Cách quay lại với người yêu cũ là nỗi băn khoăn của những ai vẫn còn vương vấn người thương sau khi chia tay. Vậy làm sao để có thể nối lại tình xưa và duy trì mối quan hệ đó lâu bền? Đây là một hành trình không hề dễ dàng. Thế nhưng, bạn có thể thử áp dụng những cách gợi ý trong bài viết này.
Nên hay không nên quay lại với người yêu cũ?
Trước khi tìm hiểu cách quay lại với người yêu cũ, bạn cần tự trả lời câu hỏi: “Có nên quay lại với người yêu cũ hay không?” Đây là nỗi băn khoăn chung của nhiều cặp đôi sau khi chia tay. Trong tình yêu, có nhiều lý do dẫn đến tan vỡ. Đó có thể là cả hai không còn tình cảm hay có sự xuất hiện của một người thứ ba. Bên cạnh đó, không ít đôi tình nhân chia tay vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Dù là lý do gì, ắt hẳn bạn cũng sẽ đau lòng khi bước ra khỏi một cuộc tình. Những kỷ niệm trong quá khứ sẽ khiến bạn nhớ nhung, hoài niệm. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy hối hận sau khi nói lời chia tay.
Người ta thường nói rằng, việc quay lại với người yêu cũ là không nên. Nguyên nhân bởi vì bạn có khả năng tổn thương lần nữa. Thế nhưng thực tế, quyết định quay lại hay không vẫn nằm ở bạn. Nếu còn tha thiết với người yêu, bạn vẫn có thể cho bản thân và đối phương thêm một cơ hội nữa.
Bí quyết hàn gắn mối quan hệ để quay lại với người yêu cũ
Chủ động xin lỗi người yêu cũ bằng sự chân thành
Nếu mối quan hệ tan vỡ vì sai lầm của bạn, vậy thì hãy bắt đầu hàn gắn bằng lời xin lỗi. Bạn hãy nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để nói xin lỗi. Tốt nhất, bạn không nên dông dài để biện hộ cho những hành vi không đúng của mình. Thay vào đó, bạn nên trực tiếp đi vào vấn đề và thừa nhận lỗi lầm.
Thái độ chân thành là chìa khóa giúp bạn lần nữa mở cửa trái tim của người yêu. Lời xin lỗi của bạn là cầu nối để bạn níu kéo người cũ. Mặc dù trong một số trường hợp, đối phương chưa chắc chấp nhận câu xin lỗi của bạn. Thế nhưng ít nhất, cách làm này sẽ khiến mối quan hệ của cả hai trở nên tốt hơn.
Những tin nhắn hỏi thăm ân cần
Các dòng tin nhắn thăm hỏi là cách đơn giản nhất để liên lạc lại với người yêu cũ. Nó thể hiện sự quan tâm ân cần của bạn dành cho đối phương. Đồng thời, việc hỏi thăm cũng sẽ khiến cả hai đỡ ngượng khi bắt đầu nói chuyện trở lại.
Tuy nhiên, bạn nên giữ chừng mực khi thăm hỏi người yêu cũ. Mọi câu hỏi hay cách quan tâm nên dừng lại ở mức độ bạn bè. Không ít người vô tình quên trạng thái quan hệ hiện tại của cả hai mà biểu hiện thái quá. Những tin nhắn dồn dập, những câu hỏi mang tính riêng tư hay cách xưng hô thân thiết quá mức sẽ khiến người cũ của bạn cảm thấy ngột ngạt và phiền lòng.
Dò xem thái độ và phản ứng của người yêu cũ về chuyện quay lại với nhau
Đây là điều vô cùng quan trọng mà bất cứ ai muốn quay lại với người yêu cũ phải làm. Thái độ và phản ứng của đối phương đóng vai trò quyết định việc bạn có nên tiếp tục hay không. Nếu người ấy vui vẻ, thoải mái trả lời, đó chính là tín hiệu tốt. Ngược lại, sự thờ ơ của họ là dấu hiệu cho thấy bạn không cần cố gắng nữa.
