Trong suốt hành trình mang thai của mình, mẹ cần có những lần siêu âm thai để kiểm tra tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Hãy cùng tìm hiểu các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu không thể bỏ qua trong bài viết dưới đây.
Tầm quan trọng của siêu âm thai
Siêu âm là kỹ thuật dùng sóng âm có tần số cao (> 20.000 Hz) để xây dựng và tái tạo hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Đầu dò phát ra sóng siêu âm truyền qua cơ thể, sau đó, phản xạ trở lại và chuyển đổi thành hình ảnh được hiển thị trên màn hình, giúp ghi lại hình ảnh của thai nhi trong bụng mẹ.
Siêu âm là hình thức kiểm tra thai nhi đơn giản, không xâm lấn, giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện các bất thường trong suốt thai kỳ để có biện pháp can thiệp thích hợp. Nhờ siêu âm, bác sĩ có thể:
- Xác nhận mẹ đang có thai, số lượng thai nhi trong bụng mẹ, các biến chứng thai kỳ như có thai ngoài tử cung…
- Kiểm tra tuổi thai và sự tăng trưởng của bé, từ đó tính toán ngày dự sinh
- Đo nhịp tim, đếm chuyển động thai
- Sàng lọc khuyết tật bẩm sinh. Nếu siêu âm phát hiện bất thường bác sĩ có thể yêu cầu mẹ làm thêm xét nghiệm chẩn đoán khác
- Kiểm tra bất thường ở buồng trứng và tử cung.
Đâu là các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu không thể bỏ qua?
Siêu âm trong khoảng tuần 6 – 9
- Xác nhận mẹ có mang thai hay không và số lượng thai
- Xác định ngày dự sinh
- Đo nhịp tim thai
- Đảm bảo thai nằm trong tử cung (để loại trừ trường hợp mang thai ngoài tử cung)
- Đánh giá bất thường ở giai đoạn sớm.
Thông thường, sau khi chậm kinh khoảng 1 – 2 tuần mẹ có thể siêu âm lần đầu tiên. Bào thai có thể được nhìn thấy sớm nhất là từ 4 – 5 tuần sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt gần nhất và nhịp tim thai có thể xuất hiện sớm nhất ở tuần thai thứ 6.
Mốc siêu âm trong khoảng tuần 11 – 13
Đây là thời điểm siêu âm quan trọng mẹ bầu nhất định không được bỏ qua, bởi đây là thời điểm đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán 1 số bất thường nhiễm sắc thể, từ đó xác định nguy cơ mắc hội chứng Down/hội chứng Edward của thai nhi. Đây cũng là thời điểm siêu âm chẩn đoán bất thường về hình thái học của thai nhi như thai vô sọ, thoát vị não, thoát vị thành bụng, thoát vị cơ hoành, dị dạng chi…
Chỉ số độ mờ da gáy bình thường ở mức 2,5mm. Chỉ số nguy hiểm từ 3mm (nguy cơ bị Down là 30%). Độ mờ da gáy càng dày thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao và ngược lại. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm 1 số xét nghiệm khác như chọc ối, chọc cuống rốn.
Mẹ cần nhớ rằng độ mờ da gáy chỉ chính xác ở thời điểm thai từ 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày (khi chiều dài đầu mông từ 45 – 80 mm), sau thời điểm này tất cả đều trở về bình thường nên nhất định không được bỏ qua mốc siêu âm này mẹ nhé.
Siêu âm ở tuần thứ 20 – 22
Lần siêu âm tiếp theo của mẹ vào khoảng tuần thứ 20 – 22 của thai kỳ. Trong lần thăm khám này, mẹ sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về sức khỏe của bé. Bác sĩ sẽ kiểm tra:
- Kích thước, cân nặng thai nhi
- Các cơ quan chính của cơ thể bé
- Đo lượng nước ối, quan sát vị trí nhau thai
- Phát hiện dị tật bẩm sinh: Tuần 22 là thời điểm xuất hiện dị tật nếu có ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, thoát vị hoành, hở thành bụng, hở đốt sống… Dị tật về tim mạch cũng có thể được phát hiện trong giai đoạn này
- Cho mẹ biết giới tính thai nhi (nếu mẹ muốn biết).
Cột mốc này đặc biệt quan trọng, bởi nếu có vấn đề thai nhi bất thường còn có thể đưa ra giải pháp đình chỉ thai nghén (những trường hợp đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 22).
Mốc siêu âm thai từ tuần 30 – 32 của thai kỳ
Tại tuần thai này, bác sĩ sẽ siêu âm để phát hiện:
- Bất thường ở động mạch, tim và 1 số vùng cấu trúc não
- Theo dõi cân nặng thai nhi, nhau thai, đo lượng nước ối
- Tình trạng phát triển của tử cung nhanh hay chậm. Tử cung phát triển chậm dễ dẫn đến suy thai và ngạt thai sau khi đẻ.
Đây là 4 mốc siêu âm thai quan trọng nhất trong thời gian mang thai. Từ tuần thai thứ 28 – 38, mẹ bầu nên siêu âm 4 tuần 1 lần nhằm xác định ngôi thai, trọng lượng thai tiên lượng khi chuyển dạ, phát hiện dấu hiệu suy giảm chức năng bánh nhau, nguy cơ thai chậm phát triển và những bất thường xuất hiện trong giai đoạn sau của thai kỳ.
Sau tuần 38, mẹ nên siêu âm 1 lần/tuần để theo dõi cân nặng, lượng nước ối và nhau thai. Từ thời điểm này trở đi nước ối có thể giảm rất nhanh.
Nếu thai đã đủ 40 tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cần được siêu âm kết hợp monitoring sản khoa 2 – 3 ngày/lần theo chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp mẹ bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ có thể áp dụng siêu âm Doppler trong những tuần cuối thai kỳ để đo lưu lượng máu và huyết áp, xác định xem bé có nhận đủ máu hay không.
Thay lời kết
Trong thai kỳ mẹ có thể duy trì siêu âm 4 – 5 tuần/lần hoặc nhiều hơn tùy chỉ định của chuyên gia y tế, tuy nhiên mẹ bầu cần ghi nhớ và không được bỏ qua các mốc siêu âm thai quan trọng nêu trên. Bên cạnh việc thăm khám định kỳ thì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và nghỉ ngơi cũng vô cùng cần thiết để có thai kỳ khỏe mạnh.
Xem thêm
- Thai nhi 8 tuần tuổi đã máy chưa? Mẹ nên chú ý gì ở tuần thai này?
- Siêu âm thai ngoài tử cung được thực hiện như thế nào và độ chính xác có cao không?
- Thai 3 tuần siêu âm có thấy không? Mẹ cần lưu ý gì ở những tuần thai đầu?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!