Không ít mẹ đau đầu tìm cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh vì dù không nguy hiểm đến sức khoẻ của bé con nhưng bé cũng không thoải mái gì. Theo thống kê, đây là tình trạng phổ biến khi có đến 20% trẻ sơ sinh bị mụn sữa khi mới được vài tuần tuổi.
1. Nguyên nhân gây mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Mụn sữa là các túi nhỏ chứa các mảng chất sừng do các ống tuyến nằm dưới da bị tắc nghẽn gây nên. Sự tắc nghẽn này là do da trẻ sơ sinh còn non, chưa phát triển hoàn toàn.
Trẻ sơ sinh thường bị nổi mụn sữa ở mặt, trán, tùy theo cơ địa của từng trẻ mà mụn sữa nhiều hoặc ít, đôi khi có thể nổi ở cả vùng lưng, ngực và chân tay của bé.
Tuy chưa có khẳng định chắc chắn, nhưng nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa có thể là do:
- Mẹ trong quá trình mang thai sản sinh ra một số hormone truyền cho con qua đường nhau thai hoặc thông qua sữa khi cho con bú. Các hormone này kích thích tuyến dầu phát triển mạnh hơn, làm tăng tiết bã nhờn ở da trẻ, gây tắc lỗ chân lông và nổi mụn.
- Lỗ chân lông của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện nên các tế bào da chết, bụi bẩn và bã nhờn dễ dàng ẩn nấp và cư trú ở đó, gây bít lỗ chân lông và tạo nên mụn.
- Thời tiết nóng nực, môi trường ẩm ướt khiến da bé bị bí, tắc lỗ chân lông.
- Trong một số trường hợp, mẹ lúc mang thai có vấn đề về sức khỏe phải dùng đến thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ dẫn đến mụn sữa ở trẻ sơ sinh.
2. Cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia, mụn sữa ở trẻ sơ sinh thường sẽ tự biến mất sau 3 -4 tuần mà không cần phải điều trị gì. Tuy nhiên, để mụn sữa có thể mau biến mất hơn thì các mẹ lưu ý phải giữ cho da con được thông thoáng và sạch sẽ.
Cụ thể những điều nên và không nên làm như sau:
Nên:
- Tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách, vệ sinh da mặt cho bé với nước sạch hoặc sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh. Sạch sẽ là điều tiên quyết để trị mụn sữa an toàn cho trẻ.
- Giữ da con luôn khô thoáng, đặc biệt là da mặt. Nếu bé ra mồ hôi nhiều thì dùng khăn vải bông nhẹ nhàng lau đi. Cho con mặc trang phục thoáng, sạch sẽ và thoải mái.
- Rửa tay sạch sẽ khi ôm, ẵm con, đặc biệt phải rửa tay trước khi chạm vào mặt bé.
- Cắt gọn móng tay mẹ sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn ẩn nấp.
- Giữ môi trường quanh bé sạch sẽ, khô thoáng và mát mẻ để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi ở con.
- Mẹ nên tránh ăn những thức ăn dễ gây dị ứng để đảm bảo sữa mẹ không có tác nhân gây kích ứng cho bé.
- Theo dõi tình trạng các mụn sữa và thời gian nổi mụn để can thiệp khi cần thiết.
Không nên:
- Tắm các loại lá theo dân gian hay nghe lời khuyên truyền miệng bên ngoài chưa có cơ sở khoa học. Vì những kiến thức chưa được kiểm chứng này ẩn chứa nhiều rủi ro, có thể gây viêm nhiễm nặng hơn nếu không phù hợp.
- Chà xát, bóp hoặc nặn mụn. Các hành động này có thể làm đau con và làm nhiễm trùng nặng, lây lan mụn ở diện rộng hơn.
- Thoa kem dưỡng da, kem trị mụn lên mặt trẻ sơ sinh. Các chất hoá học có thể khiến da con bị tổn thương, bên cạnh đó dù an toàn cách mấy thì các loại kem này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm bít tắc lỗ chân lông trên da trẻ sơ sinh.
- Tự ý bôi thuốc mà không có lời khuyên của bác sĩ. Đa số trường hợp, cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh là không nên làm gì cả, mụn sẽ tự khỏi khi chăm sóc sạch sẽ đúng cách.
- Cho bé tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm hay ẩm mốc có thể khiến tình trạng nặng hơn. Đặc biệt hạn chế “xông” nóng hay ủ ấm con quá mức làm mồ hôi tiết ra nhiều.
- Để người khác nựng mặt trẻ hay hôn má, mặt con. Tay người ngoài chứa nhiều vi khuẩn nếu không rửa sạch mà chạm vào có thể làm bé bị viêm nhiễm nặng. Đặc biệt từ lâu đã có nhiều khuyến khích không nên hôn trẻ sơ sinh vì dễ lây các bệnh truyền nhiễm.
3. Lưu ý tình trạng nặng hơn
Tuy đa số trường hợp mụn sữa ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau một thời gian. Nhưng cũng có những trường hợp trẻ nổi mụn kéo dài kèm theo sưng đỏ, đau rát, ngứa ngáy, chảy dịch hoặc có mủ. Lúc này phụ huỵnh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên môn để được khám và có cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh kịp thời.
Xem thêm:
- Mẹ nên chăm sóc tóc cho bé sơ sinh như thế nào?
- 7 mẹo an toàn khi tắm cho em bé mà bạn không nên bỏ qua
- 6 điều mẹ không nên làm với trẻ sơ sinh trong năm đầu đời!