Cẩm nang phát triển của bé 4 tuổi 7 tháng : Trẻ ở lứa tuổi này nên đạt các mốc phát triển thể chất và vận động; ngôn ngữ và giao tiếp; cảm xúc và xã hội; sức khỏe và dinh dưỡng như thế nào? Cha mẹ có thể tham khảo trong bài viết sau để có định hướng nuôi dạy bé sao cho phù hợp cũng như giúp bé phát triển tốt hơn.
- Các mốc phát triển quan trọng của bé 4 tuổi 7 tháng
- Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của bé 4 tuổi 7 tháng
- Mốc phát triển cảm xúc và xã hội của bé 4 tuổi 7 tháng như thế nào?
- Sức khỏe và dinh dưỡng của bé 4 tuổi 7 tháng
- Các loại vắc xin cần thiết dành cho bé 4 tuổi 7 tháng
Các mốc phát triển quan trọng của bé 4 tuổi 7 tháng
Phát triển thể chất và hoạt động của bé 4 tuổi 7 tháng như thế nào?
Một điều rất dễ nhìn thấy là em bé của bạn vô cùng yêu thích các hoạt động chạy nhảy tại sân chơi. Con sẽ đu mình trên xà, nhảy nhót qua lại, đá bóng trên sân rộng…
Khoảng thời gian này, cha mẹ nên chú trọng hướng dẫn bé học các kĩ năng vận động giữ thăng bằng như chơi scooter, đạp xe đạp hoặc nhào lộn… Ngoài ra cha mẹ cũng cần chú ý tới việc khuyến khích bé rèn luyện các kĩ năng khác như:
- Đứng một chân giữ thăng bằng ít nhất từ 2-3 giây
- Có khả năng vượt qua các chướng ngại vật
- Biết leo trèo
- Xếp khối gối được ít nhất 10 khối chồng lên nhau
- Biết đi giật lùi ít nhất vài bước trở lên.
Bí quyết nuôi dạy trẻ trong tháng này dành cho cha mẹ là:
- Hãy để bé được tự do rèn luyện các kĩ năng nhưng đồng thời vẫn phải lưu ý về mức độ an toàn cho bé như nên đội mũi bảo hiểm và có miếng đệm bảo vệ các bộ phận dễ bị chấn thương khi bé đạp xe hoặc chơi các dụng cụ khác;
- Nếu bé chơi ngoài trời khi chiều tối thì nên bôi thuốc chống muỗi dành cho trẻ;
- Cố gắng tìm các trò chơi để khuyến khích bé phát triển các kĩ năng vận động thể chất như đi trên khối gỗ dài, nhảy cao, đu xà…
Khi nào cha mẹ cần tư vấn với bác sĩ chuyên khoa?
- Khi bé không thể xếp nhiều hơn 8 miếng gỗ chồng lên nhau
- Bé không thể cầm được bút hoặc bút màu
- Con không có khả năng tự mình mặc, cởi những kiểu quần áo đơn giản cũng như tự biết đánh răng, đi vệ sinh và rửa tay.
Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của bé 4 tuổi 7 tháng
Vào lứa tuổi này, các bé thường thích trò chuyện, hỏi han và có các câu hỏi khá “kỳ quặc” làm đau đầu các ông bố bà mẹ. Đó là bởi bé đang có một thế giới của trí tưởng tượng vô cùng phong phú.
Cũng ở thời điểm này, hầu hết các bé đều thích thú khi những cử chỉ của mình thu hút và đem lại tiếng cười cho mọi người như hát, múa, nhảy.
Thêm vào đó, cha mẹ sẽ thấy bé còn có nhiều mốc phát triển mới như:
- Con sáng tạo nên từ ngữ của riêng mình
- Bé phân biệt được trái, phải
- Hiểu được cơ chế hoạt động của đồ vật như mở nắp chai nước, bật quạt, bật đèn…
- Bắt đầu nhận thức được về khoảng thời gian như sáng, trưa, chiều, tối
- Có thể nhận thức được về chuyện của quá khứ, hiện tại và tương lai. Biết được bản thân mình đang làm gì
- Có khả năng nhớ được tên của con, số điện thoại và địa chỉ nhà
- Hiểu được các mệnh lệnh của cha mẹ như con đánh răng xong hãy đi ngủ nhé…
Bí quyết nuôi dạy bé trong tháng này dành cho cha mẹ
- Bé đang học hỏi về các mệnh lênh, yêu cầu xung quanh mình. Chính vì vậy, nếu cha mẹ muốn nhờ bé giúp gì hoặc sai gì trẻ thì cần nói rõ ràng
- Khi bé làm được việc tốt hoặc hoàn thành yêu cầu, cha mẹ nên cảm ơn hoặc khen ngợi để hình thành lòng tự hào về bản thân của trẻ
- Khuyến khích và cho bé các đồ chơi giúp con phát huy trí tưởng tượng cũng như tính sáng tạo
- Đồng thời để bé thử chơi các đồ chơi, trò chơi phức tạp nhằm kích thích trí tò mò, ham hiểu biết, khám phá của trẻ.
Khi nào cha mẹ cần tư vấn với bác sĩ chuyên khoa?
- Luôn có tâm lý sợ hãi, vô cùng xấu hổ hoặc chống đối một cách bất thường
- Không thể ngồi im một chỗ hoặc tập trung vào một đồ vật quá 5 phút
- Bé không nói được họ, tên của mình
- Trẻ không có bất kỳ biểu hiện cảm xúc nào hoặc thường tỏ ra buồn bã
- Có dấu hiệu lơ đễnh, nói năng khó hiểu.
