Da trẻ sơ sinh bị khô - Mẹ nên xử lý thế nào?

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Da trẻ sơ sinh bị khô nếu không được xử lý đúng có thể dẫn đến tình trạng bong tróc, nứt da khó chịu. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết cách xử lý đúng trong tình huống trẻ sơ sinh bị khô da. Mẹ cùng tìm hiểu nhé!

Vì sao da trẻ sơ sinh bị khô?

Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và non yếu, nhất là trong những năm đầu đời, trẻ sơ sinh bị khô da là hiện tượng khá phổ biến do nhiều nguyên nhân sau:

  • Trong thời gian nằm trong bụng mẹ, thai nhi được bao phủ bởi một lớp màng sáp màu vàng và hơi trơn (vernix caseosa). Lớp phủ này bảo vệ bé khỏi sự tấn công của vi khuẩn và các tác nhân gây hại. Khi bé chào đời, lớp bảo vệ bong dần, từ đó dẫn đến da trẻ sơ sinh bị khô, bong tróc khi tiếp xúc với không khí, nước, quần áo…
  • Cấu trúc làn da bé rất mỏng manh, đặc biệt là lớp thượng bì chưa hình thành nên làn da bé chưa có sự vững chắc và không thể bảo vệ trước sự mất nước của làn da
  • Sự thay đổi nhiệt độ làm mất cân bằng độ ẩm của da
  • Một số bé bị khô da do thời tiết thay đổi nhưng mẹ chưa biết cách chăm sóc đúng làm da bé càng trở nên khô ráp hơn
  • Sự chênh lệch nhiệt độ và thiếu ẩm trong không khí vào mùa đông khiến da bé thường xuyên bị khô
  • Da bé bị kích ứng và nứt nẻ do các yếu tố như nước giặt, sợi vải, nilon trong quần áo…
  • Bé nằm trong phòng bật điều hòa trong thời gian quá lâu
  • Các loại hóa mỹ phẩm dùng cho da bé không phù hợp.

Các vùng da trẻ sơ sinh hay bị khô nhất

  • Da mặt: Da mặt là vùng da mỏng nhất trên cơ thể. Chỉ cần một tác nhân nhỏ cũng sẽ khiến da bé bị tổn thương. Trong mùa đông lạnh, hai gò má bé rất dễ bị khô ráp, căng sần khiến bé khó chịu, bỏ bú, quấy khóc và hay chà xát vào mặt vì ngứa.
  • Da chân: Chân, đặc biệt là gót chân là nơi da bé dễ bị khô nhất. Đây là vùng da mẹ ít chăm sóc, khi tiếp xúc với không khí hanh, da chân trẻ bị khô, nứt nẻ, thậm chí chảy máu nếu mẹ không can thiệp kịp thời.
  • Da lưng: Lưng là bộ phận tiếp xúc với nước nóng nhiều nhất khi bé tắm nên rất dễ bị khô. Thời tiết lạnh, mẹ thường tắm nước quá nóng và da lưng bé bị ngâm trong nước lâu khiến da bị mất nhiều độ ẩm, gây khô ráp như da rắn.

Mẹ nên làm gì khi da bé bị khô?

Thông thường tình trạng da khô sẽ tự hết mà không cần điều trị. Nếu da bé bị khô do thời tiết thay đổi, mẹ cần chăm sóc đúng cách để cải thiện độ ẩm làn da cho bé, giảm bớt khó chịu ở trẻ.

