Ông bà ta thường nói “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” như chuẩn mực cho hôn nhân. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, câu nói trên đã không còn phù hợp. Nam giới cũng cần có trách nhiệm “xây tổ ấm”, còn người phụ nữ cũng cần phải “xây nhà”. Không ai có đặc quyền và nghĩa vụ chỉ làm cái này mà không làm cái kia. Mỗi người đều phải cùng nhau “xây nhà”, “xây tổ ấm” và vun đắp cho 1 cuộc hôn nhân bền lâu.
Giải nghĩa quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
Quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” bắt nguồn từ việc trọng nam, khinh nữ, coi đàn ông là chủ gia đình, còn người vợ chỉ là thứ yếu. Thời phong kiến, phụ nữ phải có “tam tòng, tứ đức”, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng con.
Nhiều người cho rằng đàn ông là trụ cột, làm công to việc lớn như kiếm tiền để nuôi cả nhà; còn phụ nữ chỉ làm việc nhà, lo bếp núc, chăm con và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đàn ông đi làm việc nhà, trông con thì bị coi là “mặc váy”. Đàn bà mà là trụ cột gia đình, đi kiếm tiền, thành đạt ngoài xã hội dễ bị cho là lấn át chồng, thiếu nữ tính, không phù hợp với thiên chức làm vợ làm mẹ.
Cùng nhau “xây nhà” và “xây tổ ấm” trong xã hội hiện nay
Ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có những chuẩn mực “ngầm” về quan hệ hôn nhân, đôi lứa, rằng người đàn ông thường thành đạt, kiếm được nhiều tiền hơn và sẽ bao bọc, lo lắng cho người phụ nữ cùng các con. Thế nhưng xã hội cũng lại muôn hình vạn trạng và với xu thế phát triển của nó, có những gia đình sẽ đi ngược lại với số đông.
Việc xây nhà và xây tổ ấm đều là quyền lợi và trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng trong xu thế phát triển hiện nay. Người chồng bươn chải ngoài xã hội để kiếm tiền cho gia đình sẽ thấy đỡ 1 phần nào áp lực về kinh tế khi có 1 người vợ cùng đi làm, chăm lo sự nghiệp, gánh vác cùng mình. Ngược lại, việc chăm sóc con cái, nhà cửa, bếp núc… không chỉ cần bàn tay của người phụ nữ mà còn có công của người chồng. Nếu là 1 người chồng bản lĩnh, hiện đại thì tất cả đều có thể.
Hình ảnh 1 đức ông chồng tranh thủ về sớm đón con, đi chợ nấu cơm chờ vợ về không phải là hiếm trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, là người phụ nữ dù thành đạt đến như thế nào cũng không nên quên thiên chức làm vợ, làm mẹ để cùng chồng vun vén cho tổ ấm. Dù ở bất kỳ vị trí hay cương vị nào, nếu vợ chồng yêu thương, san sẻ cùng nhau thì việc xây nhà và xây tổ ấm không còn là trách nhiệm của riêng ai.
Bí quyết để có cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững
-
Tôn trọng lẫn nhau
Sự tôn trọng luôn là nền tảng cho hôn nhân hạnh phúc. Ngay cả khi tức giận, bạn hãy cố gắng thể hiện điều đó một cách lịch sự nhất. Câu nói “tương kính như tân” mà người ta thường nói chính là lời khuyên hữu ích trong trường hợp này.
-
Không so sánh nửa kia của mình với người khác
Đôi khi, những hình ảnh hạnh phúc của các cặp đôi khác khiến chúng ta cảm thấy hâm mộ và vô tình áp đặt những chuẩn mực hạnh phúc đó lên người bạn đời. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nên hãy biết tự hài lòng và yêu quý, trân trọng những gì mình đang có.
-
Luôn luôn chăm sóc bản thân
Kết hôn và có con không có nghĩa là bạn có thể bỏ mặc cơ thể, không chăm lo cho hình ảnh của mình. Việc chăm lo cho sức khỏe, sắc đẹp cũng là 1 bí quyết giúp đời sống vợ chồng mặn nồng và hạnh phúc.
-
Dành thời gian riêng cho nhau
Sau khi kết hôn được một thời gian, những mối lo về gia đình, con cái, công việc đôi khi khiến 2 người không còn những thời gian riêng tư như trước. Cố gắng dành một buổi hẹn để hâm nóng tình cảm sẽ là liều thuốc bổ cho tình yêu.
-
Học cách tha thứ cho nhau
Không có ai hoàn hảo. Mỗi người ít nhiều đều sẽ mắc những sai lầm trong đời và nửa kia cũng không phải là ngoại lệ. Nếu vợ chồng không thể cảm thông, tha thứ cho nhau, cuộc hôn nhân sẽ đổ vỡ theo thời gian vì muộn phiền tích lũy.
-
Đừng cố thay đổi nửa kia
Học được cách tôn trọng những sở thích, thói quen cá nhân của vợ/chồng hay tuyệt hơn là cùng chia sẻ chúng sẽ giúp cuộc sống hôn nhân trở nên hòa hợp, dễ chịu hơn.
-
Tránh những từ ngữ nặng nề, đặc biệt là “ly hôn”
Trong cuộc cãi vã, cơn nóng giận rất dễ khiến bạn nói ra những lời nặng nề, tệ hơn là đề cập đến chuyện ly hôn. Có thể sau đó bình tĩnh lại và cố gắng bù đắp sai lầm, song không phải lúc nào những tổn thương do lời nói gây ra cũng có thể cứu vãn được.
-
Kiểm soát cảm xúc
Hãy tự nhủ với bản thân “dừng lại” mỗi khi có ý định muốn xúc phạm người mình yêu thương. Nếu cảm thấy không thể kiểm soát được bản thân, hãy tạm ngưng tranh cãi và thay đổi bầu không khí để lấy lại bình tĩnh. Điều này sẽ giúp cả hai tránh được những hậu quả đáng tiếc do nóng giận.
-
Không nói xấu về bạn đời
Ngay cả với những người thân thiết, việc kể lể những thói xấu của nửa kia hay than phiền về các vấn đề trong gia đình không phải cách tốt. Khi cảm thấy mọi chuyện có thể trở nên nghiêm trọng, việc cần làm là đề nghị đối thoại giữa hai người để giải quyết mâu thuẫn.
-
Thể hiện tình yêu
Đôi khi, một lời khen bất chợt về mái tóc mới, bó hoa tặng không nhân dịp gì hay đề nghị một bữa tối tại nhà hàng vào cuối tuần sẽ là những gợi ý hay nếu muốn hâm nóng tình cảm hai người. Kể cả khi đã kết hôn nhiều năm hay bộn bề con cái, những cử chỉ, lời nói yêu thương dành cho nửa kia không bao giờ thừa.
Lời kết
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, câu nói ấy không sai, nhưng để người đàn ông thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong cuộc sống gia đình, xây dựng nề nếp và định hướng cho con cái hãy bắt đầu từ việc sẻ chia ngay trong chính cuộc sống hằng ngày bởi hiện nay, người phụ nữ không còn bị trói buộc mình trong gian bếp mà đã dần khẳng định vị thế của mình trong mọi việc. Hạnh phúc không bắt nguồn từ những điều to tát, mà ở ngay trong sự sẻ chia, vun vén nhỏ nhặt trong cuộc sống vợ chồng.
Xem thêm
- 10 lời khuyên về xây dựng tình yêu bền chặt cho đàn ông
- Tuyệt chiêu khiến chàng sợ mất bạn khi yêu xa
- Nên làm gì khi chàng đột nhiên không nhắn tin
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!