Mốc phát triển cảm xúc và xã hội của bé 4 tuổi 7 tháng như thế nào?
Trẻ sẽ được học về phát triển cảm xúc và mối quan hệ xã hội thông qua những lần chơi đùa với bạn bè. Nhờ đó con bắt đầu biết cách chia sẽ, chờ đến lượt mình, giúp đỡ bạn bè. Ngoài ra trẻ còn có các mốc phát triển quan trọng như:
Biết tuân thủ các quy tắc được đặt ra trong môi trường tập thể nhỏ như lớp học, ở nhà, với bạn bè.
Có khả năng bộc lộ các cảm xúc tiêu cực thông qua lời nói thay vì hành động như con không thích, ghét…
Bí quyết nuôi dạy trẻ dành cho cha mẹ
Nếu thấy bé có xung đột với trẻ khác, hãy từ từ đừng vội xông vào can thiệp hay giúp đỡ bé. Cha mẹ nên cho trẻ có thời gian giải quyết vấn đề theo cách của mình trước rồi sau đó mới hướng dẫn con trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc của mình cho dù đó là tích cực hay tiêu cực.
Khi nào cha mẹ cần tư vấn với bác sĩ chuyên khoa?
- Trẻ tỏ ra lo lắng quá mức, luôn tách biệt khỏi bạn bè
- Không có nhu cầu chơi với trẻ khác
- Không nhìn vào mắt hoặc đáp lại lời người khác.
Sức khỏe và dinh dưỡng của bé 4 tuổi 7 tháng
Bé 4 tuổi 7 tháng có chiều cao trung bình từ 100,3-107,9cm với cân nặng trong khoảng 15,4-17,9kg. Trong độ tuổi này, một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ góp phần quan trọng tới phát triển thể chất và não bộ của bé.
Cha mẹ cần cung cấp cho bé những thực phẩm đa dạng. Ngoài ra, một ngày của bé nên chú trọng vào các loại vitamin và khoáng chất như sau:
- Canxi: 1000mg, nguồn thực phẩm dành cho bé như 3 cốc sữa/ngày
- Vitamin D: 600-1000IU thông qua việc khuyến khích bé vận động tắm nắng khoảng 1 tiếng đồng hồvào buổi sáng hàng ngày, có thể cho trẻ uống vitamin bổ sung theo đơn kê của bác sĩ, các thực phẩm như tôm, trứng, cá…
- Sắt: 10mg. Nguồn thực phẩm có thể cung cấp sắt cho trẻ như: thịt, trứng, khoai lang, khoai tây, hải sản, đậu phụ…
- Vitamin C: 25 mg thông qua các thực phẩm như cam, quýt, súp lơ, đu đủ, dâu tây, dứa, kiwi..
Các loại vắc xin cần thiết dành cho bé 4 tuổi 7 tháng
Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà lần 5 (DTaP)
Tiêm nhắc lại với trẻ trong độ tuổi 4-6 tuổi.
Bại liệt lần 5 (IPV 5)
Viêm não mô cầu A+C cho trẻ từ 2 tuổi
- Mũi đầu tiên: khi trẻ từ 2 tuổi trở lên
- Mũi tiêm nhắc lại: sau mũi đầu từ 3 đến 5 năm
Vắc xin phòng cúm
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ từ 6 tháng tuổi nên tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cúm càng sớm càng tốt. Do virus cúm thay đổi và đột biến rất nhanh nên vắc xin phòng cúm cần được tiêm nhắc hằng năm hoặc vào đầu các mùa có nguy cơ bùng phát dịch.
Lịch tiêm phòng vắc xin phòng cúm cho trẻ
- Trẻ nhỏ từ 6 – 35 tháng: tiêm một mũi 0.25ml
- Trẻ trên 3 tuổi và người lớn: tiêm một mũi 0.5ml
- Trẻ em dưới 9 tuổi mà chưa tiêm vắc xin cúm lần nào thì phải tiêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất 4 tuần.
- Tất cả các trường hợp đều cần tiêm nhắc lại mũi cúm hàng năm hoặc vào đầu các mùa có nguy cơ bùng phát dịch.
Vắc xin phòng bệnh sởi – quai bị – Rubella
- Mũi đầu tiên: tiêm khi trẻ từ 12 -15 tháng
- Mũi tiêm nhắc: khi trẻ được 4 – 6 tuổi
Vắc xin phòng bệnh thủy đậu
- Một liều duy nhất khi trẻ được 1 tuổi.
- Có thể tiêm mũi thứ 2 khi trẻ được 4-6 tuổi
Lưu ý: Việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu đúng thời điểm khi trẻ được 1 tuổi vừa có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh từ sớm vừa thuận tiện trong việc tiêm ngừa (chỉ 1 mũi duy nhất). Vì nếu trên 13 tuổi mới bắt đầu tiêm phòng thủy đậu, trẻ sẽ phải tiêm 2 mũi mới đủ điều kiện tạo kháng thể.
Vắc xin phòng thương hàn
- Mũi 1: khi trẻ được 2 tuổi trở lên
- Tiêm nhắc sau mỗi 3 năm
Khi nào cha mẹ cần tư vấn với bác sĩ chuyên khoa?
- Cân nặng của bé thay đổi đột ngột.
- Trẻ nôn mửa hoặc đau bụng kéo dài.
- Xuất hiện mẩn đỏ hoặc cảm thấy đau đớn ở một vùng nào đó.
- Bé bị sốt cao trong nhiều ngày.
Theo theAsianparent Singapore.