Điều chỉnh khi tắm cho trẻ

  • Trẻ càng được tắm nhiều thì lớp dầu tự nhiên trên da càng nhanh mất đi, da bé càng khô hơn. Chuyên gia khuyến cáo mẹ không nên tắm cho bé quá nhiều, nhất là khi bé đang bị khô da.
  • Thời gian tắm chỉ nên kéo dài 10 – 15 phút. Những ngày không tắm mẹ chỉ cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín, những vùng da có nếp gấp như bẹn, nách, nếp gấp tay, chân, cổ…
  • Trẻ nên được tắm bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh phù hợp với làn da nhạy cảm của bé
  • Nước tắm không nên nóng quá hoặc lạnh quá, nên kiểm tra nước trước khi tắm cho bé
  • Để da bé được mịn màng, trước khi tắm mẹ nên massage cho bé với tinh dầu dưỡng để loại bỏ da chết cũng như tăng cường tuần hoàn máu
  • Không nên dùng quạt sưởi khi tắm cho bé vì nhiệt độ cao càng khiến da bé khô hơn.

Dưỡng ẩm khi da trẻ sơ sinh bị khô

  • Sau khi tắm xong, mẹ nên dùng khăn bông mềm lau khô nước trên da bé nhẹ nhàng, không cọ sát mạnh vào làn da nhạy cảm của trẻ.
  • Bôi kem dưỡng ẩm loại dành cho trẻ sơ sinh sau khi tắm và theo hướng dẫn của sản phẩm
  • Dùng các loại máy bù ẩm, cung cấp thêm độ ẩm trong phòng bé để cải thiện tình trạng khô da.
  • Dưỡng ẩm cho bé bằng các sản phẩm thiên nhiên như dầu dừa, dầu olive. Dầu dừa, dầu olive là sản phẩm an toàn cho da bé, có hàm lượng vitamin E cao giúp giữ ẩm và làm mềm da bé. Mẹ có thể cho vài giọt dầu olive vào nước ấm để tắm cho bé, tình trạng khô da sẽ được cải thiện đáng kể. 1 cách khác là dùng dầu dừa massage nhẹ nhàng cơ thể bé trước/sau khi tắm và trước khi bé ngủ. Massage dầu dừa thường xuyên còn giúp ngăn ngừa bệnh chàm cho trẻ sơ sinh.

Khi nào thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ?

Hiện tượng khô da ở trẻ có thể tự khỏi sau một thời gian, tuy nhiên mẹ cũng nên lưu ý những biểu hiện trên cơ thể bé. Khi thấy những dấu hiệu bất thường sau, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ:

  • Da trẻ sơ sinh bị khô kèm theo ngứa, da xuất hiện mảng đỏ có thể do bị chàm bội nhiễm
  • Da bé khô từng lớp như vảy cá
  • Trẻ bị da khô, nứt nẻ, chảy dịch mủ vàng, sưng phù quá mức.

Lưu ý cho mẹ khi chăm sóc da cho trẻ sơ sinh

Chăm sóc da cho trẻ là việc mẹ cần thực hiện hằng ngày chứ không phải chỉ khi da bé bị khô. Để con có làn da mịn màng, không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, mẹ nên:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

  • Cung cấp đủ nước bằng cách cho trẻ bú mẹ thường xuyên để cơ thể bé có đủ chất lỏng cần thiết, làn da cũng được nuôi dưỡng tốt hơn
  • Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn cho bé. Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào mẹ cũng cần theo dõi phản ứng xảy ra sau đó (nếu có). Nếu da bé bị nổi mẩn, khô hơn, xuất hiện bọng nước… thì rất có thể bé bị dị ứng với sản phẩm
  • Cho trẻ đeo bao tay, tất để bảo vệ bề mặt da thường xuyên tiếp xúc với không khí trong những ngày lạnh
  • Dùng xà phòng/nước giặt loại dành riêng cho em bé. Không dùng sản phẩm dưỡng ẩm của người lớn cho trẻ sơ sinh. Hóa mỹ phẩm của người lớn chứa nhiều chất tẩy và hóa chất không thân thiện với da trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh.

Da trẻ sơ sinh bị khô không phải là hiện tượng hiếm gặp. Chăm sóc da bé đúng cách là chìa khóa để mẹ giữ cho con làn da mịn màng, đủ độ ẩm. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ bổ ích cho mẹ, nhất là khi mùa đông đang đến gần.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi