai lưu vẫn hoàn toàn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Thai lưu là tình trạng thai nhi dừng phát triển trong bụng mẹ và nằm lại trong tử cung. Theo thống kê cho thấy, cứ 200 phụ nữ mang thai thì có một người gặp phải vấn đề này. Một số mẹ bầu không hề biết đến tình trạng thai đã chết lưu cho đến khi có những xét nghiệm thai kỳ. Đó thực sự là một điều đau đớn đối với người mẹ.
Những dấu hiệu thai chết lưu 3 tháng giữa
Các bác sĩ sản khoa cho biết, trong giai đoạn 3 tháng giữa, việc xác định thai lưu từ chính người mẹ không phải bao giờ cũng thực hiện được. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của mình, mẹ bầu hãy quan sát các dấu hiệu thường gặp với tình trạng thai lưu như sau.
1. Những biểu hiện mang thai dần biến mất
Trong mỗi thai kỳ, người phụ nữ bao giờ có các biểu hiện của việc mang thai 3 tháng giữa đặc trưng như ốm nghén (vẫn còn ở một số mẹ bầu), đầy hơi, táo bón, đau lưng, chuột rút, căng tức ngực, khẩu vị thay đổi…
Khi tất cả các triệu chứng mang thai trước đó bạn đang có bỗng dưng biến mất một cách khó hiểu thì các mẹ nên nghĩ tới trường hợp xấu nhất là thai chết lưu.
2. Xuất hiện tình trạng đau bụng
Hiện tượng đau bụng khi mang thai hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào. Một cơn đau bụng được cho là bình thường khi mẹ bầu đau ở ở mức độ nhẹ, thỉnh thoảng mới đau và không kèm theo ra máu.
Trong trường hợp mẹ bầu bỗng nhiên cảm thấy đau bụng dữ dội, cơn đau xuất hiện với tần suất nhiều (có thể ra máu hoặc không) thì đây cũng có thể là dấu hiệu thai chết lưu 3 tháng giữa.
3. Có hiện tượng chảy máu âm đạo
Một trong những biểu hiện thai lưu rõ rệt là hiện tượng chảy máu âm đạo trong thai kỳ. Lượng máu thường ra nhiều, liên tục và thậm chí có cả máu đông cục.
Vì vậy, nếu thấy bị chảy máu âm đạo một cách bất thường thì mẹ bầu nên đi khám ngay để được kiểm tra, đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.
4. Mẹ bầu cảm thấy nước ối có vấn đề bất thường
Thai nhi phát triển trong túi ối như một căn nhà bảo vệ bé. Lượng nước ối nhiều hay ít hoặc bất kỳ những thay đổi bất thường nào của nước ối cũng đều ảnh hưởng nhất định tới sự sống còn của thai nhi.
Nước ối nhiều có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của tim mạch, phổi hay hệ thần kinh. Ngược lại nếu nước ối ít có thể gây dị tật bẩm sinh, tệ hơn là thai lưu.
Không chỉ vậy, nếu túi ối vỡ, hiện tượng nhiễm khuẩn có thể xảy ra, không chỉ gây thai lưu mà còn rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ bầu.
5. Mẹ bầu không cảm nhận được cử động của thai nhi
Từ tuần thứ 16-18 trở đi (với các mẹ mang thai từ lần 2 sẽ cảm nhận được thai máy sớm hơn), hầu hết mẹ bầu đã bắt đầu cảm nhận được những chuyển động của bé yêu trong bụng. Không có một con số nhất định nào về số lần thai nhi cử động – vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau.
Tuy vậy, nếu mẹ cảm giác rằng con cử động ít đi hoặc không còn máy nữa thì nguy cơ thai bị lưu là rất cao. Đó là bởi tình trạng thai máy cho biết tình hình sức khỏe và mức độ phát triển của thai nhi. Khi vào giai đoạn giữa thai kỳ, thai nhi đã lớn và rất hay cử động, những tác động này mẹ bầu có thể dễ dàng nhận biết được.
6. Bụng mẹ bầu không to ra nữa và cân nặng bị chững lại hoặc sụt đi
3 tháng giữa là thời điểm thai nhi phát triển rất nhanh, do đó cân nặng của mẹ bầu sẽ tăng khá nhanh. Không chỉ vậy, kích thước bụng của mẹ bầu cũng tăng lên để phù hợp với kích thước của em bé.
Nếu thấy bụng không phát triển, cân nặng bị chững lại thì mẹ bầu cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.
7. Tình trạng chuột rút và đau lưng xuất hiện liên tục
Khi mang thai, đặc biệt là từ những tháng giữa trở đi, mẹ bầu thường gặp hiện tượng chuột rút và đau lưng do thai nhi phát triển lớn hơn, gây áp lực tới hệ cơ xương của mẹ.
Mặc dù vậy, nếu các biểu hiện trên xuất hiện bất thường, với tần suất quá nhiều và gây đau đớn nhiều hơn bình thường thì rất có thể đây là biểu hiện thai lưu. Các mẹ cần đi thăm khám ngay để chuẩn đoán nguyên nhân sớm nhất có thể.
Cách xử lý khi mẹ bầu có dấu hiệu thai lưu
Ngay khi xuất hiện một hay đồng thời các dấu hiệu như trên và nghi ngờ về việc thai nhi không còn phát triển nữa thì mẹ cần đi đến bệnh viện để được chẩn đoán và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Với những mẹ đã mang thai 3 tháng giữa, lúc này thai nhi phát triển khá lớn nên không thể đợi cho thai tự tiêu biến như những tháng đầu mà cần thực hiện thủ thuật y tế.
Ba phương pháp phổ biến để đưa thai đã chết lưu ra ngoài gồm:
– Gây khởi phát chuyển dạ: Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc hoặc dùng thủ thuật bấm ối để gây khởi phát chuyển dạ vì nếu thai chết lưu trong tử cung lâu sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn đông máu gây nguy hiểm cho mẹ (đông máu nội mạch lan tỏa).
– Nong cổ tử cung và hút: Bác sĩ sẽ nong cổ tử cung và dùng dụng cụ để lấy thai chết lưu ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ hạn chế thông tin mà bác sĩ có thể thu thập được để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.
– Tiến hành mổ lấy thai: Với trường hợp thai quá lớn, bác sĩ sẽ thực hiện ca sinh mổ để lấy thai ra khỏi bụng mẹ.
Những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu cần được xem xét qua các xét nghiệm của bác sĩ. Điều quan trọng là mẹ đừng vội trách mình. Thay vào đó mẹ bầu cần được chăm sóc, chia sẻ để cơ thể phục hồi sớm nhất có thể về cả tinh thần và thể chất.
Xem thêm:
- Thai Chết Lưu – Những dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu cần chú ý!
- LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH THAI CHẾT LƯU? Những gợi ý cho mẹ bầu.
- 6 Dấu hiệu thai lưu không ra máu mẹ cần biết sớm để tránh gây nguy hiểm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!