Đặc biệt, khi bạn biết rằng người yêu cũ đang ở trong một quan hệ khác hoặc họ đang để ý một ai đó thì tốt nhất, bạn không nên tiếp tục công cuộc nối lại tình xưa. Ít nhất, đây không phải là thời điểm thích hợp cho việc đó. Dù bạn vẫn yêu người ấy nồng nhiệt, song bạn cần giữ sự tự tôn tối thiểu cho bản thân.
Hẹn gặp gỡ ở những nơi kỉ niệm
Nếu nhận được phản hồi tích cực qua các tin nhắn, bạn có thể đi đến việc hẹn hò. Trong trường hợp sợ đối phương ngại, bạn có thể mời thêm những người bạn thân thiết. Một buổi họp mặt ở nơi góc quán quen là cách khơi gợi lại những kỉ niệm đẹp đẽ. Từ đó, bạn có thể ôn lại các câu chuyện ngày xưa.
Song hãy nhớ rằng, bạn chỉ nên dừng lại ở những chủ đề cuộc sống và công việc. Vội vàng đề cập đến chuyện tình yêu sẽ khiến bạn và người yêu cũ cảm thấy khó chịu.
Sự hỗ trợ của những người bạn thân thiết
Trong trường hợp, bạn và người cũ có bạn thân chung, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của họ. Hội bạn thân chính “vị cứu tinh” tuyệt vời giúp bạn hàn gắn tình cảm. Thông qua bạn thân, bạn sẽ dễ dàng thăm dò ý tứ của đối phương. Hơn thế nữa, bạn thân cũng sẽ là cầu nối để hai bạn có thêm nhiều cơ hội gặp nhau.
Bạn hãy thử tâm sự với bạn thân của cả hai để nghe thêm lời khuyên từ họ. Giả dụ người bạn thân không muốn can thiệp, bạn nên tôn trọng quyết định của họ. Lúc này, bạn phải nhờ vào chính khả năng của bản thân để giải quyết vấn đề.
Phấn đấu trở thành một phiên bản tốt hơn để bắt đầu lại với người yêu cũ
Việc chia tay dẫu khiến bạn đau buồn nhưng đồng thời, nó giúp bạn nhìn lại bản thân. Bạn sẽ phát hiện ra những thiếu sót của chính mình. Từ đó, bạn có thể thay đổi, cải thiện và phấn đấu để trở nên tốt hơn. Bạn có thể dành thêm thời để học hỏi, trau dồi kiến thức. Ngoài ra, tăng cường chăm sóc bản thân để trở nên đẹp và rạng rỡ hơn là vô cùng cần thiết.
Khi nhìn thấy những thay đổi tích cực ở bạn, người ấy cũng sẽ bị thu hút. Nhờ vậy, cơ hội quay lại cũng sẽ cao hơn. Bạn phải nhớ rằng, nếu muốn được người khác yêu thương, mình phải học cách yêu bản thân trước.
Những cách quay lại với người yêu cũ trên đây là gợi ý giúp bạn hàn gằn mối quan hệ từng đổ vỡ. Mặc dù sẽ rất khó khăn, nhưng nếu đủ kiên trì và nỗ lực, bạn vẫn có cơ hội thành công. Tuy nhiên trong trường hợp đối phương không hồi tâm chuyển ý, bạn cũng đừng quá đau buồn. Hãy học cách chấp nhận và nhìn về phía trước, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón bạn!
Xem thêm:
- Làm sao các cặp đôi có thể tạm “xa nhau” nhưng không làm tan vỡ mối quan hệ?
- Lý do không nên dây dưa với người yêu cũ dù bạn còn yêu người ấy thế nào
- Đến với người cũ của bạn thân, liệu có nên